Gặp Hà Ánh Phượng "top 10 giáo viên toàn cầu": Cô gái Mường từ chối làm giám đốc công ty dược Pakistan để về quê làm cô giáo làng với tham vọng đưa học sinh thành "công dân toàn cầu"

Thanh Ba; Ảnh: Đinh Huy ,
Chia sẻ

0h ngày 11.11.2020, diễn viên nổi tiếng Stephen Fry đã xướng gọi cái tên Hà Ánh Phượng trong danh sách top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Và cô giáo Mường 9X, sinh sống tại một huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, chạm tay tới bên kia bán cầu trái đất từ vườn chuối đã thành một câu chuyện truyền cảm hứng đến bao người…

Hà Ánh Phượng đến từ Việt Nam...

Cảm xúc của cô giáo khi cái tên Hà Ánh Phượng được xướng lên, lần đầu tiên giáo viên Việt Nam có 1 người được lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu?

Khi được nghe diễn viên điện ảnh Stephen Fry xướng tên, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Tôi cũng cảm thấy bất ngờ vì nghĩ mình còn ít tuổi, chưa hẳn nhiều kinh nghiệm, nhưng... những nỗ lực của tôi đã được ghi nhận.

Cô giáo Mường “từ vườn chuối” lần đầu trả lời phỏng vấn về cú lội ngược dòng ngoạn mục lọt top 10 giáo viên toàn cầu, cách để cậu con trai 3 tuổi nói tiếng Anh như gió cũng được tiết lộ - Ảnh 1.

Tôi tin đây không phải là niềm hạnh phúc riêng mà là niềm vui của màu cờ sắc áo, một giải thưởng ghi nhận thầy cô giáo Việt Nam đã tạo được một dấu ấn trên trường thế giới. Nó khiến tôi cảm thấy tự hào bởi có rất nhiều thầy cô khác trên đất nước này cũng đang nỗ lực như tôi.

Nếu nhìn hành trình của cô thì thấy đường đi của Phượng khá quả quyết. Làm gì cũng nhanh và vững chắc như cách bạn từ chối công ty dược Pakistan với mức lương hấp dẫn để về quê dạy học. Như cách bạn về huyện miền núi, về ngôi trường 90% dân tộc thiểu số nhưng vẫn khiến ở bên kia bán cầu của trái đất gọi tên…

Đúng thế, tôi là người quả quyết. Mọi quyết định của tôi đến rất nhanh và hiếm khi suy nghĩ lại lần thứ 2. Khi tôi về quê dạy học nhiều thầy cô giáo và bạn bè bảo dở hơi, có điên mới về lại nơi xó xỉnh ấy. Nhưng tôi thì nghĩ đó là do quan điểm sống của mỗi người. Cuộc sống thành phố hay nông thôn đều có khó khăn thuận lợi riêng. Tôi không nghĩ nông thôn ít áp lực hơn hay thành phố mới đáng sống hơn...

Khi tôi trở về quê hương có người bạn khuyên can và cảnh báo rằng chắc chắn tôi sẽ bị tụt hậu. Mà theo tôi, với giáo viên cấm kỵ nhất là sự tụt hậu vì người dạy phải là người không ngừng học. Chính vì thế từ “vườn chuối” nhà mình tôi vẫn có thể thấy thế giới gần hơn. Tôi cũng muốn chứng minh với bạn dù ở bất cứ đâu, tụt hậu hay không là do chính mình.

Cô giáo Mường “từ vườn chuối” lần đầu trả lời phỏng vấn về cú lội ngược dòng ngoạn mục lọt top 10 giáo viên toàn cầu, cách để cậu con trai 3 tuổi nói tiếng Anh như gió cũng được tiết lộ - Ảnh 2.

Tôi có ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ và tôi đã từng mơ làm được điều gì đó cho huyện nghèo ở quê mình, cho các em học sinh như tôi đã từng là người dân tộc thiểu số nhiều rụt rè, nhút nhát. Tôi cũng muốn là người truyền cảm hứng để em phát triển năng lực thành công dân toàn cầu.

Nhiều người nghĩ học sinh dân tộc học ngoại ngữ là một thách thức, nhưng tôi có niềm tin ở các em. Các em từ nhỏ lớn lên đã có 2 ngôn ngữ, nên đây chính là điểm thuận lợi cho các em chứ không phải nhược điểm. Và như từ bản thân tôi cũng là 1 ví dụ. Tôi thường không bị khuất phục bởi những khó khăn.

Người từ vườn chuối “với tay” sang bên kia bán cầu trái đất

Người ta gọi cô là “cô giáo Mường từ vườn chuối” nhưng không hẳn ai cũng biết câu chuyện từ vườn chuối vươn tay chạm vào bên kia bán cầu trái đất đã truyền cảm hứng cho bao người thực sự bắt đầu chỉ từ nghĩa đen…

Trong một buổi sinh hoạt chuyên môn xung quanh mô hình lớp học không biên giới và nhà bị mất điện nên mất wifi. Không muốn dang dở sự kết nối, hàng xóm thì có điện nhưng buổi trưa sang tận nhà thì phiền họ nếu “ké” wifi, nên tôi ra ngồi ở vườn chuối bắt wifi hàng xóm và kết nối với thầy cô ở châu lục khác. Nên câu chuyện từ vườn chuối vươn tay ra thế giới là có thật, chứ không phải chỉ là hình tượng như nhiều người nghĩ đâu.

Và tất nhiên hình ảnh “vườn chuối” giàu chất làng quê Việt Nam và giải thưởng được người ta gọi là “Nobel giáo dục” này, khiến người ta liên tưởng đến dù bất cứ ở đâu chúng ta đều có thể tỏa sáng, miễn là chúng ta không ngừng tiến về phía trước...

Tôi nghĩ thế. Dù ở bất cứ nơi nào dù mảnh đất ấy màu mỡ hay khô cằn, dù ở thành thị hay nông thôn, chỉ cần cố gắng cuộc đời sẽ nở hoa.

Cô có thể nói rõ hơn về “lớp học không biên giới” cho những ai chưa hiểu vì sao cái tên Hà Ánh Phượng xuất sắc lọt top 10 giáo viên toàn cầu. Ngay khi quay về quê hương làm cô giáo làng Phượng đã nghĩ đến lớp học này chưa?

Khi quay trở về quê với mong muốn các em học sinh ở quê không chỉ là tiến bộ mà còn là tiến dần lên công dân toàn cầu tôi đã nghĩ đến việc một lớp học vượt ra ngoài những bức tường. Anh ngữ là sinh ngữ, học ngoại ngữ cần môi trường, nếu không nó sẽ không có đất sống.

Trước đó khi còn đi dạy tiếng Anh, đi dịch hoặc làm thêm thời sinh viên và khi học thạc sĩ tôi đã biết tới skype hay 1 số app khác có thể nối liền khoảng cách. Vì thế, tôi đã thường cho các em học sinh của mình kết nối với bạn bè nói tiếng Anh của tôi ở nước ngoài.

Nhưng phải cho đến khi tôi biết đến diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu, lúc đó tôi mới thực sự tạo ra những lớp học xuyên biên giới. Nơi thầy cô khác và học trò ở khắp nơi trên thế giới có thể tương tác với học trò của mình. Nơi bản thân tôi cũng dạy những các em học sinh ở khắp các châu lục để chúng tôi được học hỏi lẫn nhau, mở mang tầm nhìn và sự yêu thương.

Nhờ thế trình độ tiếng Anh của học trò mình được nâng cao rõ rệt. Các con cũng tự tin hơn rất nhiều không chỉ về tiếng Anh mà còn là khả năng thuyết trình, tư duy giao tiếp và mức độ hiểu biết. Tôi làm những điều này tất cả từ trái tim và không ngờ nó lại có sức lan tỏa đến như vậy.

Lớp học xuyên biên giới này hiện nay đã mang lại hiệu quả như thế nào?

Đó là sự tự tin và hiểu biết cho các học trò của tôi, các em biết nhìn ra xem thế giới như thế nào. Năng lực tiếng Anh của các em cũng được được cải thiện. Không cần visa các em đã du lịch tới 40 nước với bao nhiêu câu chuyện văn hóa thú vị, những tình bạn xuyên biên giới. Tôi tin cái các em học được không chỉ là ngoại ngữ mà là sự tự tin nói chung.

Cô và trò tại "lớp học xuyên biên giới".

Học trò của tôi đã có em nối bước tôi để vào trường Đại học Hà Nội, em thi được điểm cao thứ 2 toàn trường. So với tôi, em học sinh ấy “lớn” hơn tôi rất nhiều. Vì bằng thời điểm với bạn ấy, tôi chưa có được những điều này.

May mắn trong... sự cố gắng

Không như một cơ số bạn trẻ thường oán trách cuộc đời, oán trách số phận thì Hà Ánh Phượng lại là người luôn biết nói lời cảm ơn, biết nghĩ đến sự tri ân từ rất sớm…

Sự thực là tôi đã nhận được rất nhiều từ Đảng và Nhà nước, đây không phải là 1 lời nói sáo rỗng, đó là thực tế. Là người dân tộc tôi nhận được nhiều sự ưu ái. Đi học được lo ăn, lo ở, có học bổng… Tôi cũng có những người thầy cô giáo truyền cảm hứng. Cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi là một người tuyệt vời để tôi học theo từ nhân cách đến nghị lực sống và khát vọng vươn lên, không chịu khuất phục trước khó khăn nào. Đó là món nợ ân tình tôi tự nguyện muốn trả. Vì thế mới có 1 con người như tôi bây giờ.

Nghị lực là điều ai cũng nhìn thấy ở cô giáo Hà Ánh Phượng, nhưng chắc hẳn ai đó cũng nói đến sự “ăn may”, hay yếu tố “gặp thời”…

Tôi cũng cho rằng mình có sự may mắn. Nhưng may là nhận được sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước cho tôi cơ hội học hành. May mắn gặp được những người thầy tuyệt vời. May mắn được sinh ra trong 1 gia đình có bố mẹ việc gì cũng tôn trọng quyết định của con cái. Bố tôi khi biết tôi thích trở thành cô giáo từ nhỏ đã tự tay đóng bảng gỗ để tôi được thỏa sở thích tự diễn vai cô giáo. Bố cũng là người đèo tôi hàng mấy chục km để chỉ mua 1 cuốn sách ở trung tâm. Mẹ tôi khi biết tôi có cơ hội trở thành giám đốc đại diện 1 công ty dược nước ngoài vẫn ủng hộ tôi trở về làm… cô giáo làng. Mẹ bảo: “Con hãy làm gì con yêu thích”. May mắn được chồng và gia đình hỗ trợ tôi để yên tâm trong công việc. Tôi cũng may mắn vì được giảng dạy ở một ngôi trường có lãnh đạo và những đồng nghiệp yêu thương, giúp đỡ.

Gặp Hà Ánh Phượng "top 10 giáo viên toàn cầu": Cô gái Mường từ chối làm giám đốc công ty dược Pakistan để về quê làm cô giáo làng với tham vọng đưa học sinh thành "công dân toàn cầu" - Ảnh 5.

Có người cũng bảo tôi may mắn vì là người dân tộc nên được ưu tiên. Nhưng bạn tôi thì nói rằng có đến 2 tổ chức quốc tế chọn khi được là top 10 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bình chọn và đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Mỹ SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft (MIE Expert) thì đó không phải là sự may mắn mà là cố gắng. Tôi cũng tin mình đã may mắn trong sự cố gắng.

Đi cùng với vinh quang không thể không có nước mắt, đã có ai đó nói rằng cô Phượng hẳn là 1 cô giáo tham vọng chưa?

Tôi chưa tưa từng mong cầu sự nổi tiếng. Cuộc sống của người giáo viên giống như 1 tảng băng nổi. Đằng sau cái nổi cũng sẽ có những mảng không nhìn thấy được, là sự căng thẳng chạy deadline của các đầu công việc, là sự lo lắng khi học sinh mình vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, là những nỗi buồn với những học sinh cá biệt và rất nhiều câu chuyện khác...

Tôi cũng là một người mẹ, một người vợ, một cô giáo cùng một lúc, có những lúc tôi cảm thấy “áp lực” vô cùng nhưng những lúc đó tôi luôn cố gắng biến thành động lực để sống 1 cuộc đời có ý nghĩa...

Nhưng làm gì khi có sự định hướng rõ ràng nhưng làm hết bằng trái tim mình, dù không mong đợi, có lẽ cũng sẽ được hưởng thành quả theo 1 cách nào đó. Nên nếu ai đó nói tôi là 1 cô giáo tham vọng, tôi sẽ nghĩ rằng đó thực sự là 1 lời khen.

Như cô đã từng nói rằng mình được sự ủng hộ của bố mẹ trong bất kỳ quyết định nào. Xem kênh youtube của cô thì cậu con trai 3 tuổi nhưng đã nói tiếng Anh như gió, vậy cô có cho con mình sự tự do không?

Tôi chỉ muốn tạo môi trường học cho con bằng cách đọc sách, trò chuyện, vừa học vừa chơi, chứ không hề ép buộc… 

Tôi không kỳ vọng con phải thành nhân tài, nhưng tôi hiểu vai trò ngoại ngữ trong cuộc sống. Tôi không gọi đó là việc dạy học mà là sự tương tác 2 mẹ con, nó sẽ giúp con phát triển.

Nhiều lời mời từ trong và ngoài nước nhưng sẽ vẫn tiếp tục làm cô giáo làng

Không chọn công việc ngàn đô để về làm cô giáo làng. Đến hiện tại cô có tự tin rằng mình nhận được nhiều hơn việc “đi làm nhận một mức lương”?

Khi dạy học là khoảnh khắc tôi trân trọng nhất. Lúc nhìn học sinh vui cười nói chuyện với bạn bè nước ngoài một cách tự nhiên. Có bạn còn cười tít mắt nói rằng “bạn ấy sắp đổ em rồi” từ một cậu chàng ở châu lục khác. Hạnh phúc cũng là lúc khi nhìn học sinh tự tin thuyết trình nói với các bạn đầu bên kia là 7 quốc gia khác về chiếc ống hút bằng tre thân thiện với môi trường ở Việt Nam, về việc bảo vệ bản thân để không bị bắt nạt qua mạng, về việc tránh rác thải nhựa… Có được tất cả điều này thì tôi biết đó là những thứ không tiền bạc nào có thể mua được.

Cô giáo Mường “từ vườn chuối” lần đầu trả lời phỏng vấn về cú lội ngược dòng ngoạn mục lọt top 10 giáo viên toàn cầu, cách để cậu con trai 3 tuổi nói tiếng Anh như gió cũng được tiết lộ - Ảnh 6.

Trong quá trình khi tôi dạy các bạn học sinh ở châu lục khác tôi cũng học lại được từ các bạn nhiều điều. Tôi hiểu hơn về văn hóa khắp nơi trên thế giới, tôi cũng hiểu học sinh đa dạng như thế nào để phát triển chuyên môn giảng dạy hơn.

Có một điều tôi cho rằng là cần thiết với bất kỳ một người giáo viên nào đó là cần không ngừng trau dồi chuyên môn để không tụt hậu.

Nhìn vào hành trình đã đi của cô thì người ta tin rằng Hà Ánh Phượng là một cô giáo làm việc có kế hoạch. Vậy cô có thể chia sẻ về kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của mình trong thời gian sắp tới?

Trong năm học này tôi sẽ hoàn thành dự án chống bạo lực trong không gian mạng cùng học trò của mình, tiếp tục làm tốt vai trò 1 giáo viên.

Kế hoạch dài hạn hơn tôi vẫn đứng sau giúp học trò của mình toàn diện hơn, ngày càng giỏi giang và tự tin hơn để các em tiệm cận với công dân toàn cầu.

Tôi cũng sẽ phát triển kênh youtube của mình để lan tỏa nhiều hơn tinh thần tích cực đến các thầy cô và mọi người xung quanh về việc không ngừng học.

Chắc hẳn sau tiếng vang lần này, với danh hiệu top 10 giáo viên toàn cầu cô giáo cũng nhận được nhiều lời mời về các công việc hấp dẫn khác, điều này có khiến cô khó xử không?

Ngay từ khi mới ra trường tôi đã có lời mời làm giám đốc 1 công ty dược nước ngoài và đã từ chối, hiện tại thì đúng là có rất nhiều lời mời từ trong và ngoài nước. Nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm cô giáo làng vì sứ mệnh với các học trò, với quê hương mình vẫn chưa hoàn thành.

Chia sẻ