Dự báo điểm chuẩn ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tăng cao

Vũ Hồng,
Chia sẻ

Ngược với nhiều ngành được dự báo điểm chuẩn giảm do phổ điểm các môn thấp hơn 2024, Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn vẫn được dự báo điểm chuẩn tăng cao.

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn hiện nay rất cao, do đó, dự báo điểm chuẩn sẽ duy trì ở mức cao và chỉ tiêu tuyển sinh cũng được nhiều trường đại học mở rộng đáng kể.

Chương trình Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano ra đời tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Điểm chuẩn "neo cao"

Năm nay, đa số cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh ngành/chuyên ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn công bố mức điểm sàn khá cao. Điều này cho thấy sức hút của 2 lĩnh vực này đối với thí sinh vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các ngành dự kiến lấy điểm chuẩn cao nhất: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) đều ở mức trên 27,8.

Nhóm ngành Kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin (Global ICT), An toàn không gian số (chương trình tiên tiến), Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa, Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ thông tin Việt Nhật dự kiến điểm chuẩn 26,5-28.

Dự báo điểm chuẩn các ngành công nghệ (Ảnh: ĐH Bách khoa HN)

Trong khi đó, trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) yêu cầu điều kiện xét tuyển ngành Thiết kế vi mạch với tổng điểm tất cả các môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu 24 điểm. Ngoài ra, còn có điều kiện kèm theo là môn Toán tối thiểu 8 điểm – yêu cầu khá cao với môn chủ chốt.

Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến điểm xét tuyển các ngành máy tính và Công nghệ Thông tin, AI 24 điểm. Đáng chú ý, ngành Trí tuệ nhân tạo của trường này, vốn nằm trong top các ngành có điểm trúng tuyển cao trên 27 điểm vào năm trước, dự kiến vẫn giữ vững mức cao trong năm nay.

Ở khía cạnh khác, bức tranh điểm sàn cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM công bố điểm sàn ngành trí tuệ nhân tạo 20 điểm, còn nhóm ngành công nghệ bán dẫn là 18 điểm.

Các trường như Đại học Thái Bình Dương có chuyên ngành Công nghệ bán dẫn điểm xét tuyển 15 điểm, Đại học Duy Tân ngưỡng điểm xét tuyển ngành trí tuệ nhân tạo trên 18 điểm. Ngoài ra, Đại học Thành Đông công bố mức điểm sản cho ngành trí tuệ nhân tạo 14 điểm. Sự phân hoá về điểm xét tuyển được kỳ vọng mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng thí sinh khác nhau tiếp cận các ngành “hot” này.

Theo TS. Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc thường trực Đại học Duy Tân, ngành Trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn trong những năm gần đây đòi hỏi thí sinh không chỉ giỏi Toán, Lý, Hóa mà còn cần có nền tảng tiếng Anh vững chắc.

Bởi hầu hết các tài liệu chuyên ngành đều bằng tiếng Anh nên yêu cầu về ngoại ngữ rất quan trọng. Xuất phát từ nguyên nhân này, tỷ lệ chọi của cả 2 ngành trong những năm trước thường không quá cao, tạo cơ hội lớn cho thí sinh trúng tuyển.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong năm nay. “Trước năm 2024, nhiều người chưa hình dung rõ trí tuệ nhân tạo hay bán dẫn là gì, nhưng từ đầu năm 2025, những từ khóa này được nhắc đến rất nhiều. Do đó, tôi dự báo việc tuyển sinh các ngành này trong năm nay có thể sẽ khó khăn hơn, mức độ cạnh tranh cao hơn” , ông Hải phân tích thêm.

Về điểm chuẩn, TS Hải dự đoán, các ngành “top đầu” như Y khoa hay Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ ổn định, thậm chí không có nhiều biến động đáng kể, bởi số lượng điểm 10 trong kỳ thi năm nay vẫn khá nhiều.

Ngoài ra, TS. Hải cho hay: “Năm nay, việc xét tuyển sẽ có mức cạnh tranh cao hơn. Một phần là do các trường không còn xét tuyển sớm như trước, các phương thức xét tuyển diễn ra đồng thời. Hơn nữa, quy định mới về việc quy đổi một ngưỡng điểm chung giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển trong cùng một ngành cũng sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh chung giữa các thí sinh”.

Chênh lệch lớn chỉ tiêu tuyển sinh

Không chỉ điểm chuẩn, số lượng chỉ tiêu cũng là điểm nhấn trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều trường đại học điều chỉnh tăng chỉ tiêu đáng kể cho các ngành AI và bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực cho thị trường lao động.

Cụ thể, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn đầu với số lượng chỉ tiêu dành cho ngành Trí tuệ nhân tạo lên tới 300 chỉ tiêu, tăng thêm 60 chỉ tiêu so với năm 2024. Đây là con số cao nhất trong số các trường được thống kê, cho thấy cam kết mạnh mẽ của trường trong việc đào tạo lĩnh vực này.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ cho hay: “Thời gian vừa qua, trường tăng chỉ tiêu số lượng tuyển sinh liên quan đến ngành công nghệ bán dẫn. Tôi tin trong thời gian tới trường Đại học Công nghệ nói riêng và các trường khoa học công nghệ nói chung sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội, của doanh nghiệp đối với lĩnh vực bán dẫn”.

Sinh viên của Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Công nghệ tham quan nhà máy VNPT Technology tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN)

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến chỉ tiêu cho các ngành trọng điểm, trong đó ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với 120 chỉ tiêu, đặc biệt ngành bán dẫn với 180 chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo năm 2025 với 60 chỉ tiêu. Trong khi đó, trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) duy trì ổn định 40 chỉ tiêu cho ngành Trí tuệ nhân tạo.

Không chỉ các trường đã có kinh nghiệm, nhiều trường cũng bắt đầu gia nhập cuộc đua đào tạo nhân lực bán dẫn. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn trong năm nay, dù chưa công bố phương thức và chỉ tiêu cụ thể. Tương tự, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Vật lý học - chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật với dự kiến 120 chỉ tiêu.

Chia sẻ