Điều gì khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc không còn sốt sắng làm công chức nhà nước?

MINH THU,
Chia sẻ

Thế hệ trẻ MZ ở Hàn Quốc không còn mặn mà thi tuyển làm công chức nhà nước so với các tiền bối.

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới thị trường việc làm ở Hàn Quốc, khi mà số lượng lớn công ty buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm bớt gánh nặng tài chính mới có thể tồn tại.

Theo số liệu điều tra gần đây của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc, hơn 42,1% trong nhóm 500 công ty hàng đầu tại Hàn Quốc cho biết họ chưa xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự vào nửa đầu năm nay, 7,9% cho hay họ không có kế hoạch tuyển dụng nhân viên. Hai lý do chính là do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu Covid-19, và không tìm được nhân sự tài năng.

Điều gì khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc không còn sốt sắng làm công chức nhà nước? - Ảnh 1.

Học viên trong một lò luyện thi công chức nhà nước ở khu Noryangjin tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Như lẽ thường tình, người tìm việc sẽ đổ xô tới khu vực Noryangjin ở phía tây thủ đô Seoul, nơi nổi tiếng với các lò luyện thi công chức, để ôn luyện với hy vọng đỗ vào một cơ quan chính phủ để có công việc ổn định và môi trường làm việc công bằng. Tuy nhiên, thực tế, ngày càng nhiều lao động trẻ ở Hàn Quốc không còn mặn mà với nghề công chức nhà nước. Điều này được thể hiện rõ ở tỷ lệ chọi đã liên tiếp giảm trong những năm gần đây.

Số liệu từ Bộ Quản lý nhân sự Hàn Quốc ghi nhận 165.524 người đăng ký thi tuyển công chức trong năm nay, và tỷ lệ chọi là 1/29,2. Trong khi tỷ lệ chọi năm 2021 là 1/35, năm 2020 là 1/37,2, 1/39,2 vào năm 2019 và 1/41 trong năm 2018.

Tiền lương thấp

Cơn sốt thi tuyển công chức nhà nước ở Hàn Quốc hạ nhiệt do thế hệ MZ ở nước này đang ưa thích những ngành nghề có mức độ cạnh tranh cao hơn và được trả lương cao hơn. Thế hệ MZ là thuật ngữ ở Hàn Quốc để chỉ những người ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1980 - 2005.

“Công chức nhà nước từng là một trong những niềm mong ước lớn nhất của giới trẻ Hàn Quốc, bởi họ có thể nhận được khoản lương đáng kể sau khi về hưu. Nhưng sau cải cách lương hưu vào năm 2015, mức lương hưu đã bị giảm so với trước đây”, Giáo sư Seol Dong-hoon tại Đại học Quốc gia Jeonbuk nói với Korea Times.

Theo cải cách lương hưu năm 2015 tại Hàn Quốc, độ tuổi nghỉ hưu đối với công chức tăng từ 60 lên 65 tuổi, mức chiết khấu lương tăng từ 7% lên thành 9%. Ngoài ra, tỷ lệ trả lương hưu giảm từ 1,9% xuống còn 1,7%.

Ông Seol cho hay, “Tính trung bình lương hàng năm của một công chức nhà nước thường thấp hơn so với các ngành nghề khác, kèm theo mức chi trả lương hưu bị sụt giảm khiến người lao động có xu hướng chọn các công ty tư nhân có quy mô lớn, bởi mức lương cao hơn và được nâng lương nhanh hơn dù một số nghề không có tính ổn định”.

Cụ thể, đối với một nhân viên nhà nước mới vào làm, mức lương năm 2020 là 20 triệu won (16.000 USD). Trong khi, một nhân viên tốt nghiệp Đại học và làm ở công ty tư nhân quy mô lớn sẽ nhận được 33 triệu won/năm. Vì lý do này, các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đang trở thành miền đất hứa đối với giới trẻ Hàn Quốc.

“Nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ việc tham gia các kỳ thi tuyển công chức. Chúng tôi phải chi nhiều tiền và dành nhiều thời gian để ôn luyện. Kể cả thi đỗ, chúng tôi cũng không thể kiếm được nhiều tiền. Tôi cho rằng ở độ tuổi như mình, mọi người thích tự thân phát triển hơn là một công việc ổn định", cô gái giấu tên ngoài 20 tuổi chia sẻ bản thân từng nghĩ tới chuyện thi tuyển công chức, nhưng sau đó đã vào làm việc cho một doanh nghiệp mới thành lập ở Seoul.

"Tôi muốn tham gia vào các dự án có tính thách thức tại những công ty có tư tưởng phóng khoáng, hơn là làm công việc lặp đi lặp lại của một công chức nhà nước và dần bị cùn ý chí”, cô gái nói thêm.

Điều gì khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc không còn sốt sắng làm công chức nhà nước? - Ảnh 2.

Tỷ lệ chọi trong kỳ thi tuyển công chức liên tiếp sụt giảm qua các năm ở Hàn Quốc. (Ảnh: Korea Times)

Môi trường làm việc

Thế hệ MZ ở Hàn Quốc cảm thấy nhàm chán trước môi trường làm việc cứng nhắc và bảo thủ ở các cơ quan nhà nước.

“Công chức bị bó buộc với nhiều quy định khi làm việc, trong khi ở những tổ chức tư nhân, hành động của người lao động có thể tạo ra tác động lớn”, bà Choi, một công chức có thâm niên làm việc hơn 30 năm nói.

“Người lao động cao tuổi vẫn đang chiếm số đông trong lĩnh vực công, nên họ thường xảy ra bất đồng quan điểm với nhân viên trẻ tuổi hơn, những người có lối suy nghĩ và tư duy khác biệt. Các tiền bối thường nói hậu bối thiếu trách nhiệm với công việc, nhưng hậu bối lại phàn nàn tiền bối quá cổ hủ”, bà Choi nói thêm.

Bà Choi cũng tiết lộ không ít nhân viên nhà nước đã mất nhiều năm để ôn luyện và thi tuyển vẫn chọn cách bỏ việc sau chỉ vài tháng hoặc vài năm vào làm việc. Nguyên nhân là do họ cảm thấy công việc này không phù hợp với bản thân.

“Nhân viên lớn tuổi thường cố chịu đựng thay vì bỏ việc, nhưng thế hệ MZ lại có lối suy nghĩ khác. Họ không nhẫn nại mà thay vào đó đi tìm một công việc mới”, bà Choi chia sẻ.

Điều này được thể hiện qua số liệu thống kê có tới 5.961 công chức trong độ tuổi từ 18 – 35 tại Hàn Quốc nghỉ việc trong năm 2020, tăng từ con số 4.375 vào năm 2017. Nghiên cứu của tổ chức Next Research cũng cho thấy, hơn 40% trong số 380 công chức tham gia trả lời câu hỏi cho biết họ đang phải làm việc với cấp trên “không cởi mở”, những người không bao giờ lắng nghe ý kiến của cấp dưới.

Điều gì khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc không còn sốt sắng làm công chức nhà nước? - Ảnh 3.

Các thí sinh tham gia một kỳ thi tuyển công chức tại Hàn Quốc. (Ảnh: Korea Times)

Mất cân giữa bằng cuộc sống và công việc

Cũng theo dữ liệu của Next Research, chỉ 40% người tham gia trả lời câu hỏi cho hay họ hiện có cuộc sống và công việc cân bằng, trong khi hơn 36% đang tính tới chuyển việc vì bị quá tải.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều công chức bị quá tải công việc, trong lúc những đồng nghiệp khác thực hiện tự cách ly, hoặc được điều đi hỗ trợ các nhân viên y tế”, bà Choi cho biết.

Cũng theo bà Choi, phần lớn mọi người không hiểu được mức độ khó khăn đối với các công chức nhà nước.

“Nhiều người ở Hàn Quốc cho rằng số lượng công chức cần được cắt giảm một nửa, bởi họ chẳng làm gì mà vẫn được nhận lương. Bản thân tôi không khuyến khích mọi người làm công chức giống mình. Thứ nhất là do mức lương thấp và thứ hai là vì không ai ghi nhận công sức mà chúng tôi đã bỏ ra”, bà Choi tâm sự.

Chia sẻ