"Điều ba mẹ không kể": Có gì phía sau bộ phim khiến khán giả khóc trôi cả rạp đang gây xôn xao khắp mạng xã hội?

L.H,
Chia sẻ

"Điều ba mẹ không kể" có nội dung không hề mới nhưng vẫn chạm đến trái tim khán giả.

*Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc.

Những ngày này, khắp mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện về một bộ phim mà khán giả nào có lẽ cũng nên thủ sẵn cho mình một hộp khăn giấy khi ra rạp. Bộ phim có tên Điều ba mẹ không kể của điện ảnh Hàn Quốc. Tiếp tục là một tác phẩm lấy đề tài về các bậc sinh thành, kể câu chuyện gia đình nhiều thế hệ với những khúc mắc, mâu thuẫn và gửi đi những thông điệp cảm động, dường như Điều ba mẹ không kể sở hữu một mô típ không hề mới. Thậm chí khán giả xem phim có thể đoán trước được nhiều tình huống, câu chuyện xảy ra trong phim. Nhưng điều gì khiến cho một tác phẩm không hề mới mẻ như vậy vẫn có khả năng gây sốt và chạm tới trái tim khán giả?

ava0-Artboard 1 copy 3

Câu chuyện xứ Hàn mà người dân xứ Việt ai cũng thấy một phần mình trong đó

Điều ba mẹ không kể (tựa tiếng Anh: Romang) là câu chuyện gia đình rất đỗi đời thường của cặp vợ chồng già đã trải qua 45 năm chung sống. Cho Nam Bong (Lee Soon Jae) – một ông già cố chấp, gia trưởng "điển hình", gắn bó với nghiệp lái taxi từ khi còn trẻ. Vợ của ông, Mae Ja (Jung Young Sook) là một phụ nữ luôn hết lòng vì chồng con. Họ sống cùng với gia đình người con trai độc nhất và cô cháu gái xinh xắn.

Mặc dù là một bộ phim của điện ảnh xứ kim chi nhưng có lẽ ngay từ những phút phim đầu tiên, khi ông nội cau có Nam Bong về nhà và khó chịu vì thấy vợ chưa dọn cơm lại khiến khán giả Việt cảm thấy... "thân thương" hơn bao giờ hết. Đó là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà người ta vẫn thường bắt gặp đâu đó trong các gia đình Việt. Người đàn ông là trụ cột của gia đình, ra ngoài kiếm tiền, làm "việc lớn", người phụ nữ ở nhà tề gia nội trợ và có "nghĩa vụ" phải phục dịch chồng con.

photo-1-15642093185221281947122

Khi trẻ như thế, khi già vẫn vậy. Ngay cả khi đã ở tuổi gần đất xa trời thì mối quan hệ trong gia đình ông Nam Bong - bà Mae Ja vẫn không có gì thay đổi. Vợ vẫn phải là người nâng khăn sửa túi cho chồng, lo lắng quán xuyến mọi việc trong gia đình.

Ông Nam Bong thấy không có vấn đề gì trong việc đó, và bà Mae Ja vẫn chịu đựng những cơn nóng giận vô cớ của chồng, thái độ cục cằn của ông như một lẽ tự nhiên thường tình.

Chẳng những vậy, ở tuổi ngoài 70, bà Mae Ja vẫn ngày ngày lo lắng cho bữa ăn, giấc ngủ của con và cháu. Con trai độc nhất của bà, Jin Soo học hành thành tài và có bằng tiến sĩ nhưng vẫn... thất nghiệp suốt bao năm. Trái ngược với bố, Jin Soo là mẫu đàn ông an phận, không cầu tiến, sẵn sàng chấp nhận việc ngày ngày nằm dài ở nhà chơi game để mặc vợ ra ngoài kiếm tiền nuôi con, đến căn nhà riêng cũng chẳng có mà phải sống "ăn bám" bố mẹ ngày này qua tháng khác.

roman_3th-2

Cuộc sống của gia đình ông Nam Bong, bà Mae Ja và con, cháu mình có lẽ cứ bình lặng trôi qua như thế nếu không có biến cố xảy đến làm xáo trộn tất cả. Đó là cái ngày bà Mae Ja bỗng nhiên lãng quên mọi thứ. Cuộc sống của bà không còn ở hiện tại nữa mà trôi ngược về những năm tháng quá khứ, khi cô con gái cả của bà qua đời một phần cũng vì sự vô tâm, quá mải mê kiếm tiền của chồng.

Điều thú vị là khi người ta ngỡ rằng, bệnh tình của bà Mae Ja sẽ khiến ông Nam Bong quan tâm đến người vợ tào khang của mình hơn đôi chút, thì không... Điều đầu tiên ông Nam Bong nghĩ đến sau khi chứng kiến bà Mae Ja mất trí đến "phát điên", đấy là kiếm một cái... trại dưỡng lão để tống vợ đi cho khuất mắt!

Nhưng khi không có bà Mae Ja ở bên, không còn những cơn la hét cuồng loạn, những hành động mất kiểm soát..., ông Nam Bong có vui hơn không? Câu trả lời là không! Ông chỉ thấy thiếu, và buồn. Mọi chuyện càng tệ hơn khi bản thân ông cũng phát hiện ra mình gặp phải chứng mất trí nhớ tuổi già giống vợ.

roman_3th-104

Vậy là ông quyết đưa bà về lại căn nhà của hai vợ chồng họ. Ông quyết bù đắp cho những năm tháng sống thiếu thốn, chắt chiu, ăn chẳng dám ăn mặc chẳng dám mặc, đi du lịch là một ước mơ xa xỉ của hai vợ chồng. Nhưng việc chăm sóc cho một bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ là điều không dễ. Con dâu của ông Nam Bong không làm được việc đó. Cô ôm con bỏ về nhà ngoại. Rồi con trai của ông cũng bỏ đi theo vợ, để lại hai người già cô đơn trong căn nhà trống trải, ngày ngày vật lộn cùng nhau đối phó với căn bệnh quái ác.

Có một điều thú vị là nếu như suốt những năm tháng dài trước đây, cuộc sống của vợ chồng ông Nam Bong đơn giản chỉ là phục tùng - được phục tùng, thì hiện tại, cuộc sống của họ đúng nghĩa là một cặp vợ chồng hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười, sự sẻ chia. Chỉ trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại, có lẽ họ đã đối thoại với nhau nhiều hơn tất cả những điều họ từng đối thoại suốt bao năm tháng tuổi trẻ dài đằng đẵng mải lo cơm áo gạo tiền.

Họ nói với nhau những điều họ chưa từng nói, làm với nhau những điều họ chưa từng làm. Họ giống như những thân cây khô cằn cố gắng bám trụ lấy cuộc sống này đến khi còn có thể...

Nhưng bệnh tật, vẫn cứ là bệnh tật. Họ dù có cố gắng đến đâu cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi những triệu chứng ngày càng tệ hại hơn. Đấy cũng là khi hai vợ chồng già nghĩ đến nước đi cuối cùng trên ván cờ cuộc đời họ, một nước cờ đớn đau khiến bất cứ ai xem phim cũng phải bật khóc vì chua xót!

Hãy yêu thương khi còn có thể!

Ở đâu đó chúng ta vẫn nghe người ta nhắc nhở nhau, cuộc đời này ngắn lắm, hãy nói yêu thương khi còn có thể. Và rất nhiều khi chúng ta vẫn thường tặc lưỡi bỏ qua vì cho rằng suy cho cùng mọi chuyện chỉ là lý thuyết, hoặc vẫn nghĩ mình sẽ nói, có điều không phải hôm nay!

Chỉ có điều, chúng ta không lường trước được rằng, cái gọi là "ngày mai" của chúng ta, có thể sẽ chẳng bao giờ đến với một người khác. Điều mà chúng ta định nói, định làm vào ngày mai chứ không phải hôm nay, có thể sẽ chẳng bao giờ làm được vì những xoay vần, biến cố không thể đoán định của số phận.

ava0-Artboard 1 copy 2 (1)

Xem Điều ba mẹ không kể, cũng là lúc chúng ta cảm nhận rõ ràng nhất điều ấy. Ông Nam Bong chưa bao giờ cảm ơn vợ vì những điều bà làm cho mình. Ông coi đó là tất yếu. Ông lại càng không bao giờ nói yêu thương hay bày tỏ tình cảm với vợ. Ông nghĩ rằng bà đương nhiên biết. Ông cáu bẳn, cục cằn, đối xử hà khắc với người đầu gối tay ấp. Ông cho là mình có quyền. Và đặc biệt, ông không bao giờ nói lời xin lỗi trong suốt cuộc đời mình, vì ông không thể chấp nhận nổi sự thật bản thân đã sai và phải hạ mình làm cái việc "đáng xấu hổ" là xin lỗi.

Ông Nam Bong cứ sống như vậy, dù trong lòng ông có thể đâu đó vẫn có những suy nghĩ rằng mình sẽ nói, mình sẽ làm... nhưng để sau!

Có bao nhiêu người giống như ông Nam Bong trong cuộc sống này? Có bao nhiêu người ngày ngày tìm cách trì hoãn yêu thương để rồi hối hận vì mình đã không thể yêu thương khi còn có thể? Có bao nhiêu người luôn mang "ngày mai" ra làm cái cớ để rồi đau đớn khi phát hiện ra "ngày mai" sẽ không bao giờ đến với những người thân yêu của họ.

ava0-Artboard 1

Tại sao cứ phải để tới những khi bệnh tật, đối diện với tử thần mới biết trân quý giá trị của việc được sống? Tại sao phải đợi tới khi người thân sắp ra đi mới cuống cuồng, vội vã sống gấp, yêu gấp để bù đắp cho những tháng ngày bận rộn trước kia?

Thời gian hãy còn nhiều, đó luôn là một lời nói dối!

Điều ba mẹ không kể!

Có một thứ cũng khó nói và khó thể hiện như tình yêu, ấy chính là sự hy sinh. Ai đó vẫn hay nói rằng, trong một mối quan hệ, ai yêu nhiều hơn, kẻ đó chịu thiệt hơn. Thực ra điều này đúng, không chỉ trong chuyện tình yêu lứa đôi, mà còn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái. Mà tình yêu của cha mẹ dành cho con, thì có bao giờ đong đếm nổi? Họ là những người sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chịu cái "thiệt" ấy về mình chứ nhất quyết chẳng bao giờ chịu nói ra. Có lẽ bởi cha mẹ luôn nghĩ một cách đơn giản, là đã làm cha, làm mẹ thì yêu thương, chăm sóc, lo lắng và tìm cách đem tới cho con một cuộc sống tốt đẹp nhất là điều đương nhiên!

Bởi vậy, có những điều ba mẹ không bao giờ kể, để rồi khi biết tất cả, những đứa con mới cảm thấy đau đớn, hối hận hơn bao giờ hết.

ava0-Artboard 1 copy

Điều mà ông Nam Bong, bà Mae Ja không bao giờ kể đấy chính là phía sau thái độ cục cằn của người bố, sự lẩm cẩm của người mẹ, là tình yêu vô hạn họ dành cho con cái. Họ không kể về căn bệnh của mình, vì họ không muốn trở thành gánh nặng cho các con. Họ buồn vì con dâu mang cháu bỏ về nhà ngoại, nhưng họ lại nói rằng đó là điều cô nên làm, vì "nếu là bố thì bố đã làm thế từ lâu rồi!".

Cha mẹ nào mà không muốn con cái ở bên cạnh mình? Nhưng ông Nam Bong - bà Mae Ja lại đuổi con đi theo vợ, vì họ biết rằng con mình cũng cần có gia đình của nó. Hơn cả hạnh phúc của bản thân, họ suy nghĩ cho hạnh phúc của các con.

Người ta nghĩ rằng một người bố cục cằn, một ông chồng hạch sách vợ như ông Nam Bong thì biết thế nào là yêu thương? Nhưng mấy ai biết rằng đằng sau thái độ thô lỗ, khó gần ấy là những năm tháng dài chắt chiu làm lụng, bươn chải để cho vợ con một tương lai tốt đẹp hơn.

roman_4th-40

Sự hy sinh thầm lặng, "điều không bao giờ kể" của những người làm cha, làm mẹ như ông Nam Bong, bà Mae Ja thể hiện rõ nhất trong khúc vĩ thanh của bộ phim, đấy là khi tác phẩm ngược dòng trở lại những năm tháng tuổi trẻ của đôi vợ chồng già, khi họ vẫn là những chàng trai, cô gái thanh xuân phơi phới hoài bão.

Nam Bong, Mae Ja khi ấy ngồi bên nhau hướng về phía biển và nói chuyện về "ước mơ". Khi nói về ước mơ của tuổi trẻ, chúng ta thường nghĩ đến điều gì? Đi thật nhiều nơi, kiếm thật nhiều tiền và hưởng thụ cuộc sống? Có nhà giàu, xe sang, công việc thăng tiến, người người ngưỡng mộ?

Nhưng với chàng trai trẻ Nam Bong, đấy đơn giản chỉ là làm việc thật chăm chỉ để cho vợ con mình một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc!

Với cô gái trẻ Mae Ja, đó đơn giản là sinh con và chăm sóc cho chúng thật tốt!

Đến giây phút ấy, người xem vỡ òa nhận ra, ông Nam Bong, bà Mae Ja thật sự đã sống trọn vẹn đời mình để theo đuổi ước mơ ấy, thậm chí hy sinh hạnh phúc đời mình, chấp nhận bị hiểu lầm để đạt được ước mơ ấy.

roman_4th-120

Có bao người trong chúng ta từng trách cha mẹ mình sống quá tằn tiện, "bo bo giữ của", đến mức ăn không dám ăn mặc không dám mặc, càng chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện du lịch hưởng thụ? Người ta nghĩ rằng những con người như thế sống chỉ biết đến tiền, trong khi tiền để làm gì? Chết liệu có thể mang theo?, mà không biết rằng tiền là để lo cho con, là để cho những cuốn sổ tiết kiệm được viết trong di chúc, là để cho một "tương lai" xa lắc lơ nào đó khi mà cha mẹ không còn nữa, con cái vẫn có thứ để trông vào?

Có những con người, vốn sinh ra chỉ với mục đích, ước mơ giản dị là sống vì cuộc đời người khác! Họ được gọi là cha mẹ!

Đấy có lẽ cũng là lý do mà tựa gốc của Điều cha mẹ không kể trong tiếng Hàn được viết là 로망 - được hiểu với nghĩa là những ước mơ, mộng tưởng và khao khát của con người. Ước mơ của cha mẹ, suy cho cùng, chính là con cái!

Chia sẻ