Đâu là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều mẹ bầu bị sẩy thai liên tiếp?
Sẩy thai là cú sốc tinh thần thực sự rất lớn đối với người đang háo hức muốn làm mẹ. Và không còn gì đau buồn hơn khi chị em phải rơi vào tình trạng sẩy thai liên tiếp.
Sẩy thai liên tiếp ngày càng nhiều
Lấy chồng được 2 tháng, tin vui đã đến với chị Hoa (Kim Liên, Đống Đa) như một điều kỳ diệu nhất từ trước đến giờ. Mang thai ở tuổi 27 – cái tuổi đã sẵn sàng làm mẹ với nhiều chị em, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chị Hoa rất cẩn thận, không còn chểnh mảng với sức khỏe. Chị chú ý chăm sóc sức khỏe từ bữa ăn sáng đến việc kiêng dùng mỹ phẩm để không ảnh hưởng đến sức khỏe con cái, mua thuốc bổ về uống bổ sung sắt, vitamin... Đặc biệt gia đình hai bên luôn tìm những món ăn ngon, bổ cho bà bầu.
Nhưng thật không may, em bé trong bụng chỉ ở với mẹ được 2 tháng. Khi đi khám thai lần 2, các bác sĩ nói rằng em bé trong bụng chị không lớn được và phải bỏ. Chị nghe mà như thấy sét đánh bên tai mình.
Vật vã đau đớn 2 tuần, chị gầy rộc đi trông thấy. Nhưng rồi tự nhắc nhở bản thân phải sống tích cực hơn thì em bé mới đến ở cùng mình. Đến 3 tháng sau, chị lại mang bầu. Nhưng lần này, thai nhi cũng không ở bên cạnh chị lâu. Mang thai được 3 tháng thì sau cú vấp ngã nhẹ khi đi lại, em bé cũng không ở lại với chị. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trường hợp như chị Hoa được coi là sẩy thai liên tiếp. Và có không ít chị em đau khổ vì không máy mắn gặp phải hoàn cảnh như vậy.
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều phụ nữ sẩy thai liên tiếp là do Hội chứng Anti phospholipid. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ năm 2013 đến năm 2015 cho thấy, có đến trên 800 thai phụ rơi vào chứng sẩy thai liên tiếp, chiếm tỷ lệ 1% phụ nữ mang thai. Tỷ lệ này tăng lên ở những thai phụ từng bị sẩy thai, thai lưu trước đó.
Các chuyên gia y tế đầu ngành tại Hội thảo khoa học một số vấn đề về miễn dịch - dị ứng năm 2016 (Bệnh viện Medlatec tổ chức) cho hay, nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều phụ nữ sẩy thai liên tiếp là do Hội chứng Anti phospholipid.
Phụ nữ mắc hội chứng Anti phospholipid khi xét nghiệm sẽ dương tính với anticardiolipin. Đây là yếu tố kháng đông lupus hoặc kháng thể anti-beta-microglobulin. Bệnh nhân thường có tiền sử tắc mạch hoặc các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật ở cấp độ nặng, thai chết trong tử cung hoặc sẩy thai liên tiếp…
Những phụ nữ sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân nên đi xét nghiệm phospholipid. (Ảnh: T.Long)
Sẩy thai liên tiếp: Mẹ phải làm thế nào để giữ được con?
PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân (Nguyên phó khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kháng phospholipid (đông máu) thuộc nhóm bệnh tự miễn. Phụ nữ có kháng phospholipid dễ bị biến chứng thai kỳ. Trong đó biểu hiện lâm sàng liên quan tới thai sản như: Sẩy thai trước 10 tuần, thai chết lưu sau 10 tuần, tiền sản giật, sản giật, suy nhau thai, huyết khối nhau thai, tổn thương mạch tử cung, thai nhi tăng cân chậm…
BS Vân chỉ ra mối liên quan giữa sự hiện diện kháng thể phospholipid và sẩy thai. Các kháng thể phospholipid hoạt hóa tiểu cầu, tế bào biểu mô, bạch cầu làm trung gian cho quá trình đông máu dẫn tới hình thành huyết khối động/tĩnh mạch. Đông máu là một hiện tượng bình thường của cơ thể giúp cho vết thương nhỏ, mạch máu vỡ nhanh lành. Tuy nhiên, người bị mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid, máu đông quá mức sẽ làm tắc dòng chảy của máu và gây tổn hại đến các bộ phận cơ thể, gây ra những biến chứng cho thai phụ.
PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân (Ảnh: T.Long)
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế hàng đầu, những phụ nữ sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân nên đi xét nghiệm phospholipid. Bác sĩ sẽ cho xét nghiệm các chỉ số: Anti phospholipid IgM, Anti phospholipid IgG, Anti cardiolipin IgM, Anti cardiolipin IgG. Các chỉ số nếu dương tính thì thai phụ đã bị kháng phospholipid. Trong trường hợp thai phụ có kháng phospholipid cũng không cần phải quá sợ hãi. Để giữ được em bé, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc Aspirin và heparin trọng lượng phân tử thấp, tiêm thuốc chống đông máu Lovenox.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân cũng cung cấp thêm những khuyến cáo về quản lý thai nghén cho những thai phụ có kháng phospholipid như sau:
- Đánh giá trước khi mang thai: Làm các xét nghiệm gan, thận, tế bào máu, nước tiểu… Tất cả các bệnh nhân nên được đi xét nghiệm và đánh giá tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu có thể xuất hiện liên quan tới phospholipid.
- Phát hiện các biến chứng thai sản: Sau 20 tuần kiểm tra chặt chẽ tình trạng tăng huyết áp và protein niệu, siêu âm 4-6 tuần/lần. Trong quý thứ 3, bệnh nhân sẽ được đánh giá động mạch tử cung bằng siêu âm, các biến chứng muộn thực hiện 2-4 tuần/lần.
- Doppler động mạch tử cung: Nên thực hiện vào tuần 20-24.
- Chống chỉ định thai nghén: Tăng áp động mạch phổi, tăng huyết áp không kiểm soát và tình trạng tắc mạch gần đây trong vòng 6 tháng.