Dấu hiệu bệnh từ nháy mắt nhiều

,
Chia sẻ

Nhiều người bị nháy mắt cho rằng đó chỉ là tật và sẽ tự hết mà không biết rằng, nháy mắt có thể là dấu hiệu loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt hay zona...

Gần đây, chị Hiền (ở Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) bị nháy mắt liên tục. Cho là mình làm việc với máy tính nhiều, chị chỉ sử dụng các thuốc nhỏ mắt như V – rohto. Tuy nhiên, sau một thời gian, chứng nháy mắt không giảm mà còn xuất hiện thường xuyên, thời gian kéo dài hơn, mỗi lần 1 - 2 phút. Đi khám bác sĩ, Hiền mới biết các cơn nháy mắt của chị chính là dấu hiệu của bệnh viêm màng bồ đào.

Một vài bệnh về mắt có dấu hiệu ban đầu là các cơn tic mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, tật nháy mắt (hay còn gọi là tic mắt) không hiếm gặp trong nhãn khoa. Đó là những cử động không có chủ ý, thường xảy ra ở cả hai bên mắt, do co thắt cơ dưới da mi, cơ vòng mi phần trước sụn và cung mày. Thoạt đầu, đó là những co cơ nhẹ nhàng nhưng sau đó trở nên khá mạnh. Ngoài chuyện mắt nháy thì cơ vùng mặt cũng có thể co giật theo. Các cơn co có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút.

Cũng theo bác sĩ Cương, do các cơn tic mắt đầu tiên thường biểu hiện rất thầm lặng, kín đáo nên phần lớn người bệnh không chú ý và coi thường. Ban đầu người bệnh chỉ hay chớp mắt hơn bình thường hoặc khó khăn để giữ mắt mở to trong một thời gian. Bên cạnh đó, các cơn tic mắt cũng đôi lúc giảm đi hay biến mất khi người bệnh nói hay nhìn xuống nên họ càng chủ quan, không chú ý tới dấu hiệu này.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng nháy mắt chỉ là tật và sẽ tự hết chứ không ngờ đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm. Người có triệu chứng này cần đi khám bởi các bệnh như loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt… cũng có dấu hiệu ban đầu là các cơn tic mắt. Bác sĩ Cương cũng lưu ý, chứng tic mắt sẽ có thể gây quặm nhất thời do co quắp mi. Nếu bác sĩ không có những hiểu biết nhất định về tic mắt thì chuyện chẩn đoán nhầm hay mổ nhầm sẽ có thể xảy ra.

Một vài bệnh nhân khi thấy bị quặm lại không đi khám mà tự mình điều trị theo cách chữa lông quặm. Anh Huy (ở Bạch Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Thấy có dấu hiệu bị quặm, anh không đến bệnh viện mà tự đi mổ quặm tại một phòng khám tư nhân. Sau đó, chứng quặm vẫn tái phát khiến anh hết sức khó chịu. Theo bác sĩ  Cương, việc mổ nhầm này tuy không gây nguy hại lớn nhưng khiến người bệnh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi chữa trị không dứt điểm.

Ngoài các nguyên nhân ở mắt, chứng tic mắt còn có nguyên nhân tại hệ thần kinh trung ương. Trong các trường hợp này, thường người bệnh sẽ có các dấu hiệu co rút cơ vùng mặt, cơ dưới mi.

Theo Lan Hương
Báo Đất Việt
Chia sẻ