Dầu gió có thể gây tử vong nếu cứ 'bạ đâu dùng đấy'
Dầu gió vốn là loại thuốc thông dụng của các gia đình người Việt, được xem là lành tính nhưng nếu dùng không đúng cách lại có thể gây ra nhiều tác hại.
Với nhiều gia đình Việt, dầu gió được xem là loại thuốc không thể thiếu và được dùng thường xuyên, cho mọi lứa tuổi trong nhà. Đặc biệt là các bệnh liên quan đến đau nhức, cảm cúm, chân tay lạnh.
Thành phần chủ yếu của dầu gió là tinh dầu bạc hà kết hợp với một số tinh dầu từ các nguồn nguyên liệu khác như thiên niên kiện, hương nhu, quế, paraphin hoặc khuynh diệp, đinh hương… Nhờ các tinh dầu này mà dầu gió có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và làm cho tinh thần sảng khoái… Dầu gió có thể được dùng bôi ngoài da để trị cảm cúm, nhức đầu, lạnh chân tay do mưa ẩm, bị côn trùng cắn…
Dầu gió được xem là có khá nhiều tác dụng. Ảnh minh họa
Thế nhưng, việc dùng dầu gió không đúng cách lại gây những nguy hại cho sức khỏe. Dầu gió có thể giúp thông mũi, chống nghẹt mũi, nhưng nếu dùng nhiều thì có thể làm tổn thương màng nhày gây khô rát khoang mũi. Vì vậy tuyệt đối không nên lạm dụng.
Dầu gió được chiết xuất từ các loại tinh dầu thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên nhưng về bản chất, trong dầu gió có chứa hai hoạt chất hóa học là eukalyptol và camphor, trong đó, camphor là một chất độc đối với trẻ em nếu sử dụng không đúng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.
Không dùng dầu gió cho trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa
Dầu gió được xem là chống chỉ định với trẻ em dưới 24 tháng tuổi và phụ nữ mang thai. Trong dầu gió, tinh dầu bạc hà chứa methol và methyl salicylat. Menthol có đặc tính là ức chế hô hấp, hệ tuần hoàn nên dễ ức chế với trẻ nhỏ, nặng có thể tử vong. Còn với bà bầu thì thành phần tinh dầu đặc biệt long não và menthol có thể qua đường hô hấp vào cơ thể dễ gây sẩy thai hoặc thai chết lưu. Những người đang cho con bú cũng cần cẩn thận khi dùng để tránh dây vào bầu ngực khiến trẻ bú vào.
Menthol bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh khi xoa vào da. Nhưng khi dùng nhiều dầu gió có tác dụng phụ làm tăng bài tiết mồ hôi nên dễ gây hạ nhiệt. Vì vậy mà những người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao, vừa ốm dậy, người suy nhược, táo bón, tăng huyết áp phải đặc biệt chú ý không nên dùng.
Methyl salicylat giúp vùng da được xoa dầu trở nên nóng nhanh, giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, giảm nhanh cơn đau và cứng cơ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da, nên sản phẩm có chứa chất này thường chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài, xoa bóp, băng dán giảm đau, không dùng để uống và bôi lên vết thương hở.
Trước khi thoa dầu cần rửa sạch, lau khô vùng da bị đau, bôi hoặc xoa bóp một lượng vừa đủ. Không bôi quá nhiều dầu và trên diện rộng. Dầu gió tác dụng tốt nhất khi dùng bôi thoa ngoài da để chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và làm cho tinh thần sảng khoái. Chỉ xông hơi bằng dầu gió khi cơ thể nhiễm lạnh.
Không dùng dầu gió nhiều hơn 3-4 lần/ngày. Không dùng thường xuyên mà phải ngừng ngay khi cơn đau đã chấm dứt. Đặc biệt, không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở. Đối với trẻ trên 2 tuổi, khi dùng nhất thiết phải có sự theo dõi của người lớn. Chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.