Cuộc sống trong hẻm "bát quái" giữa Sài Gòn

Theo Pháp Luật Việt Nam,
Chia sẻ

Hàng ngàn người chen chúc trong những ngôi nhà tí hon của một con hẻm giữa Sài Gòn. Để sống trong những "ngôi nhà của bảy chú lùn", chủ nhân phải nghĩ ra nhiều chiêu để thích nghi.

Có đường vào không có lối ra

Nếu như đoạn đầu đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) sạch sẽ và thoáng mát với những ngôi nhà phố kiểu mẫu rộng rãi, tiện nghi bao nhiêu thì chỉ cần qua cầu Chu Văn An 100m, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác.

Con đường rộng từ 30m "móp" lại chỉ còn 10m, đoạn nhỏ nhất còn hơn 5m. Đặc biệt khi vào hẻm 334 (phường 12, quận Bình Thạnh), nhiều người có cảm giác như sa vào một "trận đồ bát quái" không có lối ra.

Cuộc sống trong hẻm
Hẻm nhỏ ngoằn nghèo với đầy xe máy.

Đầu hẻm là một chợ cóc với thịt, cá, trái cây, bún, cơm, hủ tiếu... tràn hết cả ra đường. Len lỏi qua khu chợ bẩn thỉu, đông đúc, con đường đột ngột nhỏ lại còn chừng chỉ 1m. Sau khi hỏi thăm, một người bán bán rau hướng dẫn "Gửi xe đi bộ vào".

Trục chính là đường 334 chỉ dài hơn 200m nhưng đoạn phình ra đoạn lõm vào. Cả đường là một con dốc dài đầy những ổ gà. Nơi rộng nhất chỉ chừng 2m, đoạn hẹp nhất chỉ đủ một xe máy, mà người ra người vào nườm nượp, hàng quán đủ loại rất sầm uất.

Bắt đầu chuyển từ trục chính vào hẻm nhánh thấy sự khác biệt rõ ràng. Chiều rộng của hẻm nhánh chỉ chừng 80cm. Nhưng "ác" ở chỗ, cứ khoảng 10 - 20m lại đột ngột có đoạn cua vuông góc. Càng đi sâu vào thì càng zích zắc. Các hẻm nhánh cũng trổ ra liên tiếp, có đoạn đường thắt lại chỉ còn khoảng 50cm. Những ngôi nhà như những hộp diêm "tí hon" đua nhau "cấy" thêm "chuồng cọp", phía dưới đường đi nhiều chỗ không còn thấy ánh mặt trời.

Chúng tôi đi lòng vòng như lạc vào mê cung, với những con đường bất ngờ xuyên từ hẻm này sang hẻm khác, thỉnh thoảng lại có đoạn phình to là những giếng trời tự nhiên hiếm hoi, nơi đó là ngã ba ngã tư ngã năm đổ đi nhiều hẻm nhỏ khác. Lúc này mới nhận thấy gửi xe đi bộ là một giải pháp hợp lý. Bởi nếu không phải người "bản địa" thì quả thật cũng khó lòng chạy xe máy ở đây.

Cuộc sống trong hẻm
Hẻm bé tới độ hai xe máy tránh nhau cũng khó.

Đường đã nhỏ lại rất nhiều đoạn cua tay áo bất ngờ nên nếu không phải người thông thuộc địa hình thì rất dễ tông vô tường. Nhiều nơi chỗ nhìn tưởng hẻm cụt thì là hẻm thông, nhiều chỗ tưởng thông thì lại cụt. Lỡ đi hẻm thì không thể quay đầu xe, chỉ còn cách dắt lùi ra. Đó còn chưa nói nếu gặp xe một chiều một trong hai xe phải xuống xe lùi dắt lùi vào hẻm nhánh chờ xe kia đi qua.

Những hẻm nhánh trổ ra khắp nơi, khoảng trời bé chỉ bằng bàn tay. Quần áo giăng đầy, xe máy để khắp nơi, chật chội, bẩn thỉu. Hàng ngàn những ngôi nhà mini với tận dụng mọi cách để cơi nới nhằm tăng thêm chút diện tích. Nhìn lên một số biển nhà giật mình bởi nó ghi 334/64/81/391 (tức là chưa nói đến hẻm "con" là hẻm 64, chỉ riêng hẻm "cháu" 81 đã có tới gần 400 ngôi nhà).

Gần ba giờ đồng hồ đi bộ chưa ra khỏi phạm vi của hẻm 334, lúc này chúng tôi đã hoàn toàn bị mất phương hướng, không thể xác định được đường ra. Hỏi thăm đường ra trục chính, mặc dù được chỉ dẫn khá nhiệt tình nhưng mất gần 20 phút vẫn không thấy "quen quen".

Hỏi đến người thứ tư vẫn không tìm được đường, chúng tôi đành xin đi nhờ một chị chạy xe máy để "ra phố". Sau gần 20 phút luồn lách với khoảng hơn 10 lần quẹo trái, quẹo phải, mấy lần phải xuống xe dắt lùi để nhường xe ngược chiều cuối cùng chúng tôi mới ra đến đường Chu Văn An.

Chị cho đi nhờ xe tốt bụng an ủi: "Nếu người lạ vào đây chỉ cần đi đến xẹt thứ 3 thì 10 người có đến 9 người bị lạc. Đã mất phương hướng rồi thì có hỏi đường cũng khó ra nổi vì đường ở đây vừa nhỏ lại lắm ngã rẽ càng chỉ càng rối. Mấy người lạ đến đây hay đùa hẻm này là hẻm bát quái có đường vào mà không có đường ra".

Cuộc sống kì lạ trong những ngôi nhà tí hon

Đường đã "quái", nhà ở đây cũng thật kỳ lạ. Tuy chỉ là một hẻm nhưng ở đây có cả ngàn ngôi nhà đều với kích cỡ rất mini. Khoảng 70-80% số đó là dưới 35m2. Trong đó số, dưới 10m2 cũng có cả trăm hộ với đủ mọi hình dáng khác nhau.

Cuộc sống trong hẻm
Bà Đinh Thị Kim ngồi cũng hết nửa diện tích nhà.

Bà Đinh Thị Kim sở hữu căn nhà có diện tích 13m2 nhưng có bề ngang không đủ một người nằm. Căn nhà có diện tích 1,3mx9m và chiều cao chỉ hơn 2m có vật dụng lớn nhất là chiếc giường ngủ rộng 80cm. Chiếc giường choán hết 3/4 nơi vừa là phòng khách vừa là phòng ngủ. Diện tích còn lại chỉ đủ một người ngồi và một lối đi xuống bếp, nhà vệ sinh.

Không được như bà Kim, gia đình chú Phạm Bá Thoại còn không đủ chỗ để kê lấy một cái giường. Tận dụng đoạn thò ra gần hai 2m2 là bếp và nhà vệ sinh. Toàn bộ không gian sinh hoạt gia đình ba người chỉ gói gọn trong "hộp diêm" 2,5mx3m.

Chú Thoại chia sẻ "Hồi trước ở ngoài Bắc, nhà cửa, sân vườn cả sào vào đây nhìn cái nhà bằng cái lỗ mũi vợ chồng nghĩ thế này làm sao mà sống. Mấy chục năm giờ cũng quen, quan trọng là liệu cơm mà gắp mắm".

Hỏi được hỏi "gắp mắm làm sao", chú cười "Nhà nhỏ nên vật dụng phải tối giản: không giường, không ghế, không tủ. Ngoài ra những thứ cần thiết thì treo hết: tivi treo, quạt treo... ban ngày xe cộ để hết ngoài đường. Khách đến uống nước trên sàn, ăn cơm trên sàn, con học trên sàn. Tối ngủ ngoài 2 cái xe máy thì mỗi người cũng còn được một hàng gạch (40cm) cứ nằm thẳng ra mà ngủ thôi".

Ông chủ này đùa: "Sống ở khu này nhà nào nhà nấy phải hạn chế hết giường, tủ, xe tay ga sắm về chỗ đâu mà ở. Mà con cũng phải hạn chế, đẻ nhiều chỗ đâu mà ở". Tuy "sắp xếp qui củ" nhưng chú Thoại còn một điều băn khoăn, hiện con trai duy nhất của ông gần 30 tuổi đã đến tuổi lập gia đình rồi, nhưng lấy vợ rồi về biết ở đâu. Ông đang dự định "làm thêm cái gác xép để con trai lấy vợ".

Cuộc sống trong hẻm
Ngôi nhà có tổng diện tích vỏn vẹn 4m2.

Nhà có hình thù đặc biệt nhất là nhà cô Nguyễn Thị Liễu (38 tuổi). Ngôi nhà có hình tam giác với hai cạnh vuông góc là 3x3. Căn nhà rộng chưa tới 5m2, có một gác xép lửng này là nơi ở của hai người. Đoạn góc nhọn là nhà tắm kiêm nhà vệ sinh. Phòng khách, kiêm phòng ngủ kiêm nhà bếp rộng khoảng 3m2. Tất cả chỉ có bếp ga còn lại trống trơn không hề có vật dụng gì. Cô Liễu chia sẻ: "Nhà nhỏ quá lại chừa lối lên gác lửng lên chẳng dám sắm gì. Ngoài bếp ga cả nhà chỉ còn mỗi cái nệm".

Khi được hỏi ở khó khăn thiếu thốn thế sao không chuyển đi chỗ khác cô Liễu tâm sự: "Ở đây chật chội như vậy chúng tôi toàn là những người làm xe ôm, buôn bán lặt vặt, hàng rong, làm thuê chỉ cần chỗ chui ra chui vào để ngả lưng mỗi tối. Chuyển đi chỗ rộng rãi thì lại phải đi xa".

Chú Hồ Tân Liễu, người đã ở hẻm được gần 20 năm kể: "Trước kia đây là một nghĩa địa lớn. Người dân tứ xứ đổ về dựng nhà ở xen với mộ nên gọi là thành phố ma, giờ mộ đã giải tỏa gần hết. Nơi đây tuy nằm ở trung tâm thành phố nhưng hiện nay hầu hết các hộ đều chưa có nước máy phải dùng nước giếng khoan. Lo lắng nhất của người dân ở đây là hỏa hoạn nếu xảy ra chảy nổ thì rất khó có thể cứu chữa".

Chia sẻ