Cuộc sống bên trong trại cai nghiện Internet ở Hàn Quốc
Là một trong những quốc gia phát triển công nghệ nhanh nhất trên thế giới, phần lớn người dân Hàn Quốc sử dụng điện thoại thông minh và Internet. Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ tại quốc gia Đông Á này.
Trên 140.000 thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện Internet. Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê chính thức năm 2018, trên 140.000 thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện Internet và con số này thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, quốc gia này xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm trợ giúp và điều trị cai nghiện cho các thanh thiếu niên. Các trường học cũng giới thiệu những chương trình đặc biệt để nỗ lực phòng ngừa trẻ em nghiện Internet ngay từ giai đoạn đầu.
Mới đây, các phóng viên của trang Newsround đã đến Hàn Quốc thăm trại cai nghiện Internet Muju để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Nghiện Internet là tình trạng một người sử dụng Internet nhiều đến mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bản thân, thậm chí là cả hai. Điều này còn có thể tác động tới hành vi và phương thức con người tương tác với thế giới thật.
Người nghiện có thể mất nhận thức về thời gian hay bỏ qua các nhu cầu cơ bản hàng ngày của họ như ăn uống, ngủ, nghỉ. Giống như các chứng nghiện khác, người nghiện Internet cũng cảm thấy tức giận hoặc buồn bã bất thường.
Đồ điện tử bị tịch thu khi bệnh nhân vào trung tâm chữa trị. Ảnh: BBC
Tại trung tâm điều trị nghiện Internet, bệnh nhân có thể đến để được trợ giúp về tình trạng sử dụng Internet không lành mạnh. Họ sẽ được học cách sống độc lập hơn với thế giới ảo và thay đổi suy nghĩ về việc dành thời gian sử dụng Internet.
Kể từ năm 2014, trên 1.200 thanh niên đã đến các trung tâm cai nghiện Internet Muju. Tại đây, các quy định được đặt ra một cách nghiêm ngặt. Họ phải bàn giao tất cả các thiết bị điện tử, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại, thậm chí là những thứ như máy ép tóc. Các khóa học tại trung tâm này thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần, tùy theo mức độ, tình trạng của người tham gia.
Người học cũng sẽ được tham gia các hoạt động thực tế như làm đồ thủ công, thể thao, vui chơi tập thể, tránh xa các thiết bị kỹ thuật số và trở lại thế giới thực. Ngoài ra, các buổi học tâm lý cũng được thực hiện để giúp mọi người bộc lộ bản thân.
Những hoạt động này giúp những người đến trại tìm ra những điều hạnh phúc thực sự, làm họ thoải mái hơn thay vì nhận được những "lượt thích", "bình luận" trong thế giới ảo. Các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên cho họ khi nào thì nên dừng sử dụng điện thoại và cách tận hưởng cuộc sống thật ý nghĩa.
"Tại đây, chúng tôi cố gắng giới thiệu cho họ lựa chọn những hoạt động thay thế Internet, trò chơi điện tử hay mạng xã hội. Chúng tôi muốn cho các bạn trẻ thấy được giá trị của bản thân và sự tự tin bên ngoài thế giới mạng", Giám đốc trung tâm Yong-chul Shim chia sẻ.
Những trò chơi tập thể lành mạnh giúp các bệnh nhân thoát khỏi cơn nghiện Internet. Ảnh: BBC
Hawon – một cô gái 17 tuổi - chữa trị tại trung tâm cai nghiện Internet vì nghiện xem Youtube mỗi ngày. "Nhiều lúc em dành đến 18 giờ mỗi ngày để xem. Em còn mang cả điện thoại vào phòng tắm, khi đang ăn em cũng cầm nó. Một khi đã cầm nó lên thì rất khó để dừng lại", Hawon chia sẻ.
Hawon cho biết cuộc sống tại Hàn Quốc rất áp lực, đặc biệt đối với những người trẻ phải đối mặt với kỳ vọng thành tích học tập của gia đình. Hawon thừa nhận rằng mình xem Youtube chủ yếu để khiến bản thân cảm thấy vui vẻ hơn.
Nhưng điều này lại gây ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cô bé. "Việc nghiện xem Youtube ảnh hưởng lớn đến việc học ở trường của em. Em chỉ nói chuyện với bạn bè qua điện thoại chứ không giao tiếp trực tiếp. Em hay ngủ gật trong lớp và thường nổi cáu với mọi người một cách vô cớ", Hawon nói.
Cô bé nhận thức được đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết và quyết định đến trại cai nghiện để làm điều này. "Em muốn vượt qua cơn nghiện đó, em muốn quan sát mọi thứ tốt đẹp đang diễn ra xung quanh mình thay vì chỉ nhìn vào điện thoại. Đây chính là cơ hội để em khắc phục vấn đề của mình".
Xem link bài gốc tại đây.