Công nghiệp giảm béo lên ngôi ở Trung Quốc

,
Chia sẻ

Đời sống vật chất ngày càng cao, cộng với lối sống ít vận động và sự lan tràn của thực phẩm chế biến khiến ngày càng có nhiều người Trung Quốc bị thừa cân.

Doanh số của các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và các thiết bị tập luyện, thậm chí là phẫu thuật giảm béo, vì thế đang trên đà tăng mạnh ở nước này.

Tờ Business Week cho biết, là con một trong một gia đình ở Thượng Hải nên từ bé, Simon Wang đã được cha mẹ và ông bà cho ăn “thả phanh” các loại bánh trái, kem, và gà rán KFC. Kết quả, chàng trai năm nay 26 tuổi này có trọng lượng cơ thể lên tới gần 100 kg. Tháng trước, Wang quyết định gia nhập câu lạc bộ thể dục mang tên Weight Watchers để giảm cân với mục tiêu số cân phải giảm là khoảng 25 kg để phù hợp với chiều cao 1,8m của anh.

Sau nhiều năm phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, Trung Quốc giờ đang phải đương đầu với một vấn đề hoàn toàn ngược lại. Số liệu do Trung tâm Kiểm soát chứng béo phì thuộc Đại học North Carolina, Mỹ, cho thấy, hiện có khoảng 30% số người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân hoặc béo phì, so với mức 25% vào năm 2004. Ở Mỹ, số người trưởng thành bị thừa cân chiếm khoảng 68%.
 

Riêng ở thủ đô Bắc Kinh, có 40% số bé trai có vấn đề về cân nặng. Khả năng kinh tế của các gia đình ngày càng tốt hơn, lối sống ít vận động thể chất, và chế độ ăn nhiều thịt và thức ăn chế biến là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Vấn đề cân nặng hiện lớn hơn cả tại những thành phố lớn nhất của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi có tỷ lệ người sử dụng xe hơi lớn và thường xuyên dung đồ ăn nhanh.

Tỷ lệ số người thừa cân gia tăng đã đặt ra thêm nhiều thách thức cho Chính phủ Trung Quốc trong việc cải tổ hệ thống chăm sóc y tế ở nước này. Bắc Kinh dự định từ nay đến năm 2020 sẽ chi 125 tỷ USD để cung cấp bảo hiểm cho toàn bộ 1,3 tỷ người dân. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ bao gồm những chế độ chăm sóc y tế căn bản mà không có những dịch vụ như điều trị những căn bệnh kinh niên liên quan tới chứng thừa cân.

Theo Giáo sư dinh dưỡng Chen Chunming thuộc Viện Khoa học đời sống, cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc, các nhà chức trách nước này hiện rất lo ngại về tỷ lệ số người thừa cân gia tăng.

Những người muốn giảm béo như anh Wang đang có nhu cầu rất cao đối với các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp và các chương trình giảm cân.

Đại diện của công ty Nhật Bản có tên Otsuka chuyên sản xuất đồ ăn từ đậu nành cho biết, nhu cầu các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành và hoa quả tại Trung Quốc đang tăng rất mạnh, nhất là từ phía giới phụ nữ làm văn phòng. Loại thực phẩm đậu nành dành cho người ăn kiêng Soyjoy do Otsuka sản xuất vốn rất phổ biến ở Mỹ đã được công ty này đưa vào Trung Quốc từ năm 2008. Otsuka dự báo, doanh số của Soyjoy tại Trung Quốc sẽ vượt doanh số tại Mỹ ngay trong năm nay.

Trung tâm thể dục - thể hình Weight Watchers China mở địa điểm đầu tiên ở Thượng Hải vào tháng 8/2008. Đến nay, trung tâm này đã có thêm 3 phòng tập ở Thượng Hải, 1 ở Nam Kinh, và dự kiến sẽ còn mở rộng ra các thành phố khác.

Câu lạc bộ thể hình Zhongti Beili Health Club cũng thu hút một số lượng đông đảo thành viên là những người muốn giảm cân và hướng tới một lối sống lành mạnh hơn. Câu lạc bộ này cho biết sẽ tăng gấp đôi số phòng tập hiện có lên 28 trong thời gian từ nay tới cuối năm.

Theo Business Week, Trung Quốc hiện có khoảng 3.000 câu lạc bộ thể dục - thể hình, với khoảng 3 triệu hội viên. Hãng sản xuất máy tập Technogym tiết lộ, họ cung cấp thiết bị cho 400 phòng tập độc lập và phòng tập trong 210 khách sạn 5 sao ở Trung Quốc. Công ty này dự báo doanh số tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng 30% trong năm nay, lên mức 18 triệu USD.

Các khách hàng là doanh nghiệp đang trở thành một nguồn doanh thu quan trọng của các hãng sản xuất thiết bị thể dục như Technogym. Tập đoàn hóa chất Dow Chemical tại Trung Quốc mới đây đã xây dựng một trung tâm thể dục-thể hình cho nhân viên ngay trong trụ sở chi nhánh đặt ở Thượng Hải. Đại diện của Dow Chemical cho biết, họ muốn tăng cường sức khỏe cho nhân viên để đảm bảo năng suất công việc.

Tuy nhiên, việc tập luyện để đạt mục tiêu giảm cân có thể là quá sức đối với một số người nên họ chọn một giải pháp nhanh chóng hơn. Bác sỹ Zheng Chengzhu, Trưởng khoa tiểu phẩu và phẫu thuật giảm béo thuộc bệnh viện Changhai ở Thượng Hải, cho biết, ông thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật giảm béo mỗi năm, so với mức 20-30 ca cách đây vài năm.

Ngoài lý do sức khỏe, một động lực khác thúc đẩy nhiều người Trung Quốc đi tìm cho mình một vòng eo nhỏ hơn là cơ hội có được thu nhập cao hơn. Cô Wu Yu, một kỹ sư 23 tuổi tham gia câu lạc bộ Weitght Watchers, cho biết, các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc có xu hướng ưu tiên những nhân viên hoặc ứng viên xin việc có ngoại hình đẹp, đăc biệt là phụ nữ. “Trở nên mảnh mai hơn sẽ giúp tôi tìm được một công việc tốt hơn và cả một người bạn trai nữa”, cô Wu nói.
 
Theo VnEconomy
Chia sẻ