"Con trai em quá ảo tưởng" - Bà mẹ Hà Nội thốt lên đầy bất lực, nghe chị kể, nhiều người đồng cảm vì từng rơi vào hoàn cảnh tương tự
Có lẽ 2 mẹ con nên bình tĩnh, ngồi nói chuyện lại.
"Con em ảo tưởng quá mọi người ơi, nó không biết năng lực của bản thân đến đâu. Thi được có 20,5 điểm nhưng cứ nhất quyết đòi đăng ký ngành logistics ở Đại học Giao thông Vận tải hoặc Đại học Xây dựng" - đây là chia sẻ gây chú ý trong một nhóm phụ huynh Hà Nội.
Người mẹ đăng bài chia sẻ cho hay, chị đã nhiều lần khuyên ngăn, phân tích cho con thấy điểm số hiện tại của con rất khó đỗ vào hai trường trên, nhất là với ngành logistics – vốn luôn nằm trong nhóm ngành hot, điểm chuẩn thường dao động từ 24 đến 26 điểm.
Không chỉ chị, mà cả con cái của bạn bè, những em đã đỗ 2 trường này cũng đánh giá cơ hội đỗ cùa con chị là thấp. Nhưng con vẫn giữ nguyên quan điểm. Cậu bé quả quyết: "Mẹ cứ chờ mà xem. Năm nay đề khó, kiểu gì điểm chuẩn cũng hạ. Mẹ chẳng tin con gì cả. Đến lúc điểm hạ thật lại tiếc".
"Giờ hai mẹ con như nước với lửa, thực sự em không biết nên làm sao nữa", người mẹ kể.

Ảnh minh họa
Từ mâu thuẫn thế hệ đến bài học về cách ra quyết định
Thực tế, câu chuyện trên không phải hiếm gặp. Mỗi mùa tuyển sinh lại có hàng ngàn gia đình rơi vào tình huống tương tự. Phụ huynh thì lo con "vung tay quá trán", còn con lại nghĩ bố mẹ không tin mình. Điều đáng nói là, cả hai phía đều có lý, nhưng lại không tìm được cách lắng nghe nhau.
Người mẹ đại diện cho một kiểu tư duy thực tế và cẩn trọng. Với 20,5 điểm, việc đăng ký vào ngành logistics ở các trường top giữa trở lên là rất rủi ro. Chị không muốn con mình đánh cược tất cả chỉ vì một niềm tin mong manh vào chuyện "điểm chuẩn sẽ hạ". Lo lắng đó là hoàn toàn chính đáng.
Nhưng ở phía người con, câu chuyện không phải là bốc đồng hay cố chấp. Cậu bé có lý lẽ riêng: năm nay đề khó, mặt bằng điểm thi có thể thấp hơn, biết đâu ngành mình mơ ước lại vừa tầm. Quan trọng hơn, đó là ngành học em thực sự muốn theo đuổi. Trong mắt em, việc thử một lần là đáng giá, bởi nếu không thử, có thể cả đời sẽ hối tiếc.
Vấn đề nằm ở chỗ: hai mẹ con không nói chuyện bằng cùng một ngôn ngữ. Người mẹ dùng ngôn ngữ của lo âu và tính toán rủi ro. Người con lại nói bằng ngôn ngữ của hy vọng và khát khao. Một người sợ con trượt, người còn lại sợ bị ngăn cản ước mơ. Và như vậy, thay vì đồng hành, họ thành đối đầu.
Cách giải quyết không nằm ở việc ai đúng, ai sai. Thay vì tranh cãi "con có đỗ nổi không", phụ huynh nên chuyển hướng: cùng con ngồi lại, phân tích dữ liệu điểm chuẩn các năm, giả định nhiều kịch bản và tính xác suất. Nếu con vẫn muốn giữ nguyện vọng đó ở vị trí số 1, hãy để con thử, với điều kiện con có thêm các phương án dự phòng hợp lý.
Bởi điều quý giá nhất không phải là đỗ hay trượt một nguyện vọng, mà là việc con học được cách ra quyết định có trách nhiệm: biết đánh giá cơ hội, biết nhận diện rủi ro, biết lường trước thất bại nhưng vẫn không từ bỏ điều mình tin.
Không phải đứa trẻ nào mơ cao cũng là "ảo tưởng". Và không phải phụ huynh nào lo xa cũng là bảo thủ. Chỉ cần cả hai biết lắng nghe nhau, thì kỳ tuyển sinh này không phải là một "cuộc chiếnv", mà sẽ trở thành một bước khởi đầu đáng nhớ cho hành trình trưởng thành của cả con à cả cha mẹ.