Con muốn được nghe rằng "bố mẹ yêu con"

,
Chia sẻ

Trong mắt bố mẹ, hình như con không đáng một miligram nào. Con cũng là con của bố mẹ, cũng là tinh hoa kết trái tình yêu của bố mẹ, tại sao lại bỏ con bơ vơ? Con cũng có lý trí, tình cảm, trái tim, sao không ai nghĩ đến cảm giác của con?

Khi bạn vấp ngã lần đầu tiên bạn nghĩ đến ai? Khi bạn chìm xuống vực sâu, đôi tay ai sẽ nâng bạn dậy, bờ vai nào dành cho bạn khóc, ánh mắt nào cho bạn yêu thương? Đôi tay nào làm cho bạn đau nếu bạn làm sai, mặc dù lòng đau như cắt? Và trái tim nào có thể hy sinh cả mạng sống của mình chỉ để bảo vệ cuộc sống linh thiêng của bạn?

Chỉ có thể là gia đình thôi bạn ạ. Gia đình nâng đỡ bạn nhưng sẽ nghiêm khắc chỉ để bạn tốt hơn... Nói về gia đình có lẽ chẳng bao giờ hết, bởi gia đình là vô giá, tình cảm gia đình là vô tận, và ý nghĩa gia đình là mãi mãi.

Đoạn văn nói về gia đình theo lý thuyết mà tôi từng đọc được, những câu hỏi ở trên đã được trả lời rõ ràng, và được minh chứng hiện thực qua câu chuyện của các bạn trẻ kể về bản thân trong cuộc thi viết "Tôi có thể".

Tôi vui vì những thắc mắc được giải đáp, nhưng buồn cho số phận của mình. Tôi vô phước nên chưa một lần được cảm nhận hơi ấm gia đình. Tôi nghen tị với các bạn bởi các bạn có gia đình để kể, kể về bố mẹ chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, những bậc sinh thành sẵn sàng lăn xả để che chở cho bạn, sẵn sàng "bán nhà, đổ mồ hôi, rơi nước mắt vì bạn".

Họ luôn xuất hiện những lúc bạn cần an ủi, gặp khó khăn hay vấp ngã trên bước đường đời, họ lo cho bản thân và tương lai của bạn hơn cả thân mình. Mặc dù các bạn gặp không ít chông gai, khó khăn, tủi nhục, vinh danh hay thất bại trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn thấy các bạn hạnh phúc hơn tôi, vì hầu như tất cả các bạn đều có điểm chung là "có gia đình làm điểm tựa vững chắc".

Còn tôi, cứ chờ đợi và theo dõi cuộc dự thi viết "Tôi có thể" từ khi bắt đầu đến hôm nay mà vẫn chưa nhận được sự đồng cảm sâu xa nào cả. Tôi không hiểu tại sao mình lại buồn nữa. Tôi buồn vì không tìm thấy được đồng minh, hay tôi buồn vì ai cũng chờ đợi và kìm nén tâm sự như tôi nhỉ?

Nay tôi mạnh dạn viết những lời tận sâu trong đáy lòng mình. Tôi muốn được chia sẻ với mọi người, dù tôi chưa có gì nổi bật, không có gì đáng để mọi người lưu tâm.

Tôi cũng có gia đình với đầy đủ bố mẹ và chị gái. Khi tôi lên một tuổi, bố mẹ ly dị vì hai người đều có gia đình riêng. Họ bỏ rơi hai chị em tôi cho ông bà nội nuôi. Lâu lâu, mẹ ghé thăm, hỏi vài ba câu sáo rỗng, ôm chúng tôi vào lòng một cách vô cảm và lạnh lẽo, rồi lại vội vàng ra đi khi nhét vào tay hai chị em vài đồng bạc lẻ hay gói kẹo cứng, coi như xong trách nhiệm.

Ông bà mất, đứa lên năm, đứa lên bảy sống vất vưởng nay nhà này mai nhà khác dưới sự đùm bọc kèm theo ánh mắt thương hại của bà con cô bác. Hai chị em yêu thương nhau hết mực, hồi nào cũng dính chặt với nhau như hình với bóng.

10 tuổi, bố đón chị về nuôi, nói là nuôi cho lịch sự chứ ai cũng biết bố nghe lời dì ghẻ đón chị về trông em bé cho dì đi làm, giúp thêm chuyện cơm nước, heo gà trong nhà. Ngày chia tay đẫm lệ, ánh mắt, bàn tay hai chị em cứ siết chặt lấy nhau đầy lưu luyến, không muốn rời xa.

Dắt chị đi, bố bảo tôi thuộc trách nhiệm của mẹ, mẹ sẽ lo cho tôi. Tôi hy vọng, chờ đợi mỏi mòn, rồi suy sụp khi mẹ nói như sát muối vào trái tim non trẻ đang rỉ màu của tôi: "Con ngoan ở với bác, bác nuôi cho ăn học, mẹ gửi tiền phụ cấp cho bác rồi". Hai dây leo đeo bám nhau vươn lên để sống, giờ chỉ còn lại một, đơn côi, mỏng manh chống chọi lại nắng mưa, có thể gục ngã bất cứ lúc nào.

Tôi khép kín lòng mình, ít giao tiếp, ít vui chơi với bạn cùng trang lứa. Không thích bị chọc là "con bị bỏ rơi, kẻ sống bám", tôi tự tạo cho mình một vỏ ốc, bò ra ngoài khi thấy an toàn, thụt vào trong để tự vệ khi gặp nguy hiểm.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với con trâu gốc rạ. Một ngày trôi qua đối với tôi rất tẻ nhạt, một buổi đi học, một buổi theo bác ra ruộng hoặc lên núi làm rẫy, tối về học bài và ngủ. Cuộc sống bình lặng quay vòng đều đặn trôi qua suốt 18 năm, không nến không hoa, không quà sinh nhật, không có niềm vui, ấn tượng nào đáng nhớ, chỉ có nỗi buồn gặm nhấm.

Thi học kỳ, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, không ai hỏi han động viên dù chỉ một lời, ngày thi tốt nghiệp xong về bác hỏi: "Ủa, hôm nay thi à, sao không nghe mày nói gì cả. Làm bài được không? Chỉ có ăn với học, thi mà không đậu thì vứt!" Tôi mới "Dạ" một tiếng, bác đã quay lưng đi vội, không quên nói với lại một câu "Nấu cơm sớm đi nha".

Làm hồ sơ thi đại học, không lời tư vấn, không người bảo ban, mù tịt thông tin và kinh nghiệm, thầy cô bảo sao làm vậy, lơ ngơ, láo ngáo. Ngày xách ba lô đi thi, bác đưa cho hai trăm ngàn bảo "tìm chỗ ở cho đàng hoàng, thi xong về liền, đừng la cà đi chơi lung tung coi chừng bị lừa".

Tủi thân, tôi nhìn bạn bè với ánh mắt thèm thuồng. Tôi thèm một lời động viên, an ủi, thèm được thấy ánh mắt âu yếm, lo lắng, thèm được ai đó chỉ lối dẫn đường trong lần đầu bỡ ngỡ xa nhà, thèm sự vồ vập hỏi han khi vừa bước ra khỏi cổng trường thi, thèm cả sự nóng ruột của ai đó ngồi đợi suốt mấy ngày thi ngoài cổng, mặc nắng gió, mưa bụi.

Ngày nhận giấy báo điểm, đất trời như sụp đổ. Tôi buồn bã chán nản kinh khủng, bên tai văng vẳng tiếng nói "rớt thì thôi, ở nhà làm ruộng, ưng ai thì tao gả, có chồng cũng được rồi".

Một mình lê bước lên ngọn đồi cao trên núi, nơi duy nhất tôi thấy thoải mái, và sống thật với suy nghĩ của mình. Ở đây, tôi hít thở được không khí trong lành, phóng tầm mắt được đi xa bốn phía xung quanh, đất rộng lớn, trời bao la, không chật hẹp, nhỏ nhoi như những ngôi nhà, con người dưới chân núi.

18 năm trôi qua, tôi được mọi người khen là "ngoan, hiền, biết vâng lời". Kể cũng đúng, vì tôi không cãi lại hay làm phật ý ai, ai sai gì, bảo gì làm nấy cứ như con robot.

Sau một tuần thi rớt đại học, lần đầu tiên trong đời tôi dám mở miệng nói ra suy nghĩ của mình. Tôi xin phép bác cho tôi vào Nam tìm việc làm, muốn kiếm tiền tự lập nuôi sống bản thân. Tôi ra đi trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của mọi người. Không ai ngăn cản vì biết tôi đã lớn, đủ quyền quyết định lối đi riêng cho cuộc đời mình. Mọi người gói ghém đồ đạc, tiễn tôi lên xe với những lời dặn dò và cầu chúc tôi bình an.

Thời gian trôi qua, tôi quen dần với cuộc sống xa nhà, bao nhiêu khó khăn vất vả đều cố gắng vượt qua. Tôi tự đi tìm việc làm, tranh thủ vừa làm vừa học ôn thi lại. Tôi muốn khẳng định mình cho mọi người thấy, tôi sẽ trở thành một công dân có ích, không phải là một người bỏ đi. Tôi mới chỉ tốt nghiệp tú tài nhưng tôi quyết tâm sẽ cố gắng hơn nữa, đi lên bằng chính đôi chân của mình.

Đã mấy năm rồi, tôi ăn Tết ở Sài Gòn, tôi sợ những ngày lễ tết, những ngày hội gia đình vì những ngày đó tôi thấy mình cô đơn nhất, buồn bã, lạc lõng nhất. Đứng giữa đường phố tấp nập đầy ắp tiếng cười nói mà tôi chẳng có cảm giác gì ngoài nỗi buồn xâm chiếm. Tôi ước chi những lúc đó có ai cầm tay tôi, trao cho tôi một cái ôm siết chặt, để tôi cảm nhận được rằng tôi đang còn sống, đang tồn tại, và không lẻ loi giữa đời.

Chưa bao giờ bố gọi điện hay hỏi thăm tôi một câu" "Con sống thế nào, ở đâu?". Mẹ thì lâu lâu gọi điện hỏi thăm: "Con khỏe không? Cố gắng con nhé!”. Chỉ có chị gái là vẫn thường xuyên liên lạc tâm sự và khóc cùng tôi qua điện thoại, nhưng người Nam, kẻ Bắc làm sao gặp được. Chị cũng khổ tâm không kém gì tôi bởi "mấy đời bánh đúc có sương, mấy đời gì ghẻ lại thương con chồng".

Trong mắt bố mẹ, hình như con không đáng một miligram nào. Con cũng là con của bố mẹ, cũng là tinh hoa kết trái tình yêu của bố mẹ, tại sao lại bỏ con bơ vơ? Con cũng có lý trí, tình cảm, trái tim, sao không ai nghĩ đến cảm giác của con?

Bố mẹ có gia đình riêng, có con cái riêng, quan tâm lo lắng cho con cái của mình, bố lo cho con trai bố đi nước ngoài, chạy xin trường này trường kia cho con bố học, trong khi đó, đối con bố lại cầm roi đánh đuổi con về, không cho con vào chơi với chị?

Có lần, con nhớ chị, lén bác chạy bộ 2 cây số lên nhà bố thăm chị, bố lại sợ con rủ chị theo con, bố đánh bằng roi vọt, đau con chịu được, nhưng cách bố đối xử với con gái mình như thế, con thấy đau gấp ngàn lần, con không chịu được bố à.

Thậm chí, mẹ còn nuôi hai người con riêng của dượng ăn học, rồi lo gả chồng con cho họ. Còn con, bố mẹ có bao giờ nghĩ rằng sẽ lo cho con dù chỉ là trong giấc mơ không vậy? Con muốn được có câu trả lời chân thật, hay là một câu xuất phát từ tình thương yêu tận đáy lòng rằng: "Bố mẹ rất yêu con".

Nếu bố mẹ đọc được những lời tâm sự này của con, xin bố mẹ hãy dang tay ôm con vào lòng nhé! Vật chất có thể bố mẹ không cần lo cho con, con tự lập được, nhưng con rất cần một chỗ dựa tinh thần bố mẹ ạ.

 
 
Nguyễn Thị Hương (TP HCM)
Vnexpress

Chia sẻ