Con bị trầm cảm sau kỳ thi, hãy làm theo 5 bước do chuyên gia tiết lộ

NHẬT THÙY(Nguồn: Daily Mai)/VTC News,
Chia sẻ

Thay vì nhẹ nhõm, nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm sau kỳ thi, chuyên gia gợi ý 5 bước giúp cha mẹ hỗ trợ con lấy lại sự cân bằng.

Kỳ thi kết thúc lẽ ra là dấu mốc giải phóng khỏi áp lực triền miên nhưng một số học sinh lại bắt đầu tình trạng trống rỗng cảm xúc, uể oải, thậm chí là chán nản. Đây là trạng thái mà các chuyên gia tâm lý gọi là “trầm cảm sau kỳ thi”, hiện tượng phổ biến nhưng thường bị các bậc phụ huynh bỏ qua.

Theo Lindsey Wright – chuyên gia học tập trẻ em và gia sư cấp cao tại nền tảng giáo dục Tutors Valley (Anh), sự suy sụp cảm xúc sau kỳ thi không phải phản ứng nhất thời mà có gốc rễ sâu xa từ cả yếu tố sinh học lẫn tâm lý.

“Nhiều học sinh cảm thấy hoàn toàn lạc lõng khi áp lực biến mất. Các em đã ở trong 'chế độ sinh tồn' quá lâu và khi kỳ thi kết thúc, trẻ không biết nên làm gì với chính mình nữa. Một số em thậm chí cảm thấy tội lỗi vì không vui vẻ như người khác", Lindsey giải thích.

Nhiều học sinh bị trầm cảm sau kỳ thi.

Vì sao học sinh thấy chán nản sau kỳ thi?

Theo Lindsey Wright, tâm trạng chán nản sau kỳ thi là hiện tượng tâm lý đã được ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, nó thường xảy đến một cách bất ngờ khiến không chỉ học sinh mà cả cha mẹ cũng bối rối. Lý do bao gồm:

Sự sụp đổ của hormone căng thẳng

Trong thời gian ôn tập và thi cử, cơ thể học sinh sản sinh nhiều cortisol, hormone giúp các em tỉnh táo và tập trung. Khi kỳ thi kết thúc, mức cortisol đột ngột giảm mạnh dẫn đến cảm giác mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, rối loạn giấc ngủ và trạng thái suy sụp nhẹ về cảm xúc.

“Giống như một chiếc xe vừa chạy hết tốc lực giờ đột ngột tắt máy, chúng ta mong đợi cảm giác chiến thắng, nhưng lại chỉ thấy kiệt quệ", Lindsey nói.

Kiệt sức sau thời gian dài ôn luyện

Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi thường kéo dài vài tháng với lịch trình dày đặc, nhiều đêm thức khuya, áp lực thành tích. Khi mọi thứ kết thúc, học sinh không còn năng lượng để tận hưởng sự tự do, thay vào đó là cảm giác kiệt sức, vô định.

Lo lắng về kết quả và tương lai

Kỳ thi kết thúc không đồng nghĩa với sự an tâm. Nhiều học sinh tiếp tục rơi vào vòng xoáy suy nghĩ về những câu hỏi chưa làm được, những lỗi sai có thể mắc phải và tưởng tượng ra hàng loạt kịch bản xấu nhất.

Chủ nghĩa hoàn hảo và tự phê bình

Những học sinh có xu hướng cầu toàn thường dễ rơi vào trạng thái tự chỉ trích sau kỳ thi. Các em tập trung vào những câu hỏi làm chưa tốt, quên mất những nỗ lực đã bỏ ra và thường không hài lòng trọn vẹn với bản thân.

“Chúng tôi thấy không ít học sinh làm bài rất xuất sắc theo mọi tiêu chuẩn, nhưng các em vẫn buồn chỉ vì một câu hỏi chưa làm trọn vẹn", Lindsey chia sẻ.

Áp lực từ bạn bè và mạng xã hội

Ngay cả khi kỳ thi đã qua, các cuộc trò chuyện, so sánh điểm số, chia sẻ cảm nghĩ trên mạng xã hội vẫn có thể tạo thêm áp lực vô hình, khiến học sinh không thể thư giãn và quay về trạng thái cân bằng.

Văn hóa thành tích và bản sắc cá nhân

Ở nhiều quốc gia như Anh hay các nước châu Á, kết quả học tập thường gắn liền với giá trị bản thân. Đạt điểm cao không chỉ là mục tiêu mà còn trở thành thước đo để đánh giá năng lực và phẩm chất, khiến nhiều học sinh đồng nhất giá trị của mình với điểm số.

Tình trạng suy sụp cảm xúc sau kỳ thi rất phổ biến.

Cha mẹ nên làm gì khi con trầm cảm sau kỳ thi?

Tin vui là cha mẹ có thể giúp con hồi phục cảm xúc, lấy lại cân bằng sau kỳ thi với những hành động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Chuyên gia Lindsey Wright đưa ra 5 bước hỗ trợ tinh thần mà bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể áp dụng.

Thừa nhận và xác nhận cảm xúc của con

Điều quan trọng đầu tiên là không phủ nhận cảm xúc của con. Hãy cho con biết rằng chuyện cảm thấy trống rỗng, lo lắng hay chán nản sau một sự kiện lớn như kỳ thi là hoàn toàn bình thường.

“Thay vì cố ‘sửa chữa’ tâm trạng của con hay nói rằng ‘giờ con phải vui lên’, hãy lắng nghe và để con thoải mái chia sẻ", Lindsey khuyên.

Khuyến khích hoạt động thể chất

Tập thể dục giúp tăng serotonin, chất dẫn truyền thần kinh cải thiện tâm trạng, năng lượng và sức khỏe tinh thần. Không cần phòng gym, chỉ cần đi bộ, đạp xe, bơi lội nhẹ nhàng mỗi ngày là đủ giúp con giải tỏa căng thẳng.

Để con ngủ bù hợp lý

Thiếu ngủ là hệ quả phổ biến trong mùa thi. Hãy để con ngủ bù, thậm chí là ngủ trưa, nhưng cũng cần tái thiết lập thói quen ngủ khoa học, ngủ đủ vào ban đêm để phục hồi thể lực và tinh thần lâu dài.

Khơi dậy niềm vui từ sở thích cá nhân

Khuyến khích con quay lại với các sở thích từng bị “bỏ quên” như vẽ, chơi nhạc, đọc sách hay tụ họp với bạn bè. Những hoạt động này giúp khơi dậy hứng thú sống và gỡ bỏ gánh nặng thi cử.

“Thay đổi nhỏ như sắp xếp lại phòng, hay đưa cả nhà đi chơi xa cũng có thể giúp trẻ cảm nhận rõ rệt rằng giai đoạn áp lực đã kết thúc", Lindsey gợi ý

Khen ngợi nỗ lực

Một sai lầm phổ biến của cha mẹ là chỉ tập trung vào điểm số. Trong khi đó, điều con thực sự cần nghe là lời công nhận quá trình nỗ lực, sự kiên trì vượt qua áp lực. Học sinh cần biết rằng giá trị bản thân không phụ thuộc vào điểm số. Nếu hiểu được điều đó, các em sẽ có nền tảng tinh thần vững vàng cho cả chặng đường sau này.

Kỳ thi không chỉ là vấn đề tri thức mà còn là hành trình cảm xúc đầy thử thách. Khi kỳ thi kết thúc, điều học sinh cần nhất không phải là sự hối thúc bước tiếp, mà là một khoảng lặng để hồi phục, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Là cha mẹ, bạn có thể là chốn bình yên của con sau những ngày căng thẳng. Một lời động viên nhẹ nhàng, một cái ôm ấm áp, một buổi chiều đi dạo cùng nhau cũng đủ để con thấy mình không cô đơn trong hành trình vượt qua “trầm cảm hậu kỳ thi”.

Chia sẻ