Cô giáo kể lại trải nghiệm ám ảnh: Thấy con của người khác đạt điểm cao hơn, người mẹ quay ra... tát luôn con mình
Học hành không chỉ là học để thi, mà là học để hiểu, để sống và để tạo nên thay đổi.
Giáo dục, nếu chỉ được định nghĩa bằng điểm số sẽ sớm đánh mất điều quan trọng nhất: Niềm vui học tập và sự chủ động tư duy. Nhiều đứa trẻ giỏi giang, nhưng không biết mình thực sự yêu thích điều gì. Không ít em học hành chăm chỉ, nhưng không dám nói lên điều mình tin là đúng. Và cũng không hiếm phụ huynh, dù luôn sát sao chuyện học của con, nhưng chưa từng thật sự được lắng nghe suy nghĩ trong lòng con trẻ.
"Con được mấy điểm?" là câu hỏi quen thuộc mà nhiều cha mẹ lặp lại mỗi ngày sau giờ tan trường. Nhưng nếu thay bằng một câu hỏi khác: "Hôm nay con cảm thấy thế nào trong lớp học?", liệu chúng ta có nhận được một câu trả lời hoàn toàn khác - gần gũi hơn, chân thành hơn, và có khả năng thay đổi cả cách nhìn của người lớn về chuyện học.
Đó cũng là tinh thần của buổi đối thoại "Beyond Grades - Không chỉ là điểm số" vừa được tổ chức tại TP.HCM, với sự tham gia của các nhà giáo, phụ huynh, chuyên gia giáo dục, cùng hướng tới một mục tiêu: Học không chỉ để thi, mà là để hiểu, để sống và để tạo ra thay đổi tích cực.
Bảng điểm số của đứa trẻ 5 tuổi và cái tát gây sốc của người mẹ
Một trong những câu chuyện khiến cả khán phòng lặng người là phần chia sẻ của cô Kiran Bir Sethi - nhà sáng lập Trường Riverside (Ấn Độ), ngôi trường được vinh danh sáng tạo nhất thế giới năm 2023, và là người khởi xướng phong trào giáo dục toàn cầu Design for Change tại hơn 70 quốc gia.
Cô kể lại trải nghiệm mang tính bước ngoặt: Trong một lần đi họp phụ huynh khi con trai mới 5 tuổi, cô chứng kiến một người mẹ đang xếp hàng bỗng rướn người xem bảng điểm của phụ huynh phía trên rồi quay sang… tát con mình ngay tại chỗ. Cảnh tượng khiến cô và chính con trai hoảng sợ. Cô ôm con, an ủi, và từ cú sốc đó, nảy ra quyết định thành lập một ngôi trường, bắt đầu từ chính căn nhà của mình, nơi trẻ em được tôn trọng, lắng nghe và phát triển đúng với nhịp điệu của bản thân.
Cô cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức lớn của giáo dục hiện nay trong bối cảnh AI phát triển: Rất nhiều kỹ năng quan trọng top đầu được chỉ ra tại các hội nghị, gần đây nhất là Diễn đàn kinh tế thế giới như tư duy phản biện, khả năng thích nghi, sáng tạo, giao tiếp hay hợp tác, đều không thể dạy qua sách vở.
Những điều này chỉ hình thành được qua hoạt động thực hành, qua dự án, qua việc giúp các em tự giải quyết vấn đề thật sự. Theo cô, điều đáng lo ngại là nền giáo dục truyền thống lại đang thiếu chính những yếu tố đó, dẫn đến thực trạng: Học sinh có thể đạt điểm số cao nhưng lại loay hoay khi bước ra đời thực.
"Điều tôi muốn nhấn mạnh không phải là điểm số hay kiến thức học thuật không quan trọng, mà là: Kiến thức cần được đặt trên một nền tảng vững chắc của sự thấu cảm, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Khi đó, việc học mới trở thành hành trình giúp các em trưởng thành và đóng góp tích cực cho xã hội", cô nói.

Cô Kiran Bir Sethi và cô Nguyễn Thúy Uyên Phương
Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thúy Uyên Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường ICS, người đưa mô hình "Trường học kiến tạo" và phong trào Design for Change về Việt Nam - khẳng định: Điều quan trọng nhất trong giáo dục là giúp trẻ tin rằng mình có thể tạo ra sự thay đổi tích cực, xuất phát từ cảm giác được yêu thương và tin tưởng mỗi ngày trong lớp học.
"Giáo dục không chỉ diễn ra trong trường học, mà hiện diện ở bất kỳ đâu. Mỗi người đều đang tham gia vào việc giáo dục một ai đó, và 'thân giáo' - tức cách mình sống, hành xử, là bài học mạnh mẽ nhất mà cha mẹ có thể dành cho con", cô chia sẻ.
Hai diễn giả đến từ hai quốc gia khác nhau, nhưng cùng thống nhất một điều cốt lõi: Giáo dục không phải là việc lấp đầy tri thức, mà là quá trình nuôi dưỡng cảm xúc, khơi mở lòng trắc ẩn và bồi đắp năng lực kiến tạo điều tốt đẹp.
Và để làm được điều đó, đã đến lúc người lớn cần học lại, không phải để thi, mà để lắng nghe, để thấu hiểu và để trở thành những người đồng hành thực sự cùng con trẻ trên hành trình trưởng thành.
Một khoảng lặng để ba mẹ và con cùng nhìn lại hành trình học tập
"Beyond Grades - Không chỉ là điểm số" là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Young Changemakers Day 2025 - ngày hội giáo dục do. Trường Liên cấp Song ngữ ICS tổ chức. Sự kiện nhằm lan tỏa triết lý giáo dục khai phóng "I CAN - Con có thể" đến với cộng đồng phụ huynh, nhà giáo và tất cả những ai đang đồng hành cùng trẻ trên hành trình trưởng thành.

Không đơn thuần là một buổi đối thoại giáo dục, "Beyond Grades - Không chỉ là điểm số" tạo nên một khoảng lặng để ba mẹ và con cùng nhìn lại hành trình học tập, không thông qua điểm số, mà bằng cảm xúc, động lực và những kết nối thật sự. Tại đây, phụ huynh có cơ hội lắng nghe và hiểu hơn về thế giới nội tâm của con trẻ, còn các bạn nhỏ được khuyến khích nói lên điều mình nghĩ, điều mình cảm thấy.


Song song với phần đối thoại, sự kiện còn diễn ra thử thách FIDSATHON Challenge – nơi học sinh áp dụng tư duy kiến tạo theo 4 bước FIDS: FEEL - IMAGINE - DO - SHARE. Với chủ đề: "Làm thế nào để người lớn và trẻ em thật sự hiểu được cảm xúc, ước mơ và khó khăn của nhau?", các bạn nhỏ không chỉ rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình mà còn học cách lắng nghe cảm xúc của chính mình và những người xung quanh.


Bên cạnh đó, khu vực Creative Passport Zone - không gian sáng tạo mở là nơi ba mẹ và con cùng nhau trải nghiệm các hoạt động gắn kết giàu cảm xúc. Từ việc nhận diện cảm xúc, vẽ bản đồ gia đình đến thực hành kết nối qua "cầu nối thế hệ", mỗi hoạt động đều mở ra một cách tiếp cận gần gũi để cha mẹ hiểu hơn về con và con cũng hiểu cha mẹ hơn.
Không chỉ nói về giáo dục, "Beyond Grades - Không chỉ là điểm số" khơi dậy một điều quan trọng hơn: Tình yêu thương và sự thấu cảm - những nền tảng không thể thiếu trong mọi hành trình học và sống.