Chuyến tàu mồ côi: Hành trình đi tìm mái ấm của trẻ em cơ nhỡ với đầy rẫy hiểm nguy và những góc khuất không ai biết
Chuyến tàu này nghe có vẻ như là phương tiện đưa trẻ em đến miền đất hứa nhưng nó lại trở thành cơn ác mộng đối với hàng nghìn đứa bé, từng lên tàu rồi rời đi trong vòng tay của những người xa lạ.
Trước khi hệ thống cho nhận nuôi trẻ mồ côi hiện đại ra đời, những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi đã phải cùng nhau bước lên “Chuyến tàu mồ côi" để đi đến khắp nơi trên thế giới trước khi tìm được gia đình mới của mình.
Chuyến tàu mồ côi được tạo ra như một nỗ lực của chính phủ nhằm giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn bị bố mẹ bỏ rơi, lưu lạc ở đầu đường xó chợ có thể tìm được tổ ấm mới của mình ở miền Trung Tây nước Mỹ. Ở đó, chúng sẽ được yêu thương và được đến trường.
Chuyến tàu này nghe có vẻ như là phương tiện đưa trẻ em đến miền đất hứa nhưng nó lại trở thành cơn ác mộng đối với hàng nghìn đứa bé, từng lên tàu rồi rời đi trong vòng tay của những người xa lạ.
Sự khởi đầu của chuyến tàu mồ côi
Vào năm 1849, mục sư Charles Loring Brace đến thành phố New York (Mỹ) với mục tiêu truyền giáo cho người nghèo tại đây. Thời điểm đó, khu vực Five Points của tiểu bang Manhattan đã bị tàn phá nặng nề bởi các băng đảng xã hội đen. Chúng biến nơi đây thành khu ổ chuột đầu tiên của xứ sở cờ hoa. Vào năm 1850, ít nhất 10 nghìn hoặc đỉnh điểm là 30 nghìn đứa trẻ đã phải sống vất vưởng trên khắp các ngóc ngách đường phố.
Để cải thiện tình trạng người vô gia cư ngày càng tăng, Brace đã thành lập Hội hỗ trợ trẻ em với những hoạt động đầu tiên là tổ chức lớp học văn hóa và kinh thánh. Dần dần, Hội hỗ trợ trẻ em còn trở thành mái ấm cho các bé trai cơ nhỡ, được biết đến với cái tên Nhà trọ Newsboys.
Thời gian trôi qua, nhà trọ Newsboys dần trở nên quá tải khi số lượng trẻ em tìm đến ngày càng nhiều. Lúc này, Brace lại đau đầu suy nghĩ ra giải pháp thay thế, đó là chuyến tàu mồ côi. Vị mục sư nghĩ rằng những đứa trẻ thường tìm đến ông để xin thức ăn và chỗ trú ẩn, cần được đưa đến một nơi khác bên ngoài thành phố New York, nơi chúng có thể được phát triển tốt hơn.
Trong lúc nghiên cứu những khu vực tiềm năng, Brace phát hiện khu vực Trung Tây nước Mỹ đang có nhu cầu lao động vô cùng lớn. Đó là nơi sinh sống của rất nhiều người nông dân, đang phải cật lực làm việc trên cánh đồng ngày càng mở rộng diện tích của họ. Chính vì vậy nên Brace tin rằng những người nông dân ấy sẽ dang rộng vòng tay để chào đón những đứa trẻ, nuôi dạy chúng để sau này nhờ vả chúng phụ giúp công việc đồng áng.
Bất chấp những lời hứa về một cuộc sống tươi sáng hơn, chuyến tàu mồ côi vẫn vấp phải rất nhiều chỉ trích. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành vào tháng 10/1854, chở theo 45 đứa trẻ đi từ New York đến Dowagiac, Mich. Trong suốt 4 ngày, các em bị nhồi nhét trên con tàu chật hẹp và chỉ có duy nhất 1 người lớn đi cùng là E.P. Smith, 1 thành viên của Hội hỗ trợ trẻ em.
Trên đường đi, Smith đã giao 2 đứa trẻ đã cho những người đàn ông đi thuyền cũng đang có nhu cầu nhận nuôi con. Tiếp đến, 1 đứa trẻ khác đã được một người ở Albany đưa đi. Tuy nhiên, thông tin về những người nhận nuôi lại khá mập mờ.
Theo lời Smith, những người có nhu cầu nhận nuôi tại Michigan bắt buộc phải có thư giới thiệu của mục sư. Vậy nhưng, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Smith kiểm tra hay xác nhận tất cả giấy tờ của người nhận nuôi.
Đến cuối hành trình đầu tiên, chỉ có 8 trong số 45 đứa trẻ còn lại trên tàu. Sau đó, chúng được đưa lên chuyến tàu khác đi đến một trại trẻ mồ côi ở Iowa. Người điều hành ở đó cũng từng là 1 đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng không có chứng từ nào chứng minh tất cả điều đó là sự thật.
Dù vậy, dự án chuyến tàu mồ côi lại gặt hái được rất nhiều thành công và ngày càng được biết đến rộng rãi.
Mở đường cho những hoạt động nhận nuôi trẻ cơ nhỡ cho tương lai
Trong suốt 75 năm tiếp theo, đã có hơn 200 nghìn đứa trẻ được giúp đỡ rời khỏi New York để đến những vùng đất khác. Ngoài Mỹ, chúng còn đến được Canada và Mexico. Người ngoài nhìn vào có thể thấy đây là một giải pháp tuyệt vời để giảm thiểu dân số vô gia cư ở khu ổ chuột nhưng trải nghiệm của những đứa trẻ trên chuyến tàu định mệnh ấy lại không hề tốt đẹp như vậy.
Điều kiện trên tàu vô cùng khắc nghiệt. Bọn trẻ phải đối diện với sự chật chội, ngột ngạt và nhiệt độ bên trong không được điều chỉnh phù hợp. Chuyến tàu đôi khi chạy xuyên suốt nhiều ngày mà không dừng chân và những đứa trẻ thường xuyên bị bỏ đói, chỉ được ăn đúng 1 bữa trong ngày.
Dù được gọi là chuyến tàu mồ côi nhưng không phải đứa trẻ nào chấp nhận đi lên đây cũng là trẻ mồ côi. Khoảng 25% trong số đó có bố mẹ đang sống ở thành phố New York. Rất nhiều đứa trẻ bị bắt phải rời xa anh em hoặc bạn bè của mình trong quá trình di chuyển trên tàu bởi đôi khi, gia đình tương lai của chúng chỉ mong muốn nhận nuôi 1 đứa trẻ. Họ không quan tâm liệu đứa trẻ minh chọn có đi cùng họ hàng hay bạn bè của chúng hay không.
Chưa dừng lại ở đó, những đứa trẻ còn đối mặt với nguy cơ không được nhận nuôi vào những gia đình tốt đẹp mà bị xem như những chân tay lao động phụ giúp việc đồng áng. Mặc dù tất cả đều là cơ hội cứu vãn cả cuộc đời những đứa trẻ những trải nghiệm thời thơ ấu sẽ trở thành ký ức không thể nào quên được của chúng.
Vào năm 1929, thời kì Đại suy thoái diễn ra đã chấm dứt hoạt động của các chuyến tàu mồ côi. Khi đó, tất cả những gia đình đều rơi vào cảnh khốn khó, kiếm ăn cho mình đã khó chứ đừng nói đến chuyện nhận nuôi.
Dù vẫn tồn tại những tranh cãi xung quanh nhưng không thể phủ nhận chuyến tàu mồ côi đã mở đường cho những hệ thống chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi sau này phát triển. Lấy cảm hứng từ ý tưởng của mục sư Brace, giúp đỡ những đứa trẻ tìm được gia đình mới có thể chăm sóc chúng, chính quyền thành phố New York đã thành lập một tổ chức tương tự chuyến tàu mồ côi nhưng đảm bảo an toàn hơn và nó tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.
(Nguồn: ATI)