Chính sách có hiệu lực từ tháng 6: Ra tù được vay vốn làm ăn, ngành sư phạm ngừng đào tạo hệ trung cấp
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn để học nghề; Sân golf không được tổ chức cá cược, đánh bạc trái phép; Không tuyển sinh trình độ trung cấp, chỉ tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6.
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, từ tháng 6, những chính sách đáng chú ý dưới đây sẽ bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể:
4 tài sản không được kê biên
Những tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.
Theo đó Điều 20 Nghị định này quy định 4 loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, bao gồm:
1. Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
2. Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.
3. Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.
4. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn để học nghề
Nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2020 tới đây.
Nghị định này thay thế Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Điều 11 Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù. Theo đó Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Bên cạnh đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Ngoài các ưu đãi trên, người chấp hành xong án phạt tù còn được giới thiệu việc làm miễn phí. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.
Đây là những chính sách rất thiết thực đối với người chấp hành xong hình phạt tù, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định đời sống.
Sân gôn không được tổ chức cá cược, đánh bạc trái phép
Ngày 15/6/2020 thì Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn cũng có hiệu lực pháp luật. Nghị định này quy định về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, áp dụng đối với nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.
Nghị định này ra đời nhằm đáp ứng xu thế kinh doanh sân gôn phát triển trong thời gian gần đây, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, du lịch, thể thao; đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa hình thức vui chơi, giải trí, phát triển thể lực, sức khỏe cộng đồng. Việc thực hiện Dự án sân gôn không được làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, an sinh xã hội của người bị thu hồi đất để xây dựng sân gôn.
Điều 4 Nghị định này nghiêm cấm những hành vi sau trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn: Xây dựng và kinh doanh sân gôn khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép; Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Đất sử dụng để xây dựng sân gôn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; đáp ứng các điều kiện, thủ tục theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật có liên quan. Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân gôn và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân gôn: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 6; Đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6; Đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; Đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định Điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện Dự án sân gôn đó là phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án sân gôn theo quy định của pháp luật về đất đai; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư; Có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện Dự án sân gôn và người lao động tại địa phương; Tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
Nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh Đại học năm 2020
Cụ thể, quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 22/6/2020. Quy chế này có một số điểm mới so với trước.
Đầu tiên là mở rộng diện tuyển sinh. Về điều kiện dự tuyển, so với năm trước chỉ có thí sinh quốc tịch Việt Nam thì quy chế mới còn có thêm 2 nhóm thí sinh khác cũng được dự tuyển đại học, cao đẳng nếu đáp ứng đủ tiêu chí là thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (sau đây gọi chung là tốt nghiệp THPT) và thí sinh là người nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Từ năm 2020, do Luật giáo dục 2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 do vậy từ năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Về đề án tuyển sinh: Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án; gửi Đề án về Bộ GDĐT ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của trường.
Trong trường hợp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nếu số thí sinh trúng tuyển không đủ điều kiện để tổ chức lớp học thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết, không trái quy định của pháp luật hoặc báo cáo Bộ GDĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Quy chế này cũng quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định việc tuyển sinh không áp dụng một số điều, khoản theo Quy chế này trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh,... và các trường hợp bất khả kháng khác nhưng không được trái quy định của pháp luật. Ngoài ra quy chế này cũng bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực,..).