Chia sẻ chuyện đàn ông Việt tư duy ngoại giao toàn để vợ ở nhà vì "bầu đoàn thê tử chỉ tổ vướng tay chân" khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ
Đây vốn là đề tài cũ nhưng mỗi lần nói ra là lại có khối thứ để bàn.
Chuyện vợ chồng đối nhân xử thế với nhau như thế nào từ trước đến nay vốn vẫn là đề tài nhiều người quan tâm. Ở xứ mình, người ta hay quan niệm phụ nữ là chốn hậu phương cho nên trong khá nhiều dịp quan trọng của cánh đàn ông, phụ nữ thường không có mặt. Điều này đã rất nhiều lần được mang ra bàn luận một cách công khai. Tuy vậy, kết quả đi đến đâu thì chưa ai nói được điều gì.
Mới đây, có một bài viết của chị Chung Thục Quyên có đề cập đến việc so sánh cách đối đãi của các đức ông chồng ở Việt Nam và nước ngoài với vợ khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Status của chị không nhắm đến chuyện cơm nước, con cái mà bàn về thứ vĩ mô hơn, đó là chuyện: Các chị vợ đứng ở đâu trong cuộc sống ngoại giao của các anh chồng?
Nguyên văn bài chia sẻ của chị Quyên như sau:
"Người Việt với vợ của người Việt
Tối hôm qua kênh truyền hình độc quyền của giải đua F1 dành hẳn 5 giây triệu đô để chiếu gương mặt của bạn gái tay đua đội Red Bull đang trong phòng kỹ thuật của đội, bên cạnh người quản lý của anh. Cô gái được ghi tên, tuổi và danh xưng bạn gái của ai một cách rõ ràng. Lưu ý là phòng kỹ thuật không dành cho "người ngoài", trừ khi bạn là thành viên đội đua, nhà tài trợ, phóng viên, ban tổ chức. Vậy bạn gái được xếp vào đối tượng nào? Không rõ, chỉ biết rằng tình yêu dành cho team Red Bull, sự kề vai sát cánh của người bạn gái đã giúp tay đua này về thứ 3 đêm qua.
Cô bạn gái của tay đua F1, team Red Bull trên sóng truyền thông.
Phương Tây có một văn hóa công sở và chính trị rất đẹp, các giới chức, lãnh đạo cho đến những doanh nhân, nhân viên bình thường cũng luôn mang bạn gái, vợ hay gia đình đến những sự quan trọng của công việc, công chúng... ;miễn sao đó không phải là sự kiện nội bộ.
Khi được mời, các bà vợ và bạn gái sẽ rất chú trọng trang phục, cố gắng thuộc tên và làm quen các thành viên từ cấp cao đến nhỏ hơn của chồng. Các sếp Hà Lan và nước ngoài của anh chồng mình cũng rất lịch thiệp, họ ôm và chụp hình chung với Quyên khi biết Quyên có mặt ở những sự kiện công chúng của công ty. Họ hình thành hẳn một nhóm được gọi là "the wives/girlfriend club" (câu lạc bộ vợ và bạn gái). Và Quyên cũng rất ấm lòng khi nghe sếp anh mời "please bring your partner" (em mang theo bạn đời nhé) bởi nó thể hiện sự tinh ý và thấu hiểu của người làm sếp.
Cách tiếp đón văn minh và thân thiện với bạn đời của những người phương Tây là một phép xã giao tối thiểu. Một phần nó thể hiện tính chính thống của các mối quan hệ nam nữ quanh 1 người đàn ông có sự nghiệp, thân thế và vị thế rõ ràng. Một phần khác nó là sự quan tâm, trân trọng với một nửa còn lại khi không ngại, che giấu, bỏ họ ở nhà chỉ để lo chuyện gia đình. Điều này rất quan trọng, nhất là với các chị phải theo chồng làm việc ở một đất nước khác, nhất là các chị theo lối sống bình đẳng và quảng giao, có khả năng thấu hiểu và "phò trợ" chồng trong công việc.
Về phía các công ty và tổ chức lớn, họ rất khôn khéo trong chiến lược đãi ngộ gia đình của các thành viên chủ chốt. Cho nên những ngày "family day", "bring your home to work", "plus one party" (ngày gia đình, mang gia đình đến nơi làm, bữa tiệc thêm một người) luôn gần như tối thiểu cần thiết cho việc xây dựng văn hóa coi trọng gia đình, hạnh phúc cá nhân của của các thành viên trong doanh nghiệp đó. Cách làm đó cũng để tránh tình trạng mất cân bằng giữa family time & work (thời gian dành cho gia đình và công việc) đang diễn ra khá nghiêm trọng, nhất là những môi trường cạnh tranh cao.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ và Pháp luôn sát cánh bên nhau trong nhiều hoạt động.
Còn Việt Nam? Có nhiều khác biệt về quan niệm khá "ngộ nghĩnh" của cánh mày râu trong việc đem hay không đem "người nhà" theo cùng họ đến những sự kiện. Vô lý thì có: "đàn bà đi theo là xui", "chỗ làm ăn, dẫn gái gú theo làm gì", "bầu đoàn thê tử chỉ tổ vướng tay chân"... có lý hơn sẽ là: "không tiện giới thiệu", "hôm nay toàn các sếp tai to mặt lớn", "anh không thể tập trung khi em xuất hiện"… Mang theo vợ hầu như chỉ có những người nổi tiếng, họ thường đi một cặp hoặc nguyên gia đình để tạo nên hiện tượng cộng hưởng thanh thế và sự chú ý của công chúng.
Kết quả: chúng ta dễ dàng nhìn thấy nguyên 1 gia đình nguyên thủ quốc gia ở các chuyến họp hành, công du. Các Đệ nhất phu nhân bên cạnh các tổng thống, công nương bên Hoàng tử. Chính phủ sẽ trả tiền cho chi phí của gia đình trong các chuyến đi trong và ngoài nước nếu phải dùng phi cơ, khách sạn. Năm ngoái, chúng ta còn nhìn thấy chồng của nữ thủ tướng New Zealand bồng con được 3 tháng tuổi đi họp hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Nelson Mandela tại New York và bà thủ tướng ẵm con vào phòng họp, cho con bú ngay giữa hội nghị. Gia đình được tôn trọng, bảo vệ, được hiểu và hòa mình để góp phần bình đẳng hơn trong việc xây dựng và tham gia vào các lĩnh vực chính trị - kinh tế của người phối ngẫu. Chí ít là thời gian cho gia đình nay sẽ được đa dạng hóa thêm 1 hạng mục: Cùng chồng tham dự sự kiện giao tế.
Còn Việt Nam? Hiếm lắm các dịp mới thấy gia quyến của lãnh đạo cấp cao đi cùng trong các sự kiện ngoại giao, còn lại thì khá ít. Mọi người thường biết các đại gia đang cặp kè với ai, dẫn ai đi du lịch Châu Âu khi các vụ scandal bị phanh phui nhiều hơn là biết mặt người phụ nữ trong gia đình của họ. Cầu thủ nào thường mời vợ, bạn gái xem thi đấu trực tiếp?
Vợ chồng và em bé của nữ Thủ tướng New Zealand trong phòng họp Liện Hợp Quốc.
Các anh chỉ rất tích cực giới thiệu vợ trong những dịp… dẫn bạn bè đồng nghiệp về nhà ăn nhậu cho bà xã nai lưng ra trổ tài. Hoặc khi không có thể là dịp họ ra mắt thêm 1 em hot girl trong bộ sưu tập tình ái đầy chiến tích cùng các chiến hữu tại các quán nhậu. Mặt khác, các chị cũng chưa quen và rất ngại giao tế trong thế giới của chồng.
Kết quả: gia đình và công việc luôn là 2 thế giới tách biệt ở chính trường và thương trường Việt Nam. Vợ thì rình rập nửa tin nửa ngờ những chuyến công tác, tiệc khuya của chồng. Chồng thì lúng túng vì có khi cũng muốn được giới thiệu nửa kia của mình, nhưng văn hóa cả công ty chẳng ai mang vợ theo, mình không muốn mang danh "sợ cọp", "ngóc đầu lên không nổi", sợ sự im bặt mất vui của đám bạn khi "con sư tử cái" xuất hiện, sợ cả sự bơ vơ ngơ ngác của "chị nhà" trước dàn hot girl công sở trẻ đẹp nhiệt tình phơi phới của chồng, sợ bể chồng chén đĩa sau sự kiện... đâm ra thật buồn cười. Các anh càng làm lớn thì càng sợ mất cơ hội "kiếm thêm", "sơ múi" ở chốn phồn hoa mà tài năng và phong độ của các anh đang độ rực rỡ, rượu bia thì đang rần rần trong người".
Chị Mai Thục Quyên đã có những trải lòng về suy nghĩ của bản thân mình với mọi người.
Dưới bài viết của chị Quyên, rất nhiều chị em phụ nữ cũng đã bày tỏ sự đồng tình của mình, một số khác thì cho rằng có thể do khác biệt về văn hóa cho nên mới dẫn đến tình trạng này. Phương Tây khác hẳn với phương Đông nên mọi sự so sánh đôi khi cũng dễ bị khập khiễng.
Tuy vậy, ở một góc nhìn nào đó thì thời đại bây giờ là thế giới phẳng, việc du nhập văn hóa không còn là chuyện gì quá to tát. Và chúng ta, những người của thế hệ mới, nếu học tập người nước ngoài được những điểm tốt, điểm văn minh thì cứ việc học thôi để cuộc sống của mình được phong phú và cởi mở hơn hẳn những thế hệ trước đó thì cũng tốt mà.