Viên Tề Quy - vị hoàng hậu dùng tiền thử lòng đế vương và "câm lặng đến chết" để đưa kẻ bạc tình cùng tình địch xuống cửu tuyền
Sự câm lặng này có sức tàn phá lòng người ghê gớm. Thậm chí, còn đẩy tất cả những nhân vật chính trong câu chuyện ghen tuông có 1-0-2 trong lịch sử Trung Hoa phong kiến này rơi vào vòng xoáy bi kịch thê lương.
Có lẽ chúng ta đã quá quen với các màn tranh sủng chốn Hậu cung Trung Hoa xưa với nhiều tình tiết cực kỳ gay cấn được điện ảnh ngày nay tái dựng lại. Ấy thế mà, giữa muôn vàn những trò tranh giành hậu ái nhuốm màu tăm tối, hiểm ác đó, sử sách có chép lại một câu chuyện ghen tuông rất văn minh của một vị Hoàng hậu dưới thời Nam – Bắc Triều: không cay nghiệt, không máu me, chỉ là một nỗi câm lặng u uất.
Và tất nhiên, sự câm lặng này có sức tàn phá lòng người ghê gớm. Thậm chí, còn đẩy tất cả những nhân vật chính trong câu chuyện ghen tuông có 1-0-2 trong lịch sử Trung Hoa phong kiến này rơi vào vòng xoáy bi kịch thê lương.
(Ảnh minh họa)
Tiểu thư khuê các hiền lành trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ
Vị Hoàng hậu được đề cập không ai khác, chính là Viên Hoàng hậu, vợ của Lưu Tông Văn Đế. Theo những thông tin hiếm hoi về lai lịch của bà mà sử sách ngày nay còn lưu lại, được biết, Viên Hoàng Hậu có tên thật là Viên Tề Quy, sinh ra trong một gia đình quan lại có tiếng dưới thời Nam Bắc Triều. Cha bà và Hoàng đế lúc bấy giờ là hai người bạn chí cốt.
Từ nhỏ, Viên Tề Quy được sống trong cảnh lầu son gác tía, giữ cho riêng mình một cốt cách rất nhu mì, hiền thục. Khi ngấp nghé tuổi thiếu nữ, bà được cha hứa hôn với Hoàng tử Lưu Nghĩa Long. Một thời gian ngắn sau đó, bà xuất giá, đường đường chính chính trở thành Thái tử phi.
(Ảnh minh họa)
Khoảng thời gian tuổi thơ của bà cho đến khi trở thành vợ của Hoàng tử có thể nói là êm đềm, hoàn toàn không có biến cố gì. Thậm chí, khi trở thành vợ của Hoàng tử bằng cuộc liên hôn đã định từ sớm của các bậc tiền bối, Viên Tề Quy và chồng Lưu Nghĩa Long cũng chung sống với nhau rất hạnh phúc.
Đến năm 422, cha của Lưu Nghĩa Long, tức là Hoàng đế lúc bấy giờ bỗng băng hà. Anh trai Lưu Nghĩa Long kế vị đăng cơ, trở thành tân Đế. Đáng tiếc, do không đảm đương nổi trọng trách của một bậc cửu ngũ chí tôn, anh trai Lưu Nghĩa Long ngồi trên ngai vàng 2 năm đã bị các quan đại thần phế truất.
(Ảnh minh họa)
Năm 424, Lưu Nghĩa Long thay anh trai mình trở thành Hoàng đế. Lúc này, nghiễm nhiên Thái tử phi Viên thị trở thành Hoàng hậu, ngồi vào vị trí mẫu nghi thiên hạ mà bất kỳ nữ nhân cùng thời nào cũng mơ mộng. Sau khi trở thành Hoàng hậu, Viên Tề Quy sinh được cho chồng 2 người con, một trai, một gái, cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn trong sự an lành, hạnh phúc.
Tình địch, lòng dạ Đế Vương và 30 vạn lượng bạc thử lòng chua chát
Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc không bao lâu, thì sóng gió bắt đầu, đẩy Viên Hoàng hậu hiền lành nhu mì thuở nào trở thành một người đàn bà phẫn uất. Chồng bà Hoàng đế, tất nhiên khó tránh khỏi tam cung lục viện xuất hiện những gương mặt tươi trẻ hơn, đẹp đẽ hơn. Và trong số những nữ tử nhập cung trở thành phi tần ấy, có một dung mạo nổi bậc nhất đó chính là Phan Thục phi - tình địch của Viên Hoàng hậu.
(Ảnh minh họa)
Phan Thục phi không chỉ là một người xinh đẹp, mà nàng lại biết cách ăn nói. Chính vì thế, Hoàng đế Lưu Nghĩa Long rất mực sủng ái nàng, cho nàng rất nhiều hậu đãi mà những phi tần khác không có được. Trái khuấy ở chỗ, trước mặt Hoàng đế, Thục phi luôn tỏ ra là một am hiểu đạo lý, biết kính trên nhường dưới; trong khi sau lưng, ả ta lại là một người có lòng dạ hiểm độc, cao ngạo vì mình được ân sủng.
Tất nhiên, với bản tính thật như vậy, nên Viên Hoàng hậu chính là cái gai trong mắt của ả. Thế là, bằng chiếc lưỡi ngoa ngoắt của mình, hết lần này đến lần khác, Phan Thục phi đều tìm cách chọc tức Hoàng hậu bằng nhiều lời lẽ không hay. Một lần, trước mặt Viên Hoàng hậu, Phan Thục phi khoe rằng, một khi ả cần tiền thì Hoàng đế sẽ không bao giờ từ chối, dù số tiền cô ta muốn là bao nhiêu.
(Ảnh minh họa)
Hoàng hậu nghe xong vô cùng tức giận. Bởi bà biết chồng Lưu Nghĩa Long của mình là người rất tiết kiệm, mỗi lần ban cho Hoàng hậu chỉ được khoảng vài ba vạn đồng là nhiều thì hà cớ gì lại có thể tặng cho một Thục phi số lượng tiền bất kể số lượng kia. Để chứng minh chồng mình không phải là một người như thế, bà liền bày kế thử lòng.
Hoàng hậu mượn danh của Phan Thục phi ngỏ ý đòi Hoàng đế cho 30 vạn đồng, số tiền phải nói là gấp 10 lần Lưu Nghĩa Long hay ban cho Hoàng hậu. Ngờ đâu, chẳng mấy chốc sau đó Lưu Nghĩa Long đã đưa ngay đến 30 vạn đồng không thiếu một xu nào. Viên Hoàng hậu nhìn số tiền mà thẫn thờ, uất nghẹn không nói nên lời…
(Ảnh minh họa)
Màn ghen tuông kỳ lạ: Hoàng hậu câm lặng đến cuối đời
Vì quá tức giận, lại buồn lòng về Lưu Nghĩa Long - người chồng bao năm mình yêu thương, tin tưởng, Viên Hoàng hậu đã trả thù bằng cách cho người báo với Hoàng đế rằng mình bị bệnh, tránh gặp mặt và tiếp xúc với ai. Hoàng đế đến thăm, Hoàng hậu đóng cửa; Hoàng đế cho gọi, Hoàng hậu trốn tránh; Hoàng đế xuất hiện ở đâu, Hoàng hậu liền bãi giá đi chỗ khác.
Tuy nhiên, sự câm lặng có sức tàn phá rất khủng khiếp mà một khi được chôn giấu trong lòng thì độ hủy hoại còn ghê gớm hơn. Chính vì thế, sau bao năm không thèm nói chuyện với chồng, cứ giữ nỗi buồn cho riêng mình, Viên Hoàng hậu đã lâm bệnh nặng và qua đời khi chỉ mới 36 tuổi.
(Ảnh minh họa)
Trước lúc lâm chung, Hoàng đế Lưu Nghĩa Long có đến thăm vợ mình lần cuối. Ông hỏi bà, tại sao bao năm qua bà tránh ông, tại sao bà không nói lời nào với ông. Cứ tưởng, đến thời khắc cuối cùng của một đời người này, Hoàng hậu sẽ trút hết nỗi lòng của mình bằng những lời trách móc, xong sẽ thanh thản ra đi. Nào ngờ, Viên Hoàng hậu tiếp tục im lặng, chỉ rót đầy căm hờn vào ánh mắt nhìn chồng. Xong kéo chăn che kín mặt, rồi đi.
Khi bà đi, Hoàng đế Lưu Nghĩa Long cứ day dứt mãi. Đáng tiếc cái day dứt muộn màng này của ông đã không làm cho nỗi phẫn nộ, giận dữ tột cùng của Lưu Thiệu - Hoàng trưởng tử của Lưu Nghĩa Long và Viên Hoàng hậu nguôi đi bớt. Chứng kiến cái chết đầy bi thương của mẹ, không lâu sau đó, Lưu Thiệu đã tạo phản giết cha, giết cả Phan Thục phi.
(Ảnh minh họa)
Vậy là cả 3 người trong vòng xoáy ghen tuông có 1-0-2 trong lịch sử Trung Hoa phong kiến này đã phải trả một cái giá quá đắt.
(Nguồn: Sina, Qulishi)