Chàng sinh viên khiếm thị của hai trường đại học

Hà Lê - Hoàng Đan - Nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Đau mắt đỏ thường xuyên, mắt yếu dần đến năm 17 tuổi thì mù hẳn, nhưng Trần Thế Đạt đã vượt qua tất cả, để giờ đây trở thành sinh viên của cùng lúc hai trường đại học.

Khi “cửa sổ tâm hồn” mất đi

Sinh năm 1989, tại xóm 1, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cậu bé Trần Thế Đạt có một tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, do từ nhỏ Đạt thường xuyên mắc phải bệnh đau mắt đỏ và dùng các loại thuốc không đúng khiến cho mắt của Đạt dần yếu đi. Và khi mới vào học kì 1 của năm lớp 11, đôi mắt cậu học trò này có biểu hiện kém đi rõ rệt.

Chàng sinh viên khiếm thị Trần Thế Đạt.

Sau kỳ thi của học kỳ 1 lớp 11, dù được gia đình và các bác sỹ cố hết sức chạy chữa nhưng do quá muộn nên đôi mắt Đạt đã không còn thấy được ánh sáng. “Tai họa” bất ngờ ập đến đã khiến Đạt từ một cậu học trò hồn nhiên, tươi vui ngày nào trở nên lạnh lùng, ít nói. Không thể tiếp tục đi học được nữa, cộng thêm sự tự ti về bản thân, bệnh tật đã khiến chàng thanh niên này tự nhốt mình trong nhà suốt 3 năm ròng.

“Thật sự lúc ấy thì mình rất mặc cảm, ở nhà thì toàn chui vào trong buồng ngồi, không muốn ra ngoài, Nếu như trước đây còn bình thường thì mình rất muốn mọi người vào chơi, nhưng sau khi bị mắt thì mình cũng không muốn mọi người vào thăm, kể cả hàng xóm, bạn bè cùng trang lứa, cùng lớp”, giọng Đạt chùng xuống khi kể về quãng thời gian khó khăn nhất của đời mình.

Cuộc đời tưởng chừng như đã có đoạn kết với cậu thanh niên này, nhưng  rồi chính nhờ sự động viên của bố mẹ, người thân trong suốt 3 năm ròng đã giúp cho Đạt dần nguôi ngoai. Mắt kém nhưng với sự giúp đỡ của bố mẹ, Đạt đã quyết tâm tự mình tìm cách nấu được cơm, nhặt rau và làm các việc vặt trong gia đình.

Đạt và người chị gái trong một lần đi chơi.

Năm 2009, sau biết bao công lao của mẹ trong việc tìm hiểu về lớp học từ các cô. chú khiếm thị trong xã, cộng với quyết tâm trở lại lớp học, Đạt đã xin theo học lại lớp 11 tại trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cũng năm đó, Đạt xin tham gia và trở thành hội viên của Hội người mù huyện Thanh Trì. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Ngô Thị Chuyên – Phó chủ tịch hội, Đạt đã bắt đầu học những con chữ nổi Braille đầu tiên và sau đó là học vi tính. Việc học với người bình thường đã khó nhưng với người khiếm thị như Đạt lại còn khó khăn gấp bội lần.

“Con chữ chính là những dấu chấm nổi, cây bút là chiếc dùi nhỏ để tạo nên những dấu chấm nổi trên mặt giấy nhưng với một người mới quay trở lại học như mình thì việc cảm nhận các dấu chấm tương ứng với các chữ cái lúc đó thực sự là rất hết khó khăn”, Đạt tâm sự.


Mắt dẫu mất nhưng không mờ ý chí

Vượt qua những khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như có thể quật ngã bản thân mình nhưng Đạt vẫn kiên trì theo đuổi hoài bão học tập của mình. Nhà cách xa trường học hơn chục cây số, bố mẹ lại phải đi làm vất vả nên Đạt đã sớm tự rèn luyện cho mình ý thức tự lập. Cái cảnh một cậu học trò khiếm thị ngày ngày đứng chờ xe buýt tại khu vực Thanh Trì để đến trường học đã quá quen với nhiều người qua lại đây.

“Nhiều khi đứng một mình giữa điểm xe buýt không có ai, trong khi đó lại có rất nhiều xe chạy qua nhưng mình không lên được vì không biết chính xác xe số bao nhiêu, có đúng tuyến của mình hay không. Thậm chí có xe còn không cho người khiếm thị lên xe. Nhưng cũng có một số người tốt bụng nhường chỗ, chỉ điểm xuống cho mình”, Đạt chia sẻ.

Năm 2011 sau khi tốt nghiệp THPT, cùng với sự cổ vũ của bạn bè, người thân và sự nỗ lực của bản thân, Đạt đã quyết tâm thi và và đỗ vào học hệ đại học tại chức của hai chuyên ngành tiếng Anh của Đại học (ĐH) Hà Nội và Quản trị kinh doanh của Viện đại học Mở Hà Nội.

Với người sáng mắt, việc học cùng lúc hai trường đại học dù là hệ tại chức cũng rất vất vả thì với những người khiếm thị như Đạt lại càng vất vả hơn.“Thực sự khi mới bước vào giảng đường rất đông người nhưng chỉ có một mình mình khiếm thị, nhiều người không để ý, quan tâm hay thậm chí có người còn trêu chọc mình, nói những câu không hay. Nhưng rồi mọi thứ cũng dần trở nên quen thuộc. Giờ mình đã bắt đầu hòa nhịp với  trường, lớp học được rồi”, Đạt bảo.  

Giờ đây, nụ cười luôn hiện trên khuôn mặt của chàng sinh viên khiếm thị Trần Thế Đạt.

Giờ đây, các buổi sáng trong tuần Đạt lại thực hiện một hành trình mới tới học tại trường ĐH Hà Nội. Còn ngày thứ 7 và chủ nhật học là một hành trình tới Viện ĐH Mở Hà Nội. Giờ đây hành trình đi lại bằng xe buýt của Đạt đã kéo dài hơn. Nhưng theo chàng sinh viên này, đó không phải là khó khăn nhất lớn của cậu hiện tại mà giờ đây chính khối lượng kiến thức lớn trong khi các tài liệu hiện rất hạn chế với người khiếm thị. Dù có khó khăn nhưng với sự khích lệ, động viên, giúp đỡ của mọi người nên Đạt chưa bao giờ có suy nghĩ tới việc bỏ hoặc từ bỏ một trong hai ngành học mà mình đang theo đuổi dưới mái trường ĐH ước mơ.

“Giảng đường đại học là ước mơ của mình và giờ mình đã thực hiện được. Khó khăn dù có lớn đến đâu nhưng với quyết tâm, niềm tin, sự ủng hộ của mọi người thì chắc chắn mình sẽ cố gắng vượt qua và thành công”, Đạt nói.

Không những vậy, dù mắt kém trong thời gian qua Đạt còn tham gia làm cộng tác viên của tổ chức từ thiện của Úc tại Việt Nam nhằm giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khác.

Giờ đây, khi đang bước tiếp trên con đường chinh phục những đỉnh cao tri thức và đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn khác, Đạt luôn nhớ tới động lực đã nâng đỡ mình dậy và đưa mình tiến lên trong chính một câu của bài hát Tâm hồn sáng mãi (bài hát truyền thống của Hội người khiếm thị Việt Nam - PV): “Mắt dẫu mất nhưng không mờ ý chí”. Và đó cũng được coi là triết lý sống, phấn đấu của chàng sinh viên khiếm thị này.

Chia sẻ