Chẳng biết để làm gì lại hay gây đau đớn nhưng không phải răng khôn nào cũng cần nhổ bỏ

Imacho,
Chia sẻ

Đây là cái răng gây nhiều tranh cãi bởi chức năng mịt mờ nhưng đem lại không ít phiền toái cho con người.

Răng khôn (răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3) là răng mọc cuối cùng. Mỗi người thường có 4 răng khôn ở 4 phần hàm. Sở dĩ gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi đã trưởng thành, con người đã khôn lớn và biết nhận thức. Thông thường, răng khôn mọc trong giai đoạn 15-25 tuổi, một số ít người sau 30 tuổi khi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển, xương trở nên cứng đặc hơn.

Đây là cáu răng gây nhiều tranh cãi bởi chức năng của nó không rõ ràng nhưng chứa đựng nhiều phiền toái ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của con người. Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nên loại bỏ răng khôn bởi một số trường hợp, sự tồn tại của chúng không hề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, thậm chí lại còn giúp ích cho quá trình nghiền nhuyễn thức ăn.

Khi nào nên để lại răng khôn?

- Không phải tất cả răng khôn cần phải nhổ. Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng có thể được giữ lại. Trong trường hợp đó, chúng ta nên dùng chỉ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.

- Răng khôn dễ dàng được vệ sinh, không bị mắc thức ăn dẫn đến đau nhức, nung mủ.

- Bệnh nhân có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu…

- Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện.

Vậy khi nào chúng ta nên nhổ bỏ răng khôn?

- Xương hàm không đủ chỗ dẫn đến răng khôn có xu hướng tự tìm con đường khác để mọc vì vậy nó thường hay mọc lệch hoặc mọc ngầm gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.

- Răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, tương lai sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.

- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.

- Hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.

- Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.

- Nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.

Chẳng biết để làm gì lại hay gây đau đớn nhưng không phải răng khôn nào cũng cần nhổ bỏ - Ảnh 1.

(Ảnh: Brightside)

Việc nhổ bỏ răng khôn không hề nguy hiểm nếu chúng ta đi khám và chụp X-quang theo dõi xương hàm thường xuyên. Khi đó, bạn có thể nắm được tình hình phát triển của răng khôn và đưa ra hướng giải quyết nó. Trong trường hợp phải nhổ bỏ, các bác sĩ đưa ra lời khuyên nên thực hiện càng sớm càng tốt bởi sau 25 tuổi, tất cả các mô xương được hình thành, dẫn đến khó loại bỏ răng khôn và thời gian mô lành cũng kéo dài hơn.

(Nguồn: Brightside)

Chia sẻ