Cần tiêm ngừa thế nào trước khi mang thai?

,
Chia sẻ

Các bác sĩ sản khoa khuyên chị em phụ nữ nên tiêm ngừa trước khi mang thai để đảm bảo bé sinh ra an toàn, khỏe mạnh.

 

Tuy nhiên, những phụ nữ không tiêm ngừa cũng không nên quá lo lắng, gây ảnh hưởng bất lợi tới thai nhi.

Tiêm ngừa tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Chị T.T.Vân (Q.3, TP.HCM) lấy chồng được hai tháng. Nghe bạn bè tư vấn, chị đến Viện Pasteur tiêm ngừa trước khi có thai. Sau khi yêu cầu chị làm xét nghiệm máu kiểm tra virut siêu vi B, virut rubella, bác sĩ tại đây cho chị tiêm ngừa cúm, thủy đậu và rubella, dặn một tháng sau là có thể có thai. Tuy nhiên gặp lại bạn thân, cô ấy bảo bác sĩ sản khoa khuyên tốt nhất sau sáu tháng hãy có thai.

Nỗi lo mang tên... tiêm ngừa

Giật mình, chị lên mạng tìm hiểu và phát hoảng trước những thông tin tư vấn không giống nhau của các bác sĩ: người nói ba tháng, người bảo sáu tháng.
 
Một trường hợp khác cho biết sau khi tiêm ngừa rubella vài ngày, chị phát hiện mình mang thai. Đi khám tư, bác sĩ khuyên bỏ thai. Chị làm theo, nhưng sau đó lo lắng không biết mình có thể mang thai nữa không do chị đã lớn tuổi.
 
Không như hai trường hợp trên, Ngọc Anh (Q.12, TP.HCM) kể: một mặt do chồng hối thúc, một mặt do “lời phán” của mẹ và chị gái “tao có tiêm gì đâu mà vẫn đẻ con khỏe re”, chị không đi tiêm ngừa. Tuy nhiên sau khi mang thai, qua bạn bè và mạng Internet, chị được biết nếu mắc bệnh rubella trong thời gian mang thai sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, trong khi bệnh rubella ngày càng phổ biến và không có cách nào hữu hiệu để “né”. Lo lắng, chị không dám tới chỗ có đám đông, luôn đeo khẩu trang y tế khi đi ra ngoài.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), tiêm ngừa trước khi mang thai giúp phòng ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng trên thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu... Nếu mắc những bệnh này trong thời gian mang thai, người mẹ dễ có nguy cơ sẩy thai, thai lưu, thai suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh.

Đặc biệt, nếu nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, khả năng 90% thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh gồm các dị tật bẩm sinh như: đục thủy tinh thể, điếc, các vấn đề liên quan đến tim mạch, gan lách to, viêm màng não..., trong đó điếc bẩm sinh không thể chẩn đoán được trước khi sinh. Nếu người mẹ nhiễm rubella ở khoảng tuần lễ 16 của thai kỳ thì xác suất ảnh hưởng lên thai nhi giảm còn 20%, nếu nhiễm sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì yên tâm vì rất hiếm gặp dị tật trong giai đoạn này.

Chuẩn bị tốt, mẹ con đều an toàn

Sau khi chích ngừa bao lâu thì được có thai? ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa (giảng viên bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM) cho biết một tháng sau khi chích ngừa đã có thể mang thai. Riêng với rubella, lúc đầu các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đợi ba tháng sau khi chích ngừa, tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có thể mang thai an toàn sau khi chích ngừa một tháng.

Đối với viêm gan siêu vi B (gồm ba mũi tiêm), hiệu quả bảo vệ tối đa là ba tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Tuy nhiên, nếu có thai trong thời gian đang chích ngừa cũng không ảnh hưởng gì, người mẹ có thể chích tiếp hoặc đợi sau khi sinh tiêm mũi nhắc lại.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, về lý thuyết, nguy cơ gây dị tật cho thai nhi sau tiêm ngừa là 1,6%, tuy nhiên thực tế vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về dị tật bẩm sinh do thuốc tiêm ngừa gây ra. Vì vậy những trường hợp phát hiện có thai ít lâu sau khi tiêm ngừa vẫn không được khuyên bỏ thai do có nguy cơ bị nhiễm trùng lòng tử cung, thủng tử cung, băng huyết, vô kinh do dính buồng tử cung... Riêng trường hợp tiêm ngừa rubella, cần đến bệnh viện gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nên giữ hay bỏ thai.

Đối với những người đã mang thai mà chưa tiêm ngừa, TS.BS Lê Thị Thu Hà khuyên đừng nên lo lắng, vì lo lắng cũng ảnh hưởng đến thai kỳ. Điều quan trọng là cần giữ vệ sinh cơ thể tốt, tránh nơi đông người, tránh vào vùng đang có dịch bệnh, ăn uống bồi dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các chất có vitamin C, uống nhiều nước...

Còn bác sĩ Phạm Thị Hải Châu (Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) lưu ý chị em tránh lao lực mệt nhọc, tránh để bị nhiễm lạnh, nên mang khẩu trang trong khi tiếp xúc với những người nghi ngờ hoặc đang mắc các bệnh nhiễm siêu vi, khử trùng mũi họng với nước muối sinh lý...

“Tốt nhất chị em phụ nữ nên có sự chuẩn bị ít nhất ba tháng trước khi mang thai, gồm cả kiến thức - tâm lý, dinh dưỡng, đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn chích ngừa và uống axit folic để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi” - ThS.BS Nguyễn Hồng Hoa khuyên.
 
Theo Tuổi trẻ
 
Chia sẻ