Cẩn thận với những tai nạn "chỉ có ở Việt Nam"

,
Chia sẻ

Do lứa tuổi các em chưa ý thức được sự nguy hiểm đối với bản thân nên những kỹ năng bảo vệ từ phía bố mẹ và người lớn là rất quan trọng.

Tai nạn chỉ ở Việt Nam mới có

Theo Bác sĩ Lê Xuân Ngọc, các trường hợp dẫn đến tai nạn của trẻ em Việt Nam cũng tương tự như trẻ em thế giới. Nhưng có những ca bệnh mà hầu như chỉ ở Việt Nam mới có.

Đó là các trường hợp trẻ nhỏ bị súc vật cắn. Bác sĩ Ngọc từng điều trị cho một cháu bé ở Thái Bình đã bị lợn cắn nát bộ phận sinh dục.

Nguy cơ trẻ bị chó cắn cũng rất lớn khi ở Việt Nam, chó vẫn được thả rông và không hề có giọ mõm cũng như sự nguy hiểm nếu như chó mắc bệnh dại.

 
Một nạn nhân trẻ em nằm điều trị bỏng (Nguồn ảnh internet)

Còn rất nhiều trường hợp dẫn đến những tai nạn cho trẻ. Điển hình là các trường hợp ngộ độc thuốc do cha mẹ tự mua thuốc về điều trị tại nhà cho con.

Bác sĩ Ngọc khuyên các bậc cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con mình vì cơ thể của trẻ nhỏ khác với người lớn, trẻ rất nhạy cảm với các loại thuốc.

Thêm nữa, tốt nhất cha mẹ nên cất các lọ thuốc, hóa chất ở vị trí trẻ không thể với tới vì với tính tò mò của mình trẻ cũng có thể tự làm mình bị ngộ độc.

Các mối đe dọa luôn ở xung quanh rình rập trẻ em. Chính vì vậy các vị phụ huynh cần phải chủ động tìm hiểu các kĩ năng sơ cứu cho trẻ và tốt nhất là phải luôn canh chừng, không để trẻ ở một mình.

Cẩn trọng với những chấn thương cột sống của trẻ

Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng điều trị ca bệnh cháu bé bị ngã từ tầng 9 một tòa nhà chung cư xuống tầng 1, nhưng may mắn là do ở dưới có mái tôn nên cháu bé không bị tử vong.
 
Bác sĩ Lê Xuân Ngọc, Phó khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tai nạn xảy ra là điều không bậc phụ huynh nào mong muốn, tuy nhiên chỉ cần một vài phút lơ là không để ý đến trẻ đều có thể gây ra những hậu quả khó lường".
 
Tại gia đình, trẻ có thể ngã từ trên giường xuống đất, ngã cầu thang, đặc biệt có trường hợp trẻ đã bị chấn thương sọ não vì bị ngã khi chiếc xe tập đi bị lao xuống cầu thang.
 
Vì trẻ nhỏ, xương còn non nên rất dễ gây ra những chấn thương cột sống, đặc biệt là đốt sống cổ. Loại chấn thương này sẽ gây ra những thương tích nghiêm trọng cho trẻ. Khi trẻ bị ngã thì cha mẹ không nên nâng, bế, sốc các em dậy một cách đột ngột.
 
Tốt nhất là để trẻ nằm trên nền cứng và nếu có va chạm mạnh thì nên đeo nẹp cổ cho trẻ. Nếu trẻ bị gẫy tay, gẫy chân thì nên tìm cách cố định chỗ gẫy.
 
Cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra vì có những thương tích không biểu hiện ra bên ngoài, nhưng lại rất nguy hiểm.
 
Không nên lột quần áo khi trẻ bị bỏng
 
Đa số các trường hợp bỏng gặp ở trẻ nhỏ là bỏng nước sôi. Có trường hợp do người mẹ không để ý, để con chơi một mình, đến một lúc nào đó hốt hoảng thấy con kêu la giãy giụa vì nước sôi.
 
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, người lớn không nên bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Nếu vêt bỏng nhỏ cần phải làm hạ nhiệt độ bằng cách chườm đá hoặc nhúng chỗ bỏng vào nước lạnh.
 
Tuyệt đối không cởi quần áo của trẻ khi trẻ bị bỏng vì nó có thể làm lột da và làm nghiêm trọng thêm vết bỏng. Tốt nhất là dùng kéo cắt quần áo và đưa trẻ đến bệnh viện.
 
Hóc dị vật, nguy hiểm khôn lường
 
Các bé có thể bị hóc tiền xu, đồ chơi, vật nhọn, hoặc khó ngờ tới nhất là hóc vỏ hạt dưa, hạt bí. Có trường hợp cha mẹ thấy con khó thở, đưa đi bệnh viện kiểm tra mới biết có rất nhiều vỏ hạt dưa, hạt bí trong phổi của bé.
 
Khi trẻ bị hóc sâu, các bậc cha mẹ không nên cho tay vào họng để cố móc dị vật ra. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ có nhiều khả năng sẽ đẩy dị vật vào sâu thêm bên trong. Nếu bé nói được, khóc được, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra.
 
Nếu bé khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, thực hiện ngay thao tác đặt cháu nằm với tư thế đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng bé tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với bé lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng bé, ép bụng con lại, dị vật vọt ra dễ dàng, sau đó đưa con đến bệnh viện gần nhất.
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ