"Bỏ túi" 4 bí quyết giúp cải thiện trí nhớ, duy trì tư duy thông minh bất chấp tuổi tác
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao bản thân lại nhanh quên đến vậy? Khi tuổi tác ngày càng cao thì lãng quên tạm thời càng xảy ra thường xuyên hơn.
Tiến sĩ Grant Shields trong lúc đang giảng dạy tại hội thảo cho 24 sinh viên đã gặp một tình huống đáng buồn. Ông ấy đã quên mất tên trợ giảng của mình.
“Tôi cảm thấy xấu hổ! Tôi dường như còn nghe thấy tiếng cười của các bạn sinh viên khi mình nói sai tên. Ước gì trí nhớ của tôi vẫn tốt như xưa”, tiến sĩ Grant Shields chia sẻ.
Các chuyên gia về trí nhớ con người cho biết, những khoảnh khắc lãng quên tạm thời ngày càng xảy ra nhiều hơn. Đột nhiên, bạn có thể cảm thấy khó khăn để nhớ lại những điều đơn giản như tên của bạn bè, đồng nghiệp mà một thời gian không gặp hay những sự việc xảy ra trong quá khứ.
Sara C. Mednick, một nhà khoa học thần kinh, giáo sư khoa học nhận thức tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Bộ não của con người giống như máy tính với rất nhiều chương trình chạy đồng thời. Điều này làm giảm hiệu suất xử lý thông tin của não bộ”.
Tiến sĩ Grant Shields sau khi nghiên cứu đã khẳng định, những người thường xuyên gặp phải căng thẳng trong cuộc sống sẽ bị suy giảm trí nhớ nhiều hơn. Căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và giấc ngủ, đồng thời giảm hiệu quả của não bộ.
Tình huống sẽ xấu hơn nếu như sự căng thẳng kéo dài. Điều này làm tổn thương não bộ, gây ra nhiều vấn đề hơn cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
Đại dịch cũng có thể là nguyên nhân khiến trí nhớ con người giảm sút. Làm thế nào mà mỗi ngày, chúng ta đều có thể tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn với những sự kiện hoàn toàn khác nhau.
Michelle Triant, 39 tuổi, đổ lỗi cho 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid khi không thể nhớ nổi tên bộ phận cơ thể mình. Đứa con gái 4 tuổi đã hỏi cô rằng, làm thế nào mà em bé có thể ở trong bụng mẹ?
Triant cảm thấy đây là thời điểm để giải thích cho con gái hiểu nhưng không thể nhớ được từ cần nói ở đây là “tử cung”. Trong khoảnh khắc đó, cô ấy không nhớ được chính xác tên gọi của nó là gì.
Trí nhớ giảm dần theo tuổi tác nhưng không có một nghiên cứu chính xác khẳng định đến độ tuổi nào nó sẽ suy giảm. Mỗi người sẽ có sự già đi về mặt nhận thức với tốc độ khác nhau.
Tiến sĩ Reagh cho biết rằng, một số nghiên cứu chỉ ra khả năng tốt nhất để ghi nhớ là ở độ tuổi 20 và sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác cho rằng trí nhớ sẽ giảm mạnh nhất vào khoảng 60 tuổi.
Dưới đây là 4 lời khuyên của chuyên gia giúp bạn cải thiện trí nhớ:
1. Đừng gây sức ép cho bộ nhớ
Buộc bản thân nhớ lại đôi khi gây nhiều tác hại cho não bộ.
Jennifer Kilkus, một nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng và trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trường Y Yale cho biết: Nếu như ép buộc bản thân quá mức, điều bạn nhận lại chỉ là sự thất vọng. Hãy sống chậm, hít thở sâu và thử lại sau khi đã bình tĩnh.
2. Đừng nhớ nhiều thứ một lúc
Sẽ rất khó khăn nếu như phải ghi nhớ mọi thứ rõ ràng khi bạn đang làm 2 việc cùng một lúc. Đôi khi hãy thử cất điện thoại đi để có không gian thoải mái và tránh quá tải thông tin. Hãy thử làm mọi việc từng chút một và tập trung nhất có thể.
3. Giúp bộ não bình tĩnh trở lại
Não bộ chính là chìa khóa để lưu giữ bất cứ điều gì bạn cần. Việc khiến cho não bộ thả lỏng và cân bằng giúp cho việc mã hóa và tìm kiếm thông tin diễn ra nhanh hơn.
Tác giả cuốn sách “The Power of the Downstate” – tiến sĩ Mednick đưa ra một vài hành động bạn nên làm. Theo đó, tập thiền, tập yoga hàng ngày hoặc chỉ đơn giản là hít thở sâu ít nhất 10 phút mỗi ngày cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho não bộ.
Đi bộ cũng là một trong những hoạt động giúp cải thiện hiệu suất ghi nhớ. Bên cạnh đó, nói chuyện với người thân, bạn bè hay người yêu cũng là cách giảm căng thẳng rất tốt.
Điều đặc biệt khi não bộ trong trạng thái cạn kiệt năng lượng, giấc ngủ sẽ là cách tốt nhất giúp bạn phục hồi. Tiến sĩ Mednick khẳng định rằng, giấc ngủ sẽ giúp loại bỏ những độc tố trong não bộ làm nghẽn quá trình xử lý thông tin, khiến cho tinh thần trở nên thoải mái hơn.
4. Tập trung khi mọi người nói chuyện
Hãy chú ý nhiều hơn khi người khác nói chuyện với bạn.
Jeanine Turner, giáo sư nghệ thuật giao tiếp tại Đại học Georgetown, cho biết làm như vậy sẽ giúp bạn nhớ rõ hơn những gì muốn nói trong cuộc trò chuyện. Với cách này, não bộ sẽ không bị phân tâm và nhớ được những gì quan trọng trong cuộc trò chuyện đó.
Vì vậy, hãy đặt điện thoại xuống ngay bây giờ và tắt tivi khi cần. Những điều này thực sự là nguyên nhân khiến bạn phân tâm và đang “tự đầu độc” chính não bộ của mình.
Nguồn: Wsj