Bi hài nàng dâu “bắt nạt” mẹ chồng

,
Chia sẻ

Mẹ lấy cho con đồ này, thứ kia. Mẹ làm bữa sáng sớm để con còn đi học lớp kỹ năng chuẩn bị sinh em bé. Con ăn mãi món này cũng chán, lần sau mẹ đổi món đi.

Nàng dâu hạch sách... mẹ chồng

Bước vào cuộc sống hôn nhân, ngoài mối quan hệ vợ - chồng, từ xưa đến nay người ta luôn quan tâm đến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Có rất nhiều chuyện bi hài xảy ra xung quanh mối quan hệ phức tạp này khiến người chứng kiến nhiều phen cũng phải dở khóc dở cười.

Từ ngày H. có thai, cả nhà chồng cung phụng H. hết mực, không cho H. động tay, động chân vào một việc gì. H. là con dâu trưởng cũng là cô con dâu duy nhất của ông bà Ly nên được đối xử không khác gì con đẻ. Mỗi sáng, bà Ly phải dậy sớm, vội vàng chợ búa làm bữa điểm tâm cho cô con dâu đang bụng mang dạ chửa.

Nhưng xem ra, nàng dâu được nuông chiều quá mức sinh hư. Bất cứ công việc gì cũng sai khiến bà mẹ chồng đã gần 60 tuổi. Mẹ lấy cho con đồ này, lấy cho con thứ kia. Mẹ làm bữa sáng sớm một chút để con còn đi học lớp kỹ năng chuẩn bị sinh em bé. Con ăn mãi món này cũng chán, lần sau mẹ đổi món đi. Ăn thế này em bé làm sao khỏe mạnh được....
 

Mong có cháu nội để bồng bế, lại nghĩ thương thằng con trai công tác xa triền miên không có thời gian chăm vợ nên ông bà chẳng tiếc công sức vun vén. Nhiều lần về thăm nhà, chồng thấy vậy khuyên vợ nên vận động làm những việc nhẹ nhàng thì mẹ can ngăn: “Thôi con ạ để đấy mẹ làm cho, cái H. nó đang bụng mang dạ chửa, đi lại nhiều không tốt đâu!”

Cậu con trai nhà bà Được cưới được cô vợ thành thị xinh xắn, khéo ăn khéo nói. Ai cũng bảo nhà bà có phước cưới nên mới được hưởng lộc như thế. Khốn nỗi, nàng dâu thành thị nửa mùa này chỉ biết chăm chút cho bản thân, lúc nào cũng bóng nhoáng. Chưa tìm được việc làm, nàng ta suốt ngày đi “buôn dưa bán lê” với mấy cô bạn. Công việc đồng áng nhà quê với hơn một mẫu ruộng chẳng bao giờ động tay động chân.

Vụ mùa, bà Được đâm sấp dập ngửa không hết việc, về đến nhà lại lọ mọ chui vào bếp nấu cơm. Nàng dâu chảnh chọe: “Nhà con nấu bếp ga chẳng nấu bếp lò, đun rơm bao giờ con chẳng biết làm. Mẹ quen rồi thì mẹ nấu cho con!”. Đã thế, ngồi ăn cơm còn chê ỏng chê eo mẹ nấu cơm... mất vệ sinh.

Nhiều lần nghĩ tủi thân bà Được chỉ biết khóc: “Cái số vất vả, đến ngần này tuổi đầu mà vẫn như nuôi con thơ. Thằng con trai thì bênh vợ chằm chằm chẳng chịu dạy bảo gì cả”!

“Con giun xéo lắm cũng quằn”

Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt là chuyện thường tình xảy ra trong cuộc sống gia đình nhiều sóng gió. Nhưng xem ra, câu chuyện nàng dâu – mẹ chồng vẫn chưa có hồi kết.

Với thói đỏng đảnh, Nhài gây ác cảm ngay từ lần đầu tiên gặp gia đình nhà chồng. Hai vợ chồng son chưa có nghề ngỗng gì sống bám vào bố mẹ nhưng lại không biết an phận. Đám cưới xong, kinh tế gia đình đã khó khăn lại đòi hỏi mua sắm hết thứ này đến thứ khác.

Lấy nhau được ba ngày, bố mẹ chồng không thể chịu được tính khí “sáng nắng chiều mưa” của đôi vợ chồng trẻ nên quyết định cắt ra ăn riêng cho bọn trẻ “nếm mùi”. Một tuần sau lại thấy chúng lọ mọ về cầu xin ông bà cấp... viện trợ.

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu nhà bà Thực khiến bà chua chát cười ra nước mắt. Từ khi nàng dâu sinh con, bà Thực được đón lên thành phố chăm cháu. Suốt ngày quanh quẩn bên mấy bức tường phát chán. Tuy công việc bù đầu, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước, trông cháu.... bà chả ngại gì. Được một tháng, nàng dâu đem tiền ra... thanh toán cho mẹ.

Bà Thực ngậm ngùi: “Nó bảo, con chưa thuê được ôsin, trong thời gian này mẹ cứ trông coi, dọn dẹp nhà cửa con trả công đàng hoàng không phải nghĩ. Nó coi mẹ chồng nó không khác gì người ở trong nhà. Tôi cần gì mấy đồng tiền vô tình vô nghĩa ấy”.

Lựa lúc cả nhà dẫn nhau đi công viên chơi, bà Thực lủi thủi xách tay nải về quê mà lòng buồn rười rượi. Cả đời hi sinh cho con, coi chúng như “của để dành” mà bị hắt hủi như thế. Về quê tuy vất vả cũng còn hơn, từ sau vợ chồng nó có gọi, bà cũng chẳng lên nữa.
 
Theo Lao động
Chia sẻ