“Bệnh lạ” khiến 3 trường hợp tử vong tại Quảng Nam chính là bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu do nhiễm khuẩn vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Các bệnh nhân đang được cách ly điều trị
Chiều 15/7, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết căn “bệnh lạ” xảy ra ở thôn 8A và 8B (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến nhiều người tử vong là bệnh bạch hầu.
Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Nam, trong vòng 1 tháng trở lại đây, 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) có nhiều người mắc “bệnh lạ”. Sau khi nhận được thông tin từ y tế thôn bản và xã Phước Lộc, Sở Y tế Quảng Nam đã cử lực lượng đến vùng dịch để kiểm tra, chỉ đạo triển khai các biện pháp bao vây khống chế dịch; đồng thời báo cáo Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ chuyên môn.
Qua kiểm tra, có tất cả 13 trường hợp (trong đó có 8 nam, 5 nữ) mắc bệnh. Các bệnh nhân từ 2-45 tuổi, nghi mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng…
Từ ngày 9-12/7 có 3 người tử vong (không phải 6 người tử vong như thông tin ban đầu), Còn các trường hợp mắc bệnh còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Sơn.
Sau khi cơ quan chuyên môn lấy 7 mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang thì chỉ có 1 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu là của một bệnh nhân. Hiện bệnh nhân này đang được cách ly để điều trị.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
Bộ Y tế gửi công điện yêu cầu giám sát chặt chẽ dịch bệnh bạch hầu
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng đã có công điện đề nghị Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong.
Sở Y tế Quảng Nam cũng cần phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện ngay việc tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh, đảm bảo tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế để tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vắc xin muộn.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thường xuyên vệ sinh nhà trẻ, lớp học, thực hiện cách ly kịp thời và thông báo cho các đơn vị y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Quảng Nam cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có ghi nhận ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hàng ngày gửi về Viện Pasteur Nha Trang và Cục Y tế dự phòng
Để phòng chống bệnh bạch hầu Cục y tế dự phòng khuyến cáo:
Không tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, DT đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.