Bé gái ngoan ngoãn bỗng một ngày nằng nặc nói "không muốn đi học", mẹ gặng hỏi thì phát hiện bí mật đau lòng ở trường học

Đông,
Chia sẻ

Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ, mạng xã hội nhanh chóng dậy sóng với nhiều bình luận bày tỏ sự phẫn nộ, xót xa và lo lắng.

"Chào các mẹ, hiện tại em đang rất hoang mang và lo lắng, nên muốn xin ý kiến của các mẹ".

Người mẹ này bắt đầu chia sẻ trên mạng xã hội bằng những dòng tâm sự tưởng chừng rất quen thuộc như thế. Nhưng càng đọc, người ta càng lặng đi bởi ẩn sau lời kêu cứu ấy là câu chuyện đau lòng về một bé gái mới chỉ 5 - 6 tuổi, đã phải âm thầm chịu đựng những tổn thương tinh thần suốt một thời gian dài ngay tại nơi lẽ ra phải là môi trường an toàn và yêu thương nhất, đó chính là trường mẫu giáo của em.

Chuyện là thế này, con gái của phụ huynh này chuẩn bị vào lớp 1. Bé là một cô bé ngoan, được cô giáo nhận xét là tập trung học, nhanh nhẹn nhưng rụt rè, ít nói và không thân với ai trong lớp. Suốt nhiều năm đi học mầm non, em vẫn đều đặn đến trường, tối nào cũng nằm thủ thỉ tâm sự cùng mẹ. Nhưng rồi, gần đây, bé bắt đầu có dấu hiệu bất thường như không muốn đi học, hay buồn bã, và thậm chí còn nói rõ "muốn ở nhà thôi".

Sau nhiều lần gặng hỏi nhẹ nhàng, bé mới bắt đầu kể ra những chuyện khiến mẹ chết lặng. Đơn cử như có lần bị một bạn nữ khác tát thẳng vào mặt 3 cái (rất đau) và cả vào hông chỉ vì em chen ngang khi bạn ấy đang nói. Có lần, con của phụ huynh này đang nghỉ trưa thì bị bạn khác bắt gãi lưng cho đến khi ngủ say thì thôi, rồi đồ gì em mang đến lớp cũng đều bị các bạn lấy rồi mang về nhà luôn. Và lần nào như vậy, em cũng chỉ biết ngồi khóc một mình, không dám nói với cô, cũng không dám kể với mẹ.

Mẹ không biết, cô giáo cũng không biết. Và suốt một thời gian dài, một đứa trẻ mới 5 tuổi đã phải học cách gồng mình vượt qua cảm giác bị bắt nạt, bị ức hiếp trong im lặng.

Bé gái ngoan ngoãn bỗng một ngày nằng nặc nói "không muốn đi học", mẹ gặng hỏi thì phát hiện bí mật đau lòng ở trường học- Ảnh 1.

Phụ huynh rất sốc khi con bị bắt nạt (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ, mạng xã hội nhanh chóng dậy sóng với nhiều bình luận bày tỏ sự phẫn nộ, xót xa và lo lắng. Rất nhiều bậc phụ huynh cho biết họ giật mình khi đọc đến những dòng tâm sự của người mẹ. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng cha mẹ cần trang bị kỹ năng sống và khả năng tự vệ cho trẻ từ sớm để tránh khỏi những rùi ro tương tự.

- Trẻ con mới 5 tuổi mà đã phải chịu đựng như thế, thương em quá. Đọc mà nước mắt rơi lúc nào không hay.

- Mình cũng từng phát hiện con bị bạn trêu chọc ở lớp mà không dám kể. Trẻ nhỏ nhiều khi không biết cách diễn đạt, chỉ biết sợ và im lặng. Làm cha mẹ, đọc những chuyện như thế thật sự đau lòng.

- Vì sao cô giáo không phát hiện ra? Vì sao trẻ khóc một mình mà không ai thấy? Trẻ em không thể tự bảo vệ mình, nếu người lớn không quan sát kỹ thì ai sẽ bảo vệ các em?

- Con nít không phải lúc nào cũng biết nói ra, nên bố mẹ cần tinh ý nhận ra thay đổi của các em. Ngoài ra, cũng nên dạy con cách nói "không", cách tìm người lớn để nhờ giúp khi bị bắt nạt.

- Chị nên xử lý vụ việc này đến nơi đến chốn để bảo vệ em nhé.

- Không phải con mình đọc mà rơi nước mắt, không biết khi con mình phải trải qua những hành động như vậy, mình sẽ cảm thấy thế nào nữa.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của bài đăng, cho rằng câu chuyện có thể được kể theo góc nhìn cảm tính, thiếu kiểm chứng, khi chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào từ phía nhà trường hay giáo viên. Một số người còn cho rằng bài viết mang màu sắc "câu like, câu view" nhiều hơn là phản ánh sự việc một cách khách quan.

Dù vậy, câu chuyện vẫn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về việc bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở lứa tuổi lớn mà hoàn toàn có thể bắt đầu từ bậc mầm non, khi trẻ còn quá nhỏ để tự lên tiếng bảo vệ mình.

Trẻ bị bắt nạt nhưng không ai nghĩ là bắt nạt

Không ít người vẫn giữ suy nghĩ: "Bắt nạt là chuyện của học sinh cấp 2, cấp 3 khi các em bắt đầu hình thành nhóm bạn, cá tính riêng và xung đột xã hội". Nhưng thực tế tàn nhẫn hơn nhiều. Hành vi bắt nạt, dù vô tình hay cố ý, hoàn toàn có thể bắt đầu từ lứa tuổi mầm non, giai đoạn trẻ mới chỉ 3, 4, 5 tuổi. Điều đáng sợ là, ở độ tuổi này, trẻ chưa đủ kỹ năng nhận diện đúng - sai trong các tương tác xã hội, lại càng không thể gọi tên được những cảm xúc tiêu cực như bị xúc phạm, bị áp đặt, bị đe dọa hay tổn thương tinh thần.

Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý học phát triển, trẻ mầm non hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của các hành vi như bị cô lập khỏi nhóm bạn, bị trêu chọc về ngoại hình, giọng nói, hoặc bị ép làm theo yêu cầu của bạn bè "mạnh hơn" (về thể chất hoặc tính cách). Tuy nhiên, khác với người lớn hay trẻ lớn - những người có khả năng nhận thức, phản kháng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, trẻ nhỏ thường chọn cách chịu đựng trong im lặng. Không phải vì chúng yếu đuối, mà bởi vì... chúng không biết phải làm gì khác.

Ở độ tuổi này, trẻ chưa có đủ vốn từ vựng để mô tả lại sự việc. Trẻ cũng không hiểu rõ ranh giới giữa "đùa vui" và "làm đau". Có trẻ bị tát, bị lấy đồ, bị sai vặt nhưng vẫn nghĩ đó là chơi với nhau. Có trẻ chỉ cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ, một sự sợ hãi mỗi khi đến lớp, nhưng không biết cách diễn đạt cho người lớn hiểu. Và người lớn vì quá bận rộn, hoặc quen nhìn mọi việc dưới lăng kính người trưởng thành lại dễ dàng bỏ qua.

Với những bé nhút nhát, hướng nội, khả năng giãi bày càng thấp. Các em có xu hướng né tránh xung đột, chịu đựng để được yên, hoặc đơn giản là sợ bị mắng nếu kể lại sự việc. Tình trạng này kéo dài sẽ dần tạo nên một vỏ bọc trầm lặng, mất kết nối với xung quanh. Những dấu hiệu như không muốn đến trường, đột ngột im lặng, cáu gắt vô cớ, mất ngủ hoặc quấy khóc liên tục… thường bị cha mẹ gán cho các lý do như do con mệt, do lười học, mà ít ai nghĩ tới khả năng con đang chịu tổn thương về mặt tinh thần.

Bé gái ngoan ngoãn bỗng một ngày nằng nặc nói "không muốn đi học", mẹ gặng hỏi thì phát hiện bí mật đau lòng ở trường học- Ảnh 2.

Phụ huynh cần có biện pháp bảo vệ con cái (Ảnh minh họa)

Nguy hiểm hơn, những vết nứt tâm lý tuổi thơ nếu không được chữa lành đúng lúc có thể để lại hậu quả lâu dài. Không ít người lớn trưởng thành sống với tâm lý bất an, sợ bị đánh giá, khó hòa nhập, hoặc luôn có xu hướng chịu thiệt trong các mối quan hệ, tất cả bắt nguồn từ những lần bị bắt nạt thời nhỏ mà không ai giúp đỡ. Tâm lý "tôi không xứng đáng", "mọi người không quan tâm đến mình" có thể hình thành từ rất sớm, rồi âm thầm ăn mòn lòng tự tin của một con người từ bên trong.

Điều đau lòng là phần lớn những tổn thương ấy hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu người lớn quan sát kỹ hơn, lắng nghe nhiều hơn và hiểu đúng tâm lý con trẻ.

Vì vậy, thay vì hỏi "Có thật sự nghiêm trọng không?" mỗi khi trẻ nói "Con không muốn đến lớp", hãy bắt đầu từ câu hỏi nhỏ hơn: "Có điều gì khiến con thấy không vui hôm nay?". Và lắng nghe bằng tất cả sự kiên nhẫn, không phán xét.

Bởi trong một thế giới mà trẻ chưa có tiếng nói mạnh mẽ, thì sự thờ ơ của người lớn dù là vô tình đôi khi lại chính là điều khiến nỗi đau trở nên sâu hơn.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt?

Khi phát hiện con có dấu hiệu bị bắt nạt dù là thể chất hay tinh thần việc đầu tiên cha mẹ cần làm không phải là nổi nóng hay vội vàng đòi lại công bằng, mà là giữ bình tĩnh và trở thành nơi an toàn nhất để con có thể mở lòng. Nhiều bậc phụ huynh khi nghe con kể bị đánh, bị bạn trêu chọc hoặc bị ép buộc thường phản ứng gay gắt như chất vấn giáo viên, gọi điện mắng phụ huynh bạn kia, hoặc ngược lại… mắng luôn con vì yếu đuối hay không biết phản kháng. Nhưng những hành động này chỉ khiến trẻ sợ hãi hơn và dần khép kín cảm xúc. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng lắng nghe, không ngắt lời con, không quy chụp đúng sai ngay lập tức. Điều con cần lúc này là sự thấu hiểu và cảm giác được bảo vệ.

Sau khi có thông tin đầy đủ từ con, cha mẹ nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường để làm rõ tình hình. Tránh hành xử quá cảm tính, bởi mọi việc cần được xác minh khách quan. Nếu đúng là con bị bắt nạt, phụ huynh nên phối hợp với cô giáo để có hướng xử lý phù hợp, đồng thời đề nghị nhà trường tăng cường quan sát, tạo môi trường học đường an toàn, công bằng cho trẻ.

Song song với đó, cha mẹ cũng cần dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Hãy dạy trẻ cách nói "không", cách giữ khoảng cách với người khiến mình khó chịu, cách tìm đến người lớn đáng tin cậy khi cần giúp đỡ. Có thể dùng tình huống giả lập để trẻ tập phản ứng, hoặc khuyến khích con kể lại một ngày ở lớp để phụ huynh kịp phát hiện những điều bất thường. Đặc biệt, nếu thấy con có dấu hiệu tâm lý như sợ hãi kéo dài, ám ảnh xã hội, mất ngủ… cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để can thiệp sớm.

Về lâu dài, cha mẹ hãy luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con. Một đứa trẻ được lắng nghe, được tin tưởng và được yêu thương sẽ có sức mạnh vượt qua rất nhiều tổn thương kể cả những điều mà người lớn đôi khi không ngờ tới. Trẻ nhỏ không cần một thế giới hoàn hảo, nhưng các em rất cần những người lớn đủ kiên nhẫn để đồng hành khi các em tổn thương.

Tổng hợp

Chia sẻ