Bác tin "237 người đã được xác minh danh tính" và "11 người dương tính với HIV" vụ Lão Hồng Nam Kinh
Douyin chính thức bác bỏ loạt tin đồn sai sự thật xoay quanh vụ "Lão Hồng Nam Kinh", trong đó có thông tin thất thiệt về danh tính 237 nạn nhân và nghi vấn lây nhiễm HIV.
Phủ nhận hàng loạt tin đồn sai sự thật
Ngày 8/7, nền tảng Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) đã chính thức đăng tải video bác bỏ hàng loạt những tin đồn xoay quanh vụ việc “ông già đỏ Nam Kinh” đang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, nền tảng đã lên tiếng phản bác thông tin lan truyền trên mạng cho rằng “237 người đã được xác minh danh tính” và “11 người trong số đó dương tính với HIV (AIDS)”.
Douyin cho biết ngay sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường về các tin đồn liên quan, nền tảng đã lập tức tiến hành xác minh với các cơ quan chức năng và nhanh chóng xử lý toàn bộ nội dung sai lệch.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 14.000 bài đăng chứa thông tin sai sự thật liên quan vụ việc này đã bị xóa bỏ. Đồng thời, nhiều tài khoản đăng tải và phát tán tin đồn cũng đã bị xử lý theo quy định của nền tảng.
Phía Douyin khẳng định: “Internet không phải là nơi ngoài vòng pháp luật. Mong rằng tất cả cư dân mạng sẽ nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật, không tin đồn – không lan truyền đồn, cùng nhau xây dựng một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.”
Trước đó, vào ngày 8/7, Công an quận Giang Ninh (thành phố Nam Kinh) đã chính thức ra thông báo liên quan đến vụ việc được mạng xã hội gọi là “Lão Hồng Nam Kinh”.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, gần đây, cảnh sát Giang Ninh nhận được trình báo từ người dân cho biết những video riêng tư của họ bị người khác lan truyền trên mạng. Ngay sau đó, cảnh sát đã vào cuộc điều tra và bắt giữ nghi phạm họ Jiao vào ngày 5/7.
Qua điều tra xác minh, đối tượng Jiao (nam, 38 tuổi, đến từ tỉnh khác, tạm trú tại Nam Kinh) đã giả làm phụ nữ, hẹn gặp nhiều người đàn ông để quan hệ tình dục, đồng thời lén quay video và phát tán lên mạng Internet. Công an khẳng định các thông tin lan truyền trên mạng rằng “một người đàn ông 60 tuổi ở Nam Kinh giả gái và quan hệ với hơn 1.000 người” là hoàn toàn sai sự thật.
Đến ngày 6/7, Jiao đã bị công an quận Giang Ninh tạm giữ hình sự theo tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Vụ án hiện vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
"Một cuộc “cuồng hoan” bùng nổ trên mạng xã hội"
Mới đây, Báo Tân Kinh (Beijing News) - một tờ báo trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết liên quan đến vụ việc và cho rằng, toàn bộ sự việc đang "trở thành một trò hề hoàn toàn lệch khỏi bản chất vốn có".
Cụ thể, bài báo như sau:
"Từ tối ngày 7/7, sự việc “Lão Hồng Nam Kinh” đã không ngừng gây rúng động dư luận. Trong tất cả các thông tin trên mạng xã hội, có người cho rằng, một ông lão khoảng 60 tuổi đã giả gái và quan hệ tình dục với hơn một nghìn người đàn ông, thậm chí còn nghi ngờ người này có hành vi cố ý lây nhiễm HIV. Chỉ trong một thời gian ngắn, một cuộc “cuồng hoan” đã bùng nổ trên mạng xã hội.
[...]
Không có "ông chú 60 tuổi" nào, cũng không có chuyện “quan hệ với hàng nghìn người”, càng không thể xác thực được việc truyền nhiễm HIV. Sự thật duy nhất được xác định là Jiao giả gái và có quan hệ tình dục với nhiều người.
Nhưng dưới cái nhìn tò mò, săn lùng quá mức của cộng đồng mạng, sự việc nhanh chóng bị bóp méo bởi tin đồn và dòng chảy của lượt tương tác, trở thành một trò hề hoàn toàn lệch khỏi bản chất sự việc.

Chủ đề liên quan đến tình dục từ lâu đã là thứ tự thân mang theo sự chú ý và “điểm kích thích sự tò mò, hưng phấn” của con người. Giáo sư truyền thông Tấu Chấn Đông từng đưa ra lý thuyết về “truyền thông phi chính thống”. Trong đó chỉ ra rằng, dư luận thường có xu hướng né tránh những chủ đề nặng nề mà chọn những thông tin đơn giản, nhẹ nhàng, giải trí, thậm chí là dung tục. Đây là những loại nội dung luôn dễ lan truyền hơn.
Sự kiện “Lão Hồng Nam Kinh” hoàn toàn phù hợp với quy luật truyền thông đó: nội dung gây sốc, yếu tố giả gái đầy tương phản, dễ dàng khơi dậy tâm lý tò mò, hóng chuyện của công chúng. Khi sự chú ý của công chúng bị hút chặt, tin đồn cũng lan nhanh khắp nơi, làm sự thật bị bóp méo đến mức khó nhận ra.
[...]
Trong mô hình truyền thông bị chi phối bởi sự hòa trộn giữa mạng xã hội và tâm lý tò mò giật gân như hiện nay, việc lan truyền các tin đồn trong nhiều trường hợp đã rơi vào trạng thái hỗn loạn và phi lý trí.
Ở đâu đánh vào trúng cảm xúc, sự quan tâm của công chúng, thì tin đồn sẽ nảy sinh từ đó. Trong quá trình tương tác không ngừng, tin đồn sẽ dần được hoàn thiện và xây dựng thêm.
Đây chính là bối cảnh xã hội hiện tại của chúng ta, một thế giới tràn ngập thông tin, một thế giới nơi thật giả khó phân biệt.
Muốn giải quyết vấn đề tin đồn lan truyền rộng rãi trên mạng, một mặt phải nghiêm trị người bịa đặt và lan truyền tin đồn để giảm thiểu từ gốc rễ. Mặt khác, không thể thiếu trách nhiệm của các nền tảng mạng. Hai trách nhiệm này liên quan trực tiếp đến “Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung thông tin trên mạng”.
Quy định này nêu rõ: Các nhà sản xuất nội dung thông tin trên mạng không được phép tạo ra, sao chép, phát tán những nội dung xâm phạm danh dự, quyền riêng tư và các quyền lợi hợp pháp khác của người khác. Đồng thời, yêu cầu các nền tảng dịch vụ nội dung mạng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nội dung, không được truyền bá những thông tin dạng này và phải có biện pháp xử lý ngay lập tức theo pháp luật khi phát hiện.
Tò mò và tin đồn thường là hai mặt của một đồng xu, và sự kiện “Lão Hồng” chính là ví dụ mới nhất. Trong thời đại hậu sự thật, mọi điều ngu ngốc, tin đồn và âm mưu đều có thể tìm được đồng minh. Công chúng có quyền và tự do hóng chuyện, nhưng quyền và tự do ấy không nên trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin đồn thất thiệt nảy sinh".