Bác sĩ tiết lộ: Bệnh nhân có thể mất mạng nếu bị tiêu chảy khi đang dùng các thuốc hóa trị ung thư này
Theo bác sĩ, hầu hết các bệnh nhân ung thư hóa trị gặp tiêu chảy thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên một số trường hợp cần phải giảm liều, thậm chí đe dọa tính mạng.
Thông tin này do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết trong quyển sách "Hướng dẫn thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm", vừa chính thức được công bố vào ngày 30/10 tại TP.HCM.
Cụ thể theo các chuyên gia đầu nghành về ung thư, tiêu chảy là tác dụng không mong muốn thường gặp của nhiều tác nhân hóa trị.
Hầu hết các bệnh nhân ung thư hóa trị gặp tiêu chảy thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên một số trường hợp cần phải giảm liều, thậm chí đe dọa tính mạng.
Một số thuốc hóa trị gây tiêu chảy như:
5-Fluoracil (5 FU): Làm hạn chế phân bào của các tế bào tiết dịch, dẫn đến tăng tỷ lệ các tế bào tiết dịch chưa trưởng thành so với tế bào ruột non trưởng thành nhưng có nhung mao. Thể tích dịch tại ruột non tăng vượt quá khả năng hấp thụ của đại tràng dẫn đến tiêu chảy. Tình trạng này thường gặp nhiều nhất khi dùng kết hợp 5-FU với leucovorin. Hay gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Irinotecan: Gây tiêu chảy cấp tính hoặc tiêu chảy muộn. Tiêu chảy muộn thường xảy ra ít nhất 24 giờ sau khi dùng thuốc, có thể đe dọa tính mạng. Đặc biệt nếu phác đồ phối hợp giữa 5-FU với Leucovorin liều mỗi 3 tuần sẽ gây tiêu chảy nhiều hơn liều hàng tuần.
Capecitabin: Là tiền chất của 5-FU, dùng liều 2.000mg/m2/ngày trong 14 ngày chu kỳ 21 ngày có nguy cơ gây tiêu chảy 30-40% bệnh nhân.
Ngoài ra còn có một số tác nhân khác như taxan (tỉ lệ tiêu chảy từ 19-47%, đặc biệt ở bệnh nhân trên 65 tuổi); anthracyclin (từ 15-45% tùy dạng), các hoạt chất dùng trong phương pháp nhắm trúng đích như gefinitib, erlotinib, afatinib...
Để giải quyết tình trạng trên nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, các chuyên gia phân tình trạng tiêu chảy thành 2 loại là biến chứng và không biến chứng.
Với bệnh nhân tiêu chảy không biến chứng sẽ được bù dịch, thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc Loperamid và được theo dõi sát.
Nguy hiểm hơn khi bệnh nhân tiêu chảy kèm mất nước, nôn, sốt... ngoài việc dùng Loperamid sẽ được bù nước và điện giải tĩnh mạch, xem xét dùng kháng sinh phổ rộng, tiêm Octreotid dưới da. Bệnh nhân cũng được đánh giá máu, nước tiểu, phân, xét nghiệm vi sinh để đề ra phác đồ xử lý, điều trị phù hợp.
PGS.TS. BS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, cục Quản lý Khám chữa bệnh và những chuyên gia đầu ngành cả nước đã đặt trọn tâm huyết vào việc xây dựng tài liệu "Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm".
Đây tài liệu hướng dẫn đầu tiên cấp quốc gia về thực hành dược lâm sàng có tính pháp lý được soạn thảo bởi các chuyên gia đầu ngành cả nước dưới sự chủ trì của Bộ Y tế.
Tài liệu sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động dược lâm sàng Việt Nam:
Kỷ nguyên của hành động vì chất lượng điều trị tối ưu cho bệnh nhân, một cách chuyên sâu và đồng bộ.
Tài liệu cung cấp cho các dược sĩ lâm sàng những hướng dẫn về thực hành thuốc cũng như các kiến thức về thuốc trong 3 bệnh lý thời sự nhất hiện nay: đái tháo đường, tim mạch, ung thư, nhằm thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.