Bác sĩ BV K khuyến cáo: Phát hiện trên ngực có "khối u" này, chị em nên bình tĩnh xử trí

Linh Trang,
Chia sẻ

Vú phụ (vú đi lạc) là sự dị dạng của tuyến sữa có tính bẩm sinh, tức ngoài cặp vú bình thường, còn có thêm một hoặc nhiều vú hoặc đầu vú ở những vị trí khác nhau của cơ thể.

Tuyến vú phụ khiến nhiều chị em lo lắng

Chị Vũ Kim Oanh (28 tuổi – Hà Nội) mặc dù chưa lập gia đình và sinh nở nhưng là người thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhất là các xét nghiệm và tầm soát ung thư.

Một ngày sau Tết Nguyên đán, chị đến Bệnh viện K (Cơ sở Tân Triều) khám các bác sĩ cho biết, chị bị u tuyến vú phụ.

Trước kết luận bệnh u, chị không khỏi hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, chị đã được các bác sĩ tư vấn và trấn an tinh thần, giải thích cụ thể về mặt bệnh u tuyến vú phụ nên chị Oanh mới phần nào yên tâm.

"Khi phát hiện bệnh BS nói với em là không cần cắt bỏ ngay khối u , đợi đến khi có con và cai sữa mới cắt bỏ.

Trước mắt thì em được giải thích vậy cũng khá yên tâm nhưng liệu rằng không cắt bỏ khối u có khả năng ung thư không? Đấy cũng là điều em vẫn suy nghĩ", bệnh nhân Oanh nói.

TS. BS Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại vú – Bệnh viện K cho hay: "Thực tế cho thấy hiện nay tỉ lệ người đến khám u tuyến vú phụ cũng không phải là ít, điều đó cũng nói lên việc nhận thức và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân ta được nâng lên.

Trường hợp bệnh nhân Oanh đã trở thành những người chủ động phát hiện bệnh và tự đến các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc".

Cũng tự nhiên trường hợp chị Oanh, chị Hà (Quế Võ, Bắc Ninh) thấy xuất hiện khối u cục ở nách, không sung tấy nhưng cứ chạm vào là đau, vì em bé trong bụng mới được 6 tháng, sợ ảnh hưởng đến con nên chị không dám chọc khối u đó. Chị đến BV Ung Bướu Việt Hưng thì được các Bs kết luận bị u tuyến vú phụ.

Được biết, vú phụ mọc lên trong thời kỳ có thai là hiện tượng bình thường, nhưng vì khá hiếm gặp, nên thường khiến các bà bầu hoang mang, sợ đó là khối u, hoặc nhầm là mụn bọc.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng đầu về ung bướu thì u tuyến vú phụ không hiếm, có cả ở nam lẫn nữ, nhưng ở nữ nhiều hơn.

Thực chất vú phụ là do trong quá trình phát triển của bào thai đến tuần thứ 9, bình thường các tuyến vú thoái hóa chỉ để lại 2 vú trên ngực là phát triển thành vú bình thường.

Nếu như các tuyến này không thoái hóa sẽ tồn tại nhiều bầu vú (vú phụ). Vị trí của vú phụ thường gặp nhất ở nách, đôi khi ở bụng hoặc háng.

Bác sĩ BV K khuyến cáo: Phát hiện trên ngực có khối u này, chị em nên bình tĩnh xử trí - Ảnh 1.

TS. BS Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại vú – Bệnh viện K tư vấn cho bệnh nhân

Bác sĩ Bệnh viện K chỉ cách xử trí tuyến vú phụ

Theo TS BS Lê Hồng Quang, trên thực tế nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy vú phụ không ảnh hưởng đến việc có thai hay không. Nhiều người có vú phụ vẫn sinh con và nuôi con bú bình thường.

Tuy nhiên, tuyến vú phụ nó sẽ không tự hết nhưng cũng không nguy hiểm, có thể mổ cắt đi khi ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

BS cũng khuyến cáo u tuyến vú phụ cũng giống như u vú thông thường, sau khi phát hiện các BS sẽ chẩn đoán xem bạn bị u vú phụ dạng nào, loại nào, có ác tính không mới đưa ra quyết định cắt bỏ.

Những trường hợp sau đây cần cắt bỏ như: kỳ kinh nguyệt vú phụ bị sưng tấy, đau đớn, ấn vào càng đau hơn, ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày; vú phụ quá lớn, ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, hoặc đã bị viêm điều trị nhưng không hết.

BQ Quang cho biết, khi có vú phụ chị em cần bình tĩnh, không được chọc, trích bỏ hoặc sử dụng kháng sinh để nó làm tiêu.

Thường, cũng như tuyến sữa chính, khi không được kích thích (không có phản ứng bú, mút, nặn sữa), tuyến sữa ở nách sẽ tiêu đi và vú phụ sẽ xẹp, hết đau nhức.

Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, trong thời kỳ có thai và cho con bú, nếu thấy có bất thường nào, kể cả hạch mọc ở nách, chị em cần đi khám, để bác sĩ kiểm tra, xác định chính xác tình trạng bệnh và tư vấn cách xử lý.

Chia sẻ