Bà mẹ "bóc phốt" con lười, ẩu, chữ viết kinh hoàng nhưng giành loạt huy chương vàng môn Toán, nhiều người hoài nghi: Sao thấy "ảo ảo" thế này!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bà mẹ than thở đã áp dụng đủ biện pháp nhưng mọi thứ vẫn không khá hơn.

Một bà mẹ có con trai sinh năm 2014 vừa chia sẻ câu chuyện khiến cộng đồng mạng dở khóc dở cười: Con lười, ẩu, viết chữ xấu đến mức "muốn cho ăn tẩn", học hành chểnh mảng, nhưng thi cử lại luôn đạt thành tích nổi bật. Câu chuyện không chỉ phản ánh một thực tế khá phổ biến ở nhiều gia đình có con thông minh nhưng thiếu nề nếp, mà còn đặt ra câu hỏi: nên ép con vào khuôn khổ hay tìm cách nuôi dưỡng sự tự giác từ bên trong?

"Trời ơi, nó lười và ẩu kinh khủng. Chữ viết thì kinh dị đến mức em nhìn lần nào cũng chỉ muốn cho ăn tẩn lần đấy" - người mẹ mở đầu câu chuyện bằng một trạng thái nửa tức tối, nửa bất lực. 

Con trai chị học lớp 5, viết chữ xấu, làm bài cẩu thả, liên tục bị giáo viên các môn Toán, Văn, Anh nhắc nhở. Dù đã đầu tư cho con học lớp viết chữ đẹp, hiệu quả chỉ duy trì được một hai tháng. Bà mẹ than thở đã áp dụng đủ biện pháp: từ "bàn tay mềm" đến roi mây, nhưng mọi thứ vẫn không khá hơn.

Bà mẹ "bóc phốt" con lười, ẩu, chữ viết kinh hoàng nhưng giành loạt huy chương vàng môn Toán, nhiều người hoài nghi: Sao thấy "ảo ảo" thế này! - Ảnh 1.

Ấy thế mà, cậu bé lại sở hữu một "bảng vàng" khiến nhiều người phải nể: Giành được huy chương vàng các kỳ thi quốc tế… và đỗ vào lớp chọn Toán của các trường chuyên chất lượng cao với số điểm khá cao. Vấn đề nằm ở chỗ, càng được khen thông minh, con càng "chống lệnh" mẹ: "Con vẫn thi được tốt đấy thôi", con trai đáp trả khi bị mẹ nhắc nhở chuyện chữ xấu và học hành thiếu nghiêm túc.

Bà mẹ lo lắng: Khi lên cấp 2, liệu với thái độ học hành thế này, con có theo nổi không? Có nên chuyển hướng cho con học trường bình thường thay vì trường chất lượng cao?

Bà mẹ "bóc phốt" con lười, ẩu, chữ viết kinh hoàng nhưng giành loạt huy chương vàng môn Toán, nhiều người hoài nghi: Sao thấy "ảo ảo" thế này! - Ảnh 2.

Bà mẹ "bóc phốt" con lười, ẩu, chữ viết kinh hoàng nhưng giành loạt huy chương vàng môn Toán, nhiều người hoài nghi: Sao thấy "ảo ảo" thế này! - Ảnh 3.

Một số "tác phẩm" của con khiến bà mẹ đứng hình...

Bà mẹ "bóc phốt" con lười, ẩu, chữ viết kinh hoàng nhưng giành loạt huy chương vàng môn Toán, nhiều người hoài nghi: Sao thấy "ảo ảo" thế này! - Ảnh 4.

Đi rèn được ít bữa thì ổn, sau đó lại "mèo vẫn hoàn mèo"

Có mâu thuẫn không?

Không ít cha mẹ sau khi đọc bài viết đã bày tỏ sự đồng cảm. "Giống hệt con tôi. Bảo giải bài theo cách cô dạy thì nói: kết quả đúng là được rồi, trình bày làm gì cho mệt. Mà đúng là làm đúng thật!", một phụ huynh bình luận. 

Nhiều người chia sẻ, họ từng mệt mỏi vì con không chịu trình bày bài vở tử tế. Nhưng nếu ngồi cạnh hướng dẫn thì con lại làm được rất tốt.

Rất nhiều người thắc mắc: tại sao một học sinh viết chữ xấu, làm bài cẩu thả, học hành thiếu nề nếp, lại có thể đạt được giải cao trong các kỳ thi quốc tế? Điều tưởng như nghịch lý này thực ra lại phản ánh khá rõ đặc điểm của một nhóm trẻ có tố chất vượt trội về tư duy, nhưng thiếu rèn luyện kỹ năng nền tảng.

Đa số các kỳ thi quốc tế dành cho học sinh tiểu học đều ở hình thức trắc nghiệm, chỉ cần chọn đúng đáp án. Điều này giúp các bạn nhỏ: Không cần viết chữ đẹp. Không cần trình bày chi tiết. Không bị trừ điểm vì ẩu, xấu.

Chính vì thế, các "tật xấu" như viết cẩu thả, trình bày ẩu... không ảnh hưởng đến điểm số. Điều này tạo ra cảm giác "con học vẫn tốt, có cần gì sửa", khiến trẻ và phụ huynh chủ quan.

Trên thực tế, vấn đề mà phụ huynh đang gặp phải không mới, nhưng ngày càng phổ biến ở thế hệ trẻ có tố chất cao: Con thông minh, học nhanh, nhưng thiếu động lực nội tại, không tự giác, ngại rèn luyện những kỹ năng "lề lối" như trình bày, chữ viết, kỷ luật học tập. 

Theo các chuyên gia, đó là hệ quả của việc bộ não xử lý quá nhanh nên trẻ không kiên nhẫn với những việc cần sự lặp đi lặp lại. Hơn nữa, khi bài học ở trường không còn là thử thách, trẻ có xu hướng chán, lười và tỏ ra bất hợp tác.

Vậy nên chọn gì: Ép con theo khuôn khổ, hay để con phát triển tự nhiên theo năng lực?

Một số ý kiến cho rằng, nếu con có tố chất thì càng phải được học trong môi trường phù hợp, nơi có thầy cô nghiêm khắc, bạn bè giỏi giang, để con không ỷ lại và buộc phải rèn luyện kỹ năng còn thiếu. "Đừng ném con vào chỗ dễ, kẻo phí hoài tư chất của bạn ấy", một phụ huynh chia sẻ. Quả thực, môi trường học là yếu tố rất quan trọng. Với những trẻ thông minh, được đặt đúng môi trường thách thức sẽ tự điều chỉnh thái độ học tập. Áp lực tích cực từ bạn bè cũng khiến con buộc phải thay đổi.

Tuy nhiên, một số người khác lại khuyên cha mẹ nên mềm mỏng, kiên nhẫn hơn với những đứa trẻ "não chạy trước tay" này. "Càng ép nó càng bung", một phụ huynh từng có con giống hệt chia sẻ. Theo chị, quan trọng là khơi gợi cho con động lực bên trong, giúp con tự nhận ra vì sao cần rèn luyện, vì sao chữ đẹp, trình bày rõ ràng lại quan trọng. Ép buộc chỉ khiến con phản kháng mạnh hơn.

Chữ có thể không cần đẹp, nhưng phải dễ đọc

Một người đưa ra góp ý, khi bước vào cấp 2, học sinh sẽ phải viết luận dài, trình bày rõ ràng để thể hiện tư duy và giúp giáo viên chấm điểm chính xác. Nếu chữ viết cẩu thả, khó đọc, dù làm đúng cũng dễ mất điểm. Tâm lý "miễn là giỏi, các lỗi khác không quan trọng" vô tình khiến trẻ mất đi cơ hội được rèn luyện những phẩm chất cần thiết cho chặng đường học tập lâu dài.

Việc rèn chữ, vì thế, không phải để "cho đẹp" hay chiều lòng cha mẹ, mà là một kỹ năng học thuật cần thiết, đặc biệt khi trẻ bước vào giai đoạn học tập chuyên sâu hơn. 

Do đó, thay vì chỉ nhắc nhở chung chung kiểu "con phải viết đẹp lên" hay "chữ thế này sao mà chấm được điểm cao", cha mẹ có thể cùng con đặt ra mục tiêu cụ thể: "Con viết sao để cô đọc dễ", "Một bài thi rõ ràng giúp con được chấm đúng công sức". Hãy để trẻ thấy rèn chữ là một phần quan trọng của việc học nghiêm túc, chứ không phải hình thức bề ngoài.

Việc luyện chữ cũng nên bắt đầu từ khả năng đọc được, rõ ràng và gọn gàng, sau đó mới tiến đến tính thẩm mỹ. Với những em "nhanh ẩu đoảng", không cần ép viết như mẫu chữ đẹp thi đua, chỉ cần con biết viết chậm lại, giữ khoảng cách đều và kiểm tra lại trước khi nộp bài, đó đã là tiến bộ lớn.

Quan trọng nhất, cha mẹ đừng đặt nặng hình phạt hay so sánh, mà nên kiên trì tạo điều kiện để con nhận ra ích lợi của chữ viết rõ ràng trong chính trải nghiệm học tập của mình. 

Thành tích chỉ là kết quả nhất thời, còn nề nếp, kỹ năng, thái độ mới là thứ đi đường dài. Cha mẹ không nên vì những tấm huy chương sớm mà chủ quan, bỏ qua việc rèn con ở những điều cơ bản: chữ viết, tính cẩn thận, kỹ năng trình bày, tự học và tự điều chỉnh.

Dạy con viết đẹp, suy cho cùng, không chỉ là dạy kỹ năng trình bày, mà còn là một cách rèn luyện sự cẩn trọng, chỉn chu và tinh thần trách nhiệm - những điều sẽ theo con suốt hành trình học tập và trưởng thành.

Chia sẻ