Ấn tượng tuần lễ Nobel 2020 - Điểm sáng giữa tâm dịch COVID-19

Nguyễn Mai,
Chia sẻ

Tháng 10 năm nay, khi dịch COVID-19 vẫn là nỗi ám ảnh của cả thế giới, những giải thưởng Nobel được công bố nhằm tôn vinh các công trình nghiên cứu và nỗ lực vì nhân loại.

Giải Nobel Hòa bình tôn vinh các nỗ lực khi thế giới đối mặt Khủng hoảng nhân đạo do COVID-19

Tờ TIME đã có bài bình luận sâu sắc về giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc.

WFP là cơ quan nhân đạo lớn nhất thế giới tập trung vào nạn đói. Tổ chức này tìm cách giải quyết cả tình trạng mất an ninh lương thực kinh niên mà 690 triệu người trên thế giới đang phải gánh chịu và tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Đầu năm nay, cơ quan này đã cảnh báo rằng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có khả năng tăng gấp đôi từ 135 triệu lên 265 triệu người vào năm 2020, một phần lớn là do đại dịch COVID-19.

 - Ảnh 1.

Viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới tại một ngôi làng ở Nam Sudan, tháng 2 năm 2020. Ảnh: CNN

Ông Arif Husain, chuyên gia kinh tế của WFP trả lời phỏng vấn của TIME rằng: "Đại dịch như giọt nước tràn ly, cộng thêm những ảnh hưởng của các cuộc xung đột, đói nghèo và các cú sốc liên quan đến khí hậu vốn đã dẫn đến nạn đói kinh niên và cấp tính trong 5 năm trước năm 2020, đẩy nhiều cộng đồng rơi vào tình trạng tồi tệ". Trước đây, thế giới có đủ lương thực để cung cấp cho dân số toàn cầu vào năm 2020. Đại dịch làm gián đoạn việc vận chuyển lương thực cứu trợ tới những nơi khó khăn nhất.

WFP đã làm tốt việc cứu trợ lương thực của họ trong nhiều năm nay, nhưng dưới tác động của COVID-19, những việc làm của họ càng trở nên ý nghĩa hơn. Đặc biệt, tại những quốc gia phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất thế giới bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Syria, Sudan, Nigeria và Haiti, số lương thực cứu trợ đến kịp lúc đã giúp người dân giảm bớt một phần khó khăn để yên tâm chống dịch COVID-19.

Những nỗ lực xóa bỏ nạn đói đã đưa WFP đóng góp trong việc tạo ra hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò là động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một vũ khí của chiến tranh và xung đột.

Nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe và nòi giống con người
được đề cao tại Nobel 2020

 - Ảnh 2.

Phương pháp chỉnh sửa gene giúp điều trị những bệnh di truyền hiếm gặp. Ảnh CNN

Dễ dàng nhận thấy giải thưởng Nobel Y học và Nobel Hóa học năm nay đều là những nghiên cứu và phát hiện mới để nâng cao chất lượng sức khỏe cho loài người. Một bên phát hiện virus mới gây bệnh viêm gan C; một bên phát triển và ứng dụng thành công công trình nghiên cứu chỉnh sửa gene, mở đường cho các phương pháp chữa bệnh mới hiệu quả hơn.

Bộ ba nhà khoa học trên đã có những khám phá dẫn đến việc phát hiện virus mới gây bệnh viêm gan C. Phát hiện này đã làm sáng tỏ nguyên nhân các ca mắc bệnh viêm gan mạn tính lây qua đường máu, từ đó giúp tìm ra phương pháp xét nghiệm máu và loại thuốc kháng virus mới đem lại hy vọng sống cho hàng triệu người.

Trong khi đó, hai nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học năm nay đã chứng minh rằng enzym Cas9 có thể sử dụng để cắt bất kỳ đoạn gene DNA nào. Từ đó có thể áp dụng trong y học để chữa trị nhiều bệnh liên quan đến lỗi gene như bệnh teo cơ Duchenne do lỗi gene DMD hay các bệnh về gene khác... Với sự phát triển vượt bậc trong phương pháp này, tương lai không xa công nghệ chỉnh sửa gene sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc chữa trị tận gốc các bệnh di truyền.

Giải Nobel Y học và Hóa học năm nay càng như khẳng định lại tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với những căn bệnh tưởng như không có thuốc điều trị đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm.

Nobel 2020 - Truyền cảm hứng và những điều thú vị đầu tiên xảy ra

 - Ảnh 3.

Lần đầu tiên Giải Nobel Hóa học dành cho các nhà khoa học nữ. Ảnh CNN

Vũ trụ của chúng ta to lớn thế nào? Có những điều gì ngoài khoảng không bao la vượt xa kiến thức của con người mà chúng ta muốn khám phá? Những câu hỏi như vậy chính là động lực để các nhà khoa học luôn không ngừng nghiên cứu về vũ trụ. Và năm nay, có 3 nhà khoa học đã giành giải Nobel Vật lý với những phát hiện về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ - đó là Hố đen. Nhà khoa học Roger Penrose đã chứng minh được rằng từ Thuyết tương đối tổng quát có thể dự báo sự hình thành của hố đen. Trong khi đó, 2 nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra vật thể siêu nặng và vô hình chi phối các quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của dải Ngân hà và cách lý giải duy nhất hiện nay là sự tồn tại của một hố đen siêu lớn.

Nobel 2020 cũng một lần nữa truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nữ. Chia sẻ với hãng tin Reuters sau khi nhận giải thưởng, nhà khoa học Jennifer Doudna, người đoạt giải Nobel Hóa học 2020, nói rằng để giành được giải thưởng ngày hôm nay, ngoài việc nỗ lực thật nhiều, bà cũng rất may mắn vì đã không nghe theo lời khuyên rằng con gái không nên theo đuổi khoa học. Nếu nghe theo lời khuyên đó, ngày hôm nay chúng ta đã không thể có nữ chuyên gia với nghiên cứu chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9. Bà Doudna cùng đồng nghiệp là nhà khoa học Emmanuelle Charpentier là người phụ nữ thứ 6 và 7 được vinh danh trong lĩnh vực Hóa học kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao năm 1901. Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhận xét giải thưởng xướng tên hai nhà khoa học nữ là một khoảnh khắc lịch sử và trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những phụ nữ trẻ theo đuổi khoa học.

Vẫn vì lý do dịch COVID-19, nên giải thưởng Nobel năm nay có nhiều điểm đổi mới. Trước hết, lần đầu tiên sau 76 năm, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm, Thụy Điển không thể diễn ra như đã định. Theo như truyền thống, những người đoạt giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và chứng chỉ từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Thay vào đó, năm nay, sự kiện được tổ chức qua truyền hình. Quỹ Nobel cho biết công tác trao giải được thực hiện với sự giúp đỡ của các Đại sứ quán hoặc các trường đại học nơi những người đoạt giải đang làm việc.

Thú vị nho nhỏ tiếp theo được Chủ tịch Ủy ban Nobel tiết lộ, chính là trị giá giải thưởng năm nay cho mỗi giải sẽ "to" hơn một chút do nguồn quỹ đang ở mức ổn định. Giá trị giải thưởng to hơn giống như lời khích lệ từ Ủy ban Nobel tới các nhà khoa học, động viên họ vì những khó khăn trong suốt quá trình nghiên cứu dưới tác động của dịch COVID-19.

Giải thưởng Nobel năm nào cũng đều tôn vinh những giá trị nhân văn và lợi ích cho toàn nhân loại. Dù năm nay, sự kiện này được tổ chức theo cách khác biệt do dịch COVID-19, song ý nghĩa của nó vẫn không hề thay đổi.

Chia sẻ