3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà

Đinh Linh - TK: Hương Xuân,
Chia sẻ

Với bảng thành tích xuất sắc cùng nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, 3 nữ lãnh đạo nhận được nhiều sự ủng hộ, tín nhiệm và kỳ vọng trên cương vị hiện tại.

Tháng 7/2025, trường ĐH Ngoại thương và Fulbright Việt Nam lần lượt đón 2 tân nữ Hiệu trưởng. PGS.TS Phạm Thu Hương là lãnh đạo nữ thứ 2 trong lịch sử 65 năm của Ngoại thương. Với ĐH Fulbright, đây là lần đầu tiên ngôi trường này có nữ Hiệu trưởng - TS Đinh Vũ Trang Ngân.

Cùng TS Lê Mai Lan - nữ Chủ tịch đưa ĐH VinUni phát triển thần tốc sau 6 năm thành lập, các nữ lãnh đạo đang tạo dựng dấu ấn tiên phong với tinh thần không ngại thử thách và khát vọng nâng tầm giáo dục Việt sánh vai với thế giới.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nữ sinh Lê Mai Lan của trường THPT Chuyên Amsterdam xuất sắc giành được học bổng từ DAAD để du học. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Berlin, Đức và Tiến sĩ quản lý giáo dục của Học viện Quản lý Giáo dục.

Trước khi gắn bó với Vingroup, nữ chủ tịch này từng là một chuyên gia tài chính sắc sảo, đảm nhiệm vai trò Giám đốc Kinh doanh Ngân hàng ABN Amro, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập của Công ty tài chính quốc tế IFC, Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn Nghiệp vụ Ngân hàng (2005-2013). Đồng thời, còn có thời gian làm giảng viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Những năm tháng ấy đã rèn giũa người phụ nữ này thành một nhà lãnh đạo bản lĩnh, luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách mới.

Năm 2013, cô Mai Lan bước vào một hành trình mới khi gia nhập Vingroup. Tại đây, cô nhận nhiệm vụ thành lập Vinschool. Hệ thống giáo dục K-12 chất lượng cao tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chỉ sau 6 năm, từ một ý tưởng trên giấy, Vinschool vươn mình trở thành hệ thống trường K-12 lớn nhất Việt Nam với 54 cơ sở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng, phục vụ gần 49.200 học sinh.

Không dừng lại ở đó, năm 2016, Tiến sĩ Lê Mai Lan tiếp tục nhận trọng trách lớn hơn: Dẫn dắt dự án thành lập ĐH VinUni. Ngôi trường được kỳ vọng mang đẳng cấp quốc tế, được công nhận và xếp hạng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 2.

Để đi nhanh và đi đúng hướng, nữ Chủ tịch xác định VinUni phải bắt tay được với “những người khổng lồ” - các trường đại học hàng đầu thế giới. Mùa đông năm đó, cô cùng với các cộng sự miệt mài đi từ bang này qua bang khác của Mỹ để ‘gõ cửa’ các trường nhóm Ivy.

Hành trang mang đi của đoàn công tác chỉ vỏn vẹn 1 video giới thiệu về tập đoàn Vingroup, một lá thư giới thiệu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và một tờ A4 với vài gạch đầu dòng về mong muốn xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam.

Cho dù VinUni là trường của một tỷ phú, thế nhưng để thiết lập được mối quan hệ không hề dễ. Đoàn công tác của VinUni liên tục nhận về những cái lắc đầu.

Song với niềm tin ‘cứ gõ, cửa sẽ mở’, cuối cùng, VinUni cũng có thể đặt bút ký hợp tác với ĐH Pennsylavania và ĐH Cornell năm 2018. Đến tháng 12 năm 2019, VinUni nhận được quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cánh đồng làng Đa Tốn (Hà Nội), chỉ sau 14 tháng, một trường đại học với phong cách châu Âu đã thành hình và chính thức đón lễ khai giảng đầu tiên vào tháng 10/2020.

Bắt đầu từ con số 0, Tiến sĩ Lê Mai Lan cùng toàn bộ giảng viên và sinh viên nhà trường đã viết nên một câu chuyện rất “có” - có tầm nhìn, có khát vọng, có chứng nhận của quốc tế rõ ràng.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 3.

Sau 5 năm phát triển thần tốc (kể từ tuyển sinh khoá 1 năm 2020), VinUni đã trở thành trường đại học trẻ nhất với tốc độ nhanh nhất thế giới đạt chứng nhận QS 5 Sao toàn diện.

Tất nhiên, con đường của VinUni không dừng lại ở đó. Mới đây, ngôi trường này tiếp tục đặt mục tiêu lọt top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Một lần nữa Tiến sĩ Lê Mai Lan cùng các cộng sự của mình phải giải bài toán khó hơn, cần sự hợp lực cả trong và ngoài nước.

Song cô khẳng định đây là thời điểm vàng của Việt Nam nói chung và lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng. “Nếu bây giờ không quyết tâm làm thì biết bao giờ mới có thể làm được” Tiến sĩ Lê Mai Lan nói.

Trong chặng đường xây dựng ĐH VinUni, nữ Chủ tịch không chỉ mong muốn ghi danh tên trường vào các bảng xếp hạng danh giá của thế giới. Cô kỳ vọng VinUni phải trường tồn cùng thời gian.

Cuộc sống của con người là hữu hạn nhưng chúng tôi muốn ngôi trường này mãi mãi trường tồn. “ADN” của trí tuệ, khát vọng, bản lĩnh, sẽ còn được nhân rộng đến hàng trăm năm sau ”, TS Lê Mai Lan bộc bạch.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 4.

30 năm trước, trường Đại học Ngoại thương là nơi cho cô nữ sinh Phạm Thu Hương sự tự tin và khát vọng khám phá thế giới. Tấm bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế đối ngoại và 2 năm kinh nghiệm trợ giảng ở khoa Quản trị kinh doanh mở ra cho cô Hương cánh cửa đến Đan Mạch học Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Aarhus.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 5.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế tại đại học hàng đầu Đan Mạch, cô Thu Hương tiếp tục gắn bó với Ngoại thương vì coi nơi đây là “nhà” để trở về. Cô hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại ngôi trường mình công tác và nhận học hàm Phó giáo sư vào năm 2020.

Trong hai thập kỷ, PGS.TS Phạm Thu Hương đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt của nhà trường, từ giảng viên, Trưởng bộ môn nghiệp vụ của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đến Phó hiệu trưởng. Cô là người khởi xướng mô hình đào tạo gắn liền với phát triển nghề nghiệp của người học, đồng thời triệt để áp dụng mô hình “campus in campus” nhằm thúc đẩy khai thác hiệu quả nguồn lực từ hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế cho phát triển giáo dục đại học.

“Theo thời gian, tôi cảm nhận ngày càng sâu sắc hơn về lý tưởng giáo dục mà mình mong muốn theo đuổi khi gắn bó với Ngoại thương thông qua chính những niềm vui giản dị được đồng nghiệp chia sẻ sau mỗi giờ lên lớp, khi có được kết quả nghiên cứu ý nghĩa hay khi tham gia các chương trình vì cộng đồng và niềm tự hào vô tận của thầy cô trước sự trưởng thành của người học”, cô Hương chia sẻ.

Ngày 2/7/2025, PGS.TS Phạm Thu Hương được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng bùng nổ với thông tin Ngoại thương có nữ Hiệu trưởng thứ hai sau 20 năm.

Khát vọng khám phá thế giới để cháy hết mình cho những ước mơ của nữ sinh Ngoại thương năm nào giờ đây đã trở thành khát vọng thực hiện chiến lược phát triển đưa trường Đại học Ngoại Thương trở thành một trong những trường đại học hàng đầu Châu Á của tân Hiệu trưởng.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 6.

Đây cũng là mục tiêu thử thách với PGS.TS Phạm Thu Hương trong bối cảnh trường Đại học Ngoại thương được đánh giá là ngôi trường kinh tế hàng đầu Việt Nam nhưng chưa từng có tên trong các bảng xếp hạng học thuật danh tiếng quốc tế.

Thử thách luôn đi đôi với cơ hội, như trong lá thư cô Hương viết gửi các sĩ tử 3 năm trước có câu “Một vùng biển lặng không tạo ra được thủy thủ giỏi”. Chính vì vậy, với những kết quả Ngoại thương đã đạt được trong hành trình nhiều thách thức đã qua và sự tự hào vào giá trị riêng của trường, nữ Hiệu trưởng bày tỏ niềm tin: Không có gì là không thể.

“Là trường tự chủ đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học, trải qua nhiều thách thức và phải trả giá không ít, chúng tôi đã học được cách vượt qua chính mình và dám dấn thân cho những thử thách mới. Chính bởi vậy, tư duy “không có gì là không thể” và phương châm “khác biệt để dẫn đầu” đã thấm nhuần vào trong chiến lược phát triển, chương trình hành động và trong cách giáo dục người học của Nhà trường” , tân Hiệu trưởng Ngoại thương nhấn mạnh.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 7.

Giáo dục khai phóng (Libral Arts) là khái niệm còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Không giống mô hình giáo dục đại học chuyên ngành truyền thống, giáo dục khai phóng cung cấp một lượng kiến thức rộng mang tính liên ngành và đa ngành, những kỹ năng có thể chuyển đổi để tăng cường khả năng lựa chọn ngành nghề cho người học. Trong hơn 200 trường đại học hiện nay tại Việt Nam, Fulbright là ngôi trường đầu tiên và nằm trong số ít những trường theo đuổi mô hình giáo dục này.

Tân Hiệu trưởng Fulbright Việt Nam, TS Đinh Vũ Trang Ngân cũng từng là sinh viên của ĐH Bates, một ngôi trường giáo dục khai phóng tại Mỹ. Trải nghiệm học tập 4 năm được cô ví như “bàn tiệc buffet” với nhiều lựa chọn môn học, cho cô cơ hội khám phá tất cả những lĩnh vực bản thân có đam mê để tìm ra định hướng công việc phù hợp nhất.

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 8.

Sau khoảng thời gian học tập đầy thử thách tại ĐH Chicago (Mỹ) và 4 năm làm việc tại công ty tư vấn kinh tế - luật, cô Ngân bén duyên với sự nghiệp giáo dục từ một lời mời về trường cũ làm giảng viên thỉnh giảng. Một năm giảng dạy tại ĐH Bates giúp cô tìm lại đam mê với giáo dục và là bước đệm để cô về Việt Nam, tham gia chương trình giảng dạy kinh tế tại Đại học Fulbright Việt Nam vào năm 2008.

Việc về nước cũng không hề dễ dàng với TS Đinh Vũ Trang Ngân khi cô phải thích nghi với môi trường giáo dục mới, dạy các học viên lớn tuổi hơn mình đến từ khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Những năm đầu tại Fulbright là quãng thời gian cô "đi học" từ chính học viên của mình thông qua các câu chuyện và trải nghiệm thực tế. Đó là hành trang giúp cô vững vàng hơn trên hành trình chinh phục tấm bằng Tiến sĩ tại ĐH Cambridge (Anh) với đề tài nghiên cứu: góc nhìn của thế hệ trẻ Việt Nam về đất nước và thời đại của họ.

Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ, cô Ngân trở lại Fulbright đúng vào thời điểm chương trình giảng dạy kinh tế chuyển mình thành trường đại học. Nữ Tiến sĩ bắt đầu đi đến các trường học để lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên về câu chuyện “Thế nào là một trường đại học mơ ước?”

3 nữ lãnh đạo của các trường ĐH danh tiếng Việt Nam: Người liên tục được tỷ phú tín nhiệm, 2 người vừa nhậm chức ôm khát vọng tạo đột phá cho giáo dục nước nhà - Ảnh 9.

Từ những câu trả lời họ nhận được và tinh thần “đồng kiến tạo” (co-design), các giảng viên và 54 sinh viên khóa đầu tiên đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho Fulbright. Với TS Đinh Vũ Trang Ngân, xây một ngôi trường hoàn toàn mới là hành trình có tính khởi nghiệp, đầy những rủi ro, mạo hiểm và cần nhiều người đồng đội “có cùng ước mơ”. Vượt qua khó khăn trong những năm đầu tiên, cô Ngân và đội ngũ kiên trì với mục tiêu kiến tạo một ngôi trường “trong mơ” đáp ứng kỳ vọng của chính Fulbright và sinh viên.

Năm 2023, lễ tốt nghiệp của ĐH Fulbright có tên gọi “Những điều đầu tiên”, đánh dấu thế hệ sinh viên tốt nghiệp cử nhân đầu tiên của trường. Hai năm sau, Fulbright Việt Nam lại có thêm một điều đầu tiên khác, đó là nữ Hiệu trưởng đầu tiên sau gần một thập kỷ thành lập trường. Tiến sĩ Trang Ngân chính thức đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng của Trường ĐH Fulbright Việt Nam từ 10/7/2025.

Chia sẻ sau khi được bổ nhiệm, TS Đinh Vũ Trang Ngân nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo các chương trình học thuật trọng điểm tại Fulbright Việt Nam có đầy đủ nguồn lực để phát triển và mở rộng. Từ việc thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Fulbright, Tân Hiệu trưởng bày tỏ nỗ lực của nhà trường trong việc phát triển thế hệ công dân toàn cầu – những người có nền tảng học thuật vững chắc và tư duy làm chủ các công nghệ tiên tiến.

Chia sẻ