3 chương chưa đủ để "vạch trần" chồng cũ - MC Thanh Bạch, NS Xuân Hương tiếp tục bổ sung chuyện má chồng hành hạ, lo con dâu tuồn tiền về nhà mẹ đẻ
Không dừng lại tại đó, NS Xuân Hương còn hứa hẹn những phần tiếp theo sẽ là "những chuyện vỡ tim".
Đến hẹn lại lên, từ sau tuyên bố sẽ trải lòng mình, NS Xuân Hương liên tục đều đặn đăng tải các bài viết vạch mặt chồng cũ - MC Thanh Bạch.
3 chương đã trôi qua nhưng có vẻ như những thông tin mà NS Xuân Hương muốn công bố vẫn còn. Mới đây, NS Xuân Hương còn cẩn thận bổ sung thêm phần thiếu của chương 3 mang tên "Lò luyện thép".
Trong phần này, NS Xuân Hương đề cập tới chuyện thú mua sắm vô tội vạ của MC Thanh Bạch.
"Tôi không biết lãng mạn, không biết nũng nịu, không biết ăn diện cho chồng đẹp mặt đẹp mày, không biết đi chơi. Tôi chỉ lo đi làm, nuôi con, quanh quẩn trong nhà nơi xó bếp. Thật quá tội nghiệp cho anh khi anh là một người thích lãng mạn, thích ngao du, thích mua bất cứ thứ gì anh thấy trên đường đi bất kể trong nhà đã có rồi hay không hề cần đến", bà chia sẻ.
Không chỉ áp lực bên chồng, NS Xuân Hương còn tiết lộ những hà khắc của mẹ chồng dành cho bà. Thời điểm con trai ốm phải nằm bệnh viện, NS Xuân Hương vừa phải lo lắng cho con vừa phải chăm sóc mẹ chồng. Tuy nhiên, mẹ chồng vẫn răn đe bà chuyện tiêu tiền và khẳng định "con trai cưng" của mình là MC Thanh Bạch có quyền tiêu tiền vì làm ra tiền.
NS Xuân Hương chia sẻ: "Cứ mỗi lần má anh lên nhà hoặc anh về quê lên là coi như không khí gia đình giữa tôi và anh càng thêm ngộp thở. Hồi xưa khi nghe nói Phát Xít Đức xả hơi ngạt vào phòng nhốt người Do Thái tôi không tưởng tượng nó như thế nào. Bây giờ tôi mới hiểu".
Chương 3 (tiếp theo): "LÒ LUYỆN THÉP"
Phần b
Sống chung với một người như tôi công nhận cũng chán thiệt. Tôi không biết lãng mạn, không biết nũng nịu, không biết ăn diện cho chồng đẹp mặt đẹp mày, không biết đi chơi. Tôi chỉ lo đi làm, nuôi con, quanh quẩn trong nhà nơi xó bếp.Thật quá tội nghiệp cho anh khi anh là một người thích lãng mạn, thích ngao du, thích mua bất cứ thứ gì anh thấy trên đường đi bất kể trong nhà đã có rồi hay không hề cần đến.
Đặc biệt là anh rất thích làm khác hẳn ý tôi-ngay cả trong cách dạy con. Thí dụ tôi dạy cho con biết quý trọng đồng tiền, không xài hoang phí thì mỗi lần chở con đi chơi về là anh mua đủ thứ nào là mặt nạ cả chục cái, gươm đao giáo mác, súng ống đủ loại, máy bay tàu chiến máng đầy chiếc xe máy như một cửa hàng di động. Nếu có tôi cùng đi, thấy anh mua mà tôi bảo đừng mua thì anh cho rằng tôi làm mất mặt anh. Ngay lập tức anh nổi trận lôi đình. Mà trận nào ra trận đó làm cho tôi phải đứng tim.
Nhớ có lần anh chở tôi và con vô diễn ở Đầm Sen. Thằng con thấy đồ chơi đòi mua. Tôi nói món đó ở nhà đã có rồi. Thế là mặt anh sa sầm lại. Mở khoá xe. Rồ ga thật mạnh chạy lạng lách từ bên nầy đường sang bên kia đường bất kể cha già mẹ yếu làm trái tim tôi muốn rớt xuống đất, tóc tai tôi dựng đứng không biết chuyện gì xảy ra và tại sao mình lại trở thành diễn viên xiếc diễn trò mô tô bay ngay trên đường phố. Mọi người thất kinh dạt ra hai bên đường như tránh đường cho xe cứu thương chạy vậy. Người thì chỉ trỏ cười thật vui:"Á! Thanh Bạch-Xuân Hương kìa!". Anh vẫn tiếp tục phóng như điên vừa giảng dạy cho tôi những bài học về đạo đức làm vợ:"Anh là một nghệ sĩ nổi tiếng, ra đường ai cũng biết. Vậy mà em làm mất mặt anh. Em cản không cho anh mua trước mặt bao nhiêu người bán hàng thì người ta nghĩ anh như thế nào?!" Vừa giảng dạy anh vừa lạng lách tiếp. May là tới ngã tư đèn đỏ màn trình diễn xiếc mô tô bay chấm dứt. Hú vía, tôi xuống xe dẫn thằng con đi bộ về vì tiền nằm trong túi anh.
Sau nhiều lần như vậy tôi mới ngộ ra rằng trong con người anh có cái "hộc môn" sắm đồ dù món đó có xài được hay không và ở nhà đã có rồi.
Qua nhiều lần thử thách rồi cũng quen nên tôi cũng vui vì hiểu rằng nhờ có những trò chơi cảm giác mạnh như vừa kể thì tôi mới được thử thách sự dẻo dai của trái tim và độ bền của thần kinh.
Má anh cũng rất cưng người con trai duy nhất của mình nên bà rất thường hay dạy tôi hoặc nhắc nhở anh phải khép tôi vô khuôn khổ gia đình anh.
Nhớ có lần con tôi bị bệnh viêm màng não mũ. Đem vô bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng rất nặng. Phải lấy tuỷ sống những ba lần trong suốt hơn một tháng điều trị. Tôi như người mất hồn, không ăn không uống, không còn tha thiết đến bất cứ điều gì. Tôi nằm vật vạ trên một tấm chiếu rách của bệnh viện bất kể dơ sạch, chỉ mong con tôi được sống và không để lại di chứng gì. Mỗi lần lấy tuỷ sống là tim tôi ngừng đập, máu tôi ngừng chảy, lồng ngực như nghẹt thở.
Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, anh kêu má anh lên vô bệnh viện phụ tôi. Lúc đó bà ăn chay trường nên tôi ngoài việc lo cho con bệnh nằm đó còn tất bật lo bữa ăn cho bà. Ban ngày tôi trông con. Tối nhờ người cháu vô với con tôi để tôi đi diễn vì bà bảo bà không trông được. Anh thì ban ngày bận ở nhà nghỉ ngơi. Chỉ khi diễn xong đưa tôi trở lại bệnh viện thì mới thấy mặt con.
Má anh thấy tôi "ngồi không" ở bệnh viện nên dạy tôi rằng:"Bây xài tiền phải biết tiện tặng. Ông trời ổng cho mình cái lộc. Mà hễ mình xài không biết để dành thì ông trời sẽ lấy lại, không cho nữa".
Bà sợ tôi đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ tới thằng con ốm mà sao nhãng nên bà vô cùng kiên nhẫn lập đi lập lại cả trăm lần cho tôi phải biết mắc cỡ với những người xung quanh. Khổ nỗi lúc đó trái tim tôi đã sắp vỡ tan, dây thần kinh của tôi đã căng lên như dây đàn vì tính mạng của con như chỉ mành treo chuông. Tôi không còn thiết tha đến bất cứ điều gì thì tôi còn lòng dạ đâu mà nghe bà dậy bảo cơ chứ!
Bà cứ nói đi nói lại nhiều lần. Tôi hiểu bà muốn nói gì vì tôi ở gần ba má tôi. Tôi đã rất mệt mỏi vì bị nghi ngờ lén tuồn tiền cho ba má tôi.
Tôi đã quá mệt mỏi, nhưng cũng ráng phân bua với bà:"Má ơi, con không có tiêu xài gì hết. Má nhìn coi quần áo con có gì đâu! Trong nhà con cũng không sắm gì. Chỉ có điều là anh Bạch hay mua đủ thứ, mà toàn là những thứ không cần dùng rất hoang phí. Con nói ảnh không nghe. Con nhờ má nói dùm với ảnh vì ảnh chỉ có nghe lời má và em Phượng thôi". Tôi vừa dứt lời thì bà bảo rằng:"Thằng Bạch làm ra tiền. Nó có quyền. Tao ăn chay để cầu nguyện cho tụi bây hạnh phúc mà tụi bây cứ gây lộn". Vậy là coi như happy ending!
Cứ mỗi lần má anh lên nhà hoặc anh về quê lên là coi như không khí gia đình giữa tôi và anh càng thêm ngộp thở. Hồi xưa khi nghe nói Phát Xít Đức xả hơi ngạt vào phòng nhốt người Do Thái tôi không tưởng tượng nó như thế nào. Bây giờ tôi mới hiểu.
Cũng một vài lần tôi nhờ anh nói giúp với má anh bớt khó khăn với tôi. Anh bảo rằng:"Tại sao em lại bắt buộc má anh phải làm giống em chứ?! Biết là em đúng, nhưng cha mẹ nói dù có sai cũng phải nghe. Tại sao em cứ khư khư ôm cái đúng của mình để làm gì? Cái đúng không đem lại hạnh phúc. Em muốn giữ cái đúng của em thì ly dị! Ly dị! Ly dị!
Rồi anh nhắc từng chuyện má anh và em anh không hài lòng về tôi. Tôi phải đính chánh lại vì câu chuyện không phải như vậy. Anh bảo:"Má anh là một người đa sầu đa cảm. Coi phim hoặc đọc tiểu thuyết thấy những người có hoàn cảnh khổ sở má anh còn khóc thương. Làm sao má anh có thể hành hạ con dâu được?!"
Tôi bảo:"Nếu như má gặp một con dâu, một người vợ bị hành hạ như em thì bảo đảm má sẽ khóc chết luôn cho mà coi."
(số kế tiếp sẽ là những chuyện vỡ tim)