BÀI GỐC Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

(aFamily)- Mẹ bỏ đi, bố lấy vợ hai, em lớn lên với bà nội cùng những lời nhiếc móc của bà rằng em là cái nợ mà mẹ em bỏ lại..., khiến em nhiều lúc quẫn trí muốn bỏ đi.

10 Chia sẻ

Tôi từng bị mẹ mắng trước mặt khách

,
Chia sẻ

(aFamily)- Không vừa ý ai là mẹ chị mắng luôn tận mặt, bất kể xung quanh có người lạ hay khách khứa.

Vài dòng gửi A!

Chị cũng là con gái nên muốn chia sẻ cùng A vài điều chị chiêm nghiệm trong cuộc sống. Cũng là những thứ mà tuổi như em, chị đã khó chịu, nhiều khi chống đối với sự hà khắc khó tính của mẹ. Nhưng bây giờ khi đã lập gia đình, có con cái, chị mới thấm thía những điều mẹ dạy cho mình lúc ở nhà.

Phận làm con hay cháu không bao giờ tránh được những lúc bị ông bà cha mẹ mắng mỏ. Biết là khó chịu, bực tức song để người trong nhà nói mà mình khôn ra còn hơn ra xã hội, người ta mắng mình không thương tiếc, lúc đó khéo đau hơn.

Mẹ chị là một người đàn bà khó tính và bốc đồng rất giống bà nội A. Ai không vừa ý, mẹ chị mắng luôn tận mặt, bất kể xung quanh có người lạ hay khách khứa. Chị đã có những lần bị như vậy. Mẹ chị không giữ ý tứ che đậy khuyết điểm của mình hay con cái. Chính vì vậy, ở gần bà, không theo ý hoặc không làm đến nơi đến chốn thì chỉ còn nước nghe bà mắng nhiếc, ngượng muốn chui xuống đất.

Mẹ chị nấu ăn rất khéo, phải nói các món ăn dưới tay nghề đầu bếp của bà, ai cũng phải trầm trồ, thán phục. Chị là con út, trên có chị gái, từ bé vốn được chiều chuộng nên khi chị gái đi lấy chồng thì mọi việc nhà cửa, nội trợ mẹ chị giao lại cho chị. Đang sướng quen, được mọi người hầu, giờ phải phục vụ, chị thấy vất vả thêm bao nhiêu.

 
Nấu ăn đối với chị như cực hình, còn mẹ chị bắt đầu phát hiện ra sự đoảng vị của con gái. Bà không thể chấp nhận nổi những món ăn do chị chế biến. Bà chửi té tát ngay cả trong mâm cơm, trong bếp nấu, có khi trước cả mặt chàng rể. (Bố chị rất hiền không nói gì cả). Những lần như thế, chị thấy tự ái và chán nản luôn cả việc làm bếp. Chị không hiểu sao mẹ chị khắt khe đến thế. Món ăn không đúng khẩu vị, chế biến không đúng cách thì không qua nổi mắt bà.

Mẹ chị không chỉ mắng mà còn nhớ rất dai, chẳng may nấu món gì đó không ngon, đến lần sau nấu lại món đó thế nào bà cũng nhắc lại và coi như đó là đòn cảnh cáo. Thậm chí bà không dạy cách mà đòi hỏi chị phải tự học, phải nhìn bà nấu để bắt chước. Món nào bà thực hành rồi mà không học được thì đừng hi vọng có lần sau, cũng đừng có thanh minh với bà.

Một dạo, chị rất sợ phải nội trợ dưới sự giám sát của mẹ, nó chẳng khác nào cực hình. Thế mà mẹ chị không hiểu, còn gắt gao hơn. Càng về sau, bà càng xiết chặt việc nữ công gia chánh của chị. Nhiều hôm, chị viện lý do này, kia để trốn việc nấu ăn. Song được vài lần, mẹ chị phát hiện ra, bà bắt chị phải ăn cơm mà không được đụng tới thức ăn bà nấu. Muốn ăn ngon thì phải vào bếp mà làm lấy, tôi không hầu và theo dạy cô được mãi. Bà nói ráo hoảnh như người dưng nước lã.

Những lúc như thế, chị cũng thất vọng về mẹ, chị không hiểu sao mẹ lại ghê gớm, hà khắc với con cái đến vậy. Tại sao cứ bắt con cái làm cái việc nó không hề thích. Cũng buồn, cũng tự ái mỗi khi mẹ mắng mỏ. Song đến lúc bình tĩnh, chị chợt nhận thấy, mẹ rất giỏi nội trợ nên cả gia đình mới được nhờ vả. Bố chị rất tự hào về vợ dù cho bà la sát, bạc mồm.

Chị nhận ra chị gái chị cũng học ở mẹ tài nội trợ giỏi đó và những năm tháng ở nhà, chị ít khi bị mẹ mắng hay soi xét như chị. Chị chợt hiểu ra với người phụ nữ, việc đảm bếp núc, nội trợ rất quan trọng. Người đàn ông cũng đánh giá cao những người đàn bà đảm đang. Và chị đã thay đổi, học cách làm bếp một cách tự giác, tìm tòi, chế biến nhiều hơn. Chịu khó hỏi han mẹ và sẵn sàng lấy những lời mắng mỏ của mẹ làm động lực cho lần sau thực hiện tốt hơn.

Trước khi đi lấy chồng, chị cũng thành một cô gái đảm đang. Ngày về ra mắt nhà người yêu, chị đã đứng bếp nấu một mâm cơm thịnh soạn làm hài lòng tất cả những thành viên trong gia đình anh ấy. Đến giờ, khi đã làm dâu được bao năm, chị luôn được lòng mẹ chồng và gia đình chồng. Nhờ tài nội trợ mà chị có một gia đình hạnh phúc.

Lúc nào chị cũng muốn nói lời cảm ơn mẹ. Vì những lời nói nặng của bà, chị đã tiến bộ như hôm nay. A thấy rồi đó, không phải người thân mắng mà họ hết yêu thương chúng ta. Đôi khi họ chỉ muốn chúng ta tốt lên. Chị hi vọng em cũng có điểm giống chị.

Mong em luôn vui vẻ và phấn đấu, lạc quan với cuộc sống!

Chia sẻ