BÀI GỐC Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

(aFamily)- Mẹ bỏ đi, bố lấy vợ hai, em lớn lên với bà nội cùng những lời nhiếc móc của bà rằng em là cái nợ mà mẹ em bỏ lại..., khiến em nhiều lúc quẫn trí muốn bỏ đi.

10 Chia sẻ

Hận mẹ tôi, bà nội nhẫn tâm ruồng rẫy chị em tôi

,
Chia sẻ

(aFamily)- Suốt một thời gian dài, tôi đã hận bà lắm. Hận bà đã coi như không có chị em tôi trên đời, hận bà đã quá tàn nhẫn.

Là phận con cháu, lẽ ra phải yêu thương hiếu kính với ông bà. Nhưng không làm sao, tôi có thể vượt qua nỗi đau quá khứ để gần bà nội hơn. Không bao giờ tôi có thể quên những lời bà đã nói với chị em tôi, không bao giờ có thể quên những việc bà đã làm. Vì cuộc sống mà chị em tôi đang sống vẫn đang ngày ngày khiến tôi nhắc lại quá khứ. Tại sao? Tại sao bà là bà ruột của chúng tôi mà lại đổi xử với chúng tôi như thế? 

Bà nội ghét mẹ tôi, vì xuất thân của mẹ. Bà không muốn có một người con dâu như thế. Mẹ tôi không có bố, bà ngoại chửa hoang mà sinh ra mẹ tôi. Nhưng mẹ lại có nhan sắc làm bố đắm đuối. Bố quyết tâm lấy mẹ, dù cả gia đình ngăn cả, đe dọa từ. Mẹ tôi là người đàn bà không tốt, có lẽ vậy. Vì sau khi lấy bố về, mẹ vẫn không vừa lòng, mẹ vẫn qua lại với một vài người đàn ông khác.
 
Bố tôi buồn lắm, đắm chìm trong men rượu rồi chết vì cảm trong một cơn say. Bà càng hận mẹ hơn bao giờ hết, bà nói không nhận chị em tôi, dù hai chị em giống bố như tạc. Mẹ đã phản bội bố, nhưng chúng tôi là con của bố.

Bố mất đi, cuộc sống của ba mẹ con quá khó khăn, rồi mẹ bỏ chị em tôi mà đi theo người đàn ông khác. Khi ấy chị tôi 14 còn tôi mới lên 8. Không còn chỗ nào để bấu víu, nương tựa. Bà không nhận chị em tôi về nuôi. Bà bảo đến mẹ còn chẳng cần chúng tôi, còn ruồng rẫy thì tại sao bà phải thừa nhận? Tại sao bà phải nuôi nấng chúng tôi? Chúng tôi đâu phải cháu bà. Mặc người đời khuyên can, nhất quyết bà không nhận. Chị gái tôi – từ một đứa trẻ, thoắt cái trở thành trụ cột “gia đình” bé nhỏ gồm hai người. Chị phải nghỉ học, đi làm và chăm sóc tôi. Hồi đó, chị học giỏi lắm.

Tuổi thơ tôi cơ cực lắm, chị tôi dầu sao cũng chỉ là một đứa trẻ. Chị khâu nón, chị thêu thùa, chị làm tất cả những gì có thể cho chúng tôi. Mấy người bác (anh ruột của bố) vì thương thỉnh thoảng lén bà qua cho chị em tôi cái này cái kia bị bà mắng chửi không thương tiếc và cấm đoán không cho đến. Bác gái vẫn lén đến, cái thằng trẻ con là tôi vừa đưa tay đỡ tấm bánh bác cho thì bà đến giằng và dẫm nát. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh ấy, không bao giờ quên được nỗi đau ấy.

Cuộc sống thế mà cứ lầm lũi qua, chị em tôi vẫn sống sót qua mỗi ngày. Chị nuôi tôi lên cấp 3 rồi đại học. Người ta bảo thời sinh viên là thời đẹp nhất, nhưng tôi không cảm nhận đuợc. Tôi quay cuồng với những việc làm thêm, chật vật lo cuộc sống. Chị đã lo cho tôi hơn mười năm trời, giờ đây chị cần có cuộc sống riêng. Lẽ ra tương lai chị có thể đã khác, nhưng cuộc đời chị mãi mãi vất vả, còn chưa tốt nghiệp cấp 2, ở xã hội này, con đường sáng nào dành cho chị cơ chứ? Nhìn chị vất vả, lòng tôi lại xót xa.

Suốt một thời gian dài, tôi đã hận bà lắm. Hận bà đã coi như không có chị em tôi trên đời, hận bà đã quá tàn nhẫn. Giá bà giang tay ra thì cuộc đời chị em tôi (nhất là chị tôi đã khác). Nhưng bây giờ, tôi đã chỉ còn buồn mà không còn hận nữa. Bà đã sinh ra, nuôi lớn bố chúng tôi, bà chẳng có trách nhiệm gì với chị em tôi cả. Chúng tôi không có quyền trách bà, chỉ là buồn mà thôi.

A ạ, tôi biết em buồn. Nhưng em đọc câu chuyện của tôi để thấy rằng em còn may mắn nhiều lắm, còn được yêu thương nhiều lắm. Hãy trân trọng những gì mình đang có. Được là “của nợ” vẫn là một may mắn đó em, vì còn được là “của”, còn được người ta mang theo.

Chia sẻ