BÀI GỐC Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

Tổn thương khi bị bà nội coi như "của nợ"

(aFamily)- Mẹ bỏ đi, bố lấy vợ hai, em lớn lên với bà nội cùng những lời nhiếc móc của bà rằng em là cái nợ mà mẹ em bỏ lại..., khiến em nhiều lúc quẫn trí muốn bỏ đi.

10 Chia sẻ

Cách giáo dục của bà nội A thật "có vấn đề"!

,
Chia sẻ

(aFamily)- Chúng ta luôn dành cho người già sự kính trọng cũng như thông cảm song không phải vì thế mà chúng ta giấu đi những cái sai bà nội của A đã gây cho cháu.

Cháu A thân mến!

Đọc câu chuyện của cháu, bác miên man với bao suy nghĩ. Có những điều tưởng như đơn giản song nếu suy xét kỹ càng mới thấy vấn đề trong đó. Có những lời nói khi phát ngôn ra cho sướng mồm nhưng hậu quả thật nặng nề.

Hôm nay cháu ngồi viết ra cảm xúc, suy nghĩ của mình về bà nội cho mọi người cùng đọc. Bác cảm nhận được phần nào sự ức chế, chút gì đó vừa trẻ con, vừa người lớn của A.

Không trẻ con sao được khi cháu còn nhớ mọi trận đòn roi của bà, nhớ bữa cơm, miếng thịt, quần áo hay vụ phạt không được đắp chăn. Trong tiềm thức trẻ con ấy, bà thật ác và có lẽ cháu nghĩ bà giống người dưng nước lã hơn. Chính vì thế, cháu nảy sinh tâm trạng muốn trốn đi nhưng chưa một lần dám thực hiện

Rồi có lúc cháu lại rất người lớn. Muốn lấy chồng để được giải thoát khỏi bà song lại muốn phải khẳng định bản thân mình để cho bà biết. Rồi cháu nghĩ bà vẫn tốt với mình ngoài những lúc bà nóng hay việc đi ra ngoài, ai hỏi cháu cũng nói tốt về bà.

Cháu cũng 21 tuổi rồi, cái tuổi nếu ở quê tương đối chững chạc. Có lẽ hoàn cảnh của cháu éo le do bố mẹ bỏ nhau, bố lấy vợ hai, không gần gũi dạy bảo con lại để bà nội làm việc đó. Tính bà nội lại như vậy nên thành ra A bị ảnh hưởng rất nhiều.

Bác không hề hài lòng với cách dạy cháu của bà, bởi mấy lý do sau:

Khi cháu còn trẻ, đầu óc còn trẻ con giống như tờ giấy trắng. Lúc đáng nhẽ phải nhận những lời dỗ âu yếm, sự chăm sóc cưng nựng thì bà lại cho cháu những lời chửi bới, đòn roi. Ở thời điểm này, bạo lực với con trẻ là điều cấm kị. Bởi nó sẽ làm cho đứa trẻ sợ hãi hoặc có thể làm nó dạn đòn. Điều này rất không tốt.
 
Cũng trong giai đoạn này, đứa trẻ bắt đầu biết nhìn nhận, việc bà nội không công bằng trong ban phát tình cảm, vật chất cho cháu sẽ khiến cho đứa trẻ ghen tị và khi bị chửi mắng vì thói ghen tị sẽ khiến chúng tự ti. Việc đối xử nhất bên trọng, nhất bên khinh làm cho trẻ mất niềm tin vào người lớn và hình thành thói trầm cảm hay chống đối. Ở A chính là sự trầm cảm.

Đến khi cháu lớn, đến tuổi bồng bột, bà vẫn đem chửi bới và đòn roi ra dùng. Lúc này con trẻ chắc chắn sẽ chống đối. Đơn giản, chúng không còn trẻ con để chịu mọi thứ lấn lướt từ người lớn, chúng có suy nghĩ riêng, muốn hành động theo ý thích của mình. Nếu người lớn không nắm rõ tâm lý giai đoạn này của trẻ sẽ khiến cho trẻ tự ái, thể hiện cái tôi bằng cách nghĩ quẩn, bỏ nhà đi. Trường hợp của A cũng vậy, em nhiều lần muốn bỏ đi.

Khi trẻ đến giai đoạn có người khác giới quan tâm, để ý thì việc chửi mắng và đòn roi là một biện pháp tồi. Lúc này cái tôi của trẻ vô cùng lớn. Nếu không biết giữ thể diện cho trẻ, sẽ khiến chúng bị sốc nặng.

Chúng ta luôn dành cho người già sự kính trọng cũng như thông cảm song không phải vì thế mà chúng ta giấu đi những cái sai bà nội của A đã gây cho cháu. Đáng nhẽ phải rộng lượng, thương đứa cháu phải xa mẹ từ bé, dành cho nó nhiều tình cảm để bù đắp tốt hơn là có những lời không hay và tra tấn đòn roi với nó. Chúng ta, những người lớn, có thể nhìn nhận tình huống này như một bài học quý trong dạy dỗ con cái.

Chúng ta liệu sẽ nói được gì nếu một đứa trẻ trong hoàn cảnh ấy cảm thấy bị tổn thương? Liệu chúng ta trách chúng hay trách chính những người lớn đã không hoàn thành trách nhiệm.

Rất may một điều là cháu A trong câu chuyện này vẫn còn biết đúng sai và chịu đựng. Cháu là một đứa trẻ tốt A ạ, bác chúc cháu biết chấp nhận, vượt qua mọi khó khăn và có niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn về sau.

Chúc cho những bậc ông bà, cha mẹ sau khi đọc xong câu chuyện này sẽ rút ra bài học kinh nghiệm quý để dạy bảo con cái tốt hơn.

Chia sẻ