Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc

Ocean,
Chia sẻ

Sau 1 tuần kiên trì, từ một cậu bé ngủ vặt chỉ được chừng 30 - 45 phút mỗi giấc, thậm chí phải bế rong trên tay dỗ dành mãi mới ngủ, chị Hà đã luyện con ngủ ngày thành công, ra giấc đều đặn và tự ngủ ngoan.

Nhìn những em bé ngủ say giấc, sinh hoạt điều độ để dành cho người lớn khoảng thời gian riêng quý giá, chắc hẳn bà mẹ nào cũng thích thú và ước ao. Thế nhưng, đằng sau những em bé như thế là một bà mẹ thông thái với quá trình luyện con ngủ rất gian nan mới có ngày được hưởng quả ngọt. Chị Nguyễn Ngọc Hà (28 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) là một trong số những bà mẹ như thế. Kể từ khi bé 2,5 tháng tuổi, chị đã luyện con ngủ ngày thành công và có nếp ngủ rất đáng ngưỡng mộ: Buổi ngày, chỉ cần đặt xuống là tự ngủ liền mạch 2 tiếng, dậy chơi rất vui vẻ, hầu như cả ngày không nghe tiếng khóc nào; buổi tối tự ngủ từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau.

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 1.

Bé Min hiện tại đã 7 tháng tuổi, được mẹ luyện ngủ thành công từ khi 2,5 tháng.

Kinh nghiệm 1 tuần ròng rã luyện ngủ cho con để có thành quả như ngày hôm nay chắc chắn sẽ giúp được rất nhiều mẹ khác.

Hạ quyết tâm luyện con ngủ ngày cho ra giấc

Chị Hà chia sẻ: "Min khi sinh ra là em bé khá ngoan, ăn tốt ngủ tốt. Lúc mới sinh ở viện, em có thể ngủ liên tục 6 tiếng liền. Nhưng khi về nhà, vào ban ngày em hơi chơi với bà, chỉ cần em khóc một chút là bà bế em lên để dỗ dành. Mẹ cũng không thể can thiệp được. Sau đó, Min trở thành em bé thích bế rong và phải dỗ dành mãi mới chịu ngủ, không có khả năng tự chuyển giấc ngày, thậm chí em còn đòi ngủ trên tay mẹ, giấc ngày của em chỉ được 30-45 phút là tỉnh. Việc phải bế em liên tục, mỗi ngày 3 giấc tổng cộng bế phải đến 3-4 tiếng, thậm chí 5 tiếng khiến mẹ bị stress vô cùng. Và mẹ đã ấp ủ sửa lại thói quen ngủ ngày của em".

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 2.

Mẹ quyết tâm luyện ngủ ngày cho Min, cắt thói quen bế rong.

Phải nói thêm rằng, bé Min vốn có giấc ngủ đêm rất tốt nên mẹ không cần phải luyện ngủ đêm nữa. Bởi ngay từ khi ở viện về, bé đã có thể ngủ từ 6h tối hôm nay đến 6h sáng hôm sau (mỗi đêm dậy ti mẹ 2 lần lúc 11h và 2h sáng theo nhu cầu). Vì vậy, chị Hà chỉ cần luyện con  ngủ ngày nữa là đã có thể đảm bảo chất lượng, thời gian ngủ đủ của bé.

Phương pháp chị Hà lựa chọn để luyện ngủ ngày cho bé là cry it out with checks: "Theo mình tìm hiểu thì việc luyện ngủ để sửa catnap (giấc ngủ ngắn) là việc rất khó, thậm chí còn khó hơn cả việc luyện tự ngủ xuyên đêm. Nên khi em được 2,5 tháng, sức khoẻ ổn định, đã xong việc tiêm phòng (không sốt) và bố mẹ cũng đã chuẩn bị xong tâm lý, mẹ bắt tay luyện ngủ theo phương pháp cry it out with checks (mẹ bấm giờ theo mức 3-5-7-10 phút). Tức là trong ngày đầu tiên, khi nghe bé khóc, cứ 3 phút mẹ sẽ vào vỗ về bé 1 phút. Ngày thứ 2, đợi bé khóc 5 phút mẹ sẽ vào vỗ về con 1 phút...", chị Hà chia sẻ.

Môi trường ngủ cho bé được mẹ chuẩn bị bao gồm: phòng tối (kéo rèm), yên tĩnh, sử dụng whitenoise (tiếng ồn trắng, download trên mạng về, cài vào đài radio và bật) và nhiệt độ thích hợp với bé (không nóng, không lạnh).

Quy trình luyện ngủ cho bé sẽ diễn ra theo trình tự: ngủ dậy, ti mẹ, chơi đến giờ quy định, quấn bé và đặt bé vào trong môi trường ngủ đã được chuẩn bị sẵn trước đó.

Ngày đầu tiên: Chấp nhận và làm quen

Trong ngày đầu tiên, bé Min làm quen với việc luyện ngủ và tỏ ra khá hợp tác. Bé dậy lúc 6h sáng và được mẹ cho chơi khoảng 1 tiếng rưỡi, sau đó được quấn và bế vào giường lúc 7h38 phút khi đã thấm mệt. Mẹ đặt bé xuống và chúc bé ngủ ngon. Mẹ bắt đầu bấm giờ với "tinh thần chiến đấu" cao độ. Đúng 7h42 phút, khi mẹ chuẩn bị bước vào an ủi bé thì bé đã ngừng khóc và ngủ.

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 3.

Dù con khóc, mẹ cũng cố gắng chịu đựng để con tự chuyển giấc.

Đến 8h25 phút, Min bắt đầu chuyển giấc. Bé không khóc mà cố gắng tự đưa mình vào giấc ngủ nhưng sau 5 phút, bé bắt đầu khóc. Mẹ bấm giờ để vào vỗ về em mỗi 3 phút một lần, thời gian vào vỗ về không quá 1 phút và kiên quyết không được bế em lên. Em khóc đến 9h30 phút, mẹ không chịu được nữa nên đã quyết định cho em kết thúc giấc ngày đầu tiên. Mẹ bế bé ra giường an ủi và cho ăn.

Đến 10h45 phút, mẹ thấy bé buồn ngủ nên quấn bé lại và thực hiện đi ngủ giấc 2. Mẹ chúc bé ngủ ngon, bé ọ ẹ một phút rồi chìm vào giấc ngủ luôn. Bé ngủ đến 11h30 phút và tỉnh dậy chơi (không khóc). Sau khi mút tay chán chê, bé lăn ra ngủ lúc 12h20 phút và đến 12h45 phút thì tỉnh dậy khóc. Mẹ đón bé ra khỏi giường, mở rèm cửa và bật điện, cho bé ti và chơi.

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 4.

Mẹ dự định sẽ cho bé ngủ giấc 3 vào lúc 14h15 phút nhưng đến khoảng 13h45 phút, bé đã buồn ngủ và 13h55 phút, mẹ cho em đi ngủ. Mẹ kéo rèm cửa, tắt điện, bật white noise và quấn bé lại, bé tự ngủ ngay lập tức. Bé ngủ một mạch đến 15h30 phút thì dậy, không khóc mà lắc đầu tìm cách vào giấc ngủ. Khi không tự chuyển giấc được, bé ọ ẹ khóc lúc 15h45 phút. Mẹ quyết định hỗ trợ để bé chuyển giấc thêm 1 giấc nữa bằng cách vào tháo quấn cho bé để bé có thể mút tay trấn an bản thân. Bé được tháo tay, ngay lập tức cho tay vào mút và ngừng khóc 1 lúc, rồi lại khóc và ngủ thiếp đi. Đến 16h30 phút, mẹ đánh thức bé dậy, kết thúc 3 giấc ngủ ngày đầu tiên.

Buổi tối, như thường lệ, 18h tối, bé được tắm, mẹ cho ti. Khi em vừa ti vừa thiu thiu ngủ, mẹ quấn em lại, chào tạm biệt, chúc em ngủ ngon. Sau 5 phút, em tự đưa mình vào giấc ngủ đêm ngon lành đến tận 6h sáng hôm sau (đêm vẫn dậy ti mẹ 2 lần).

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 5.

Bé Min được mẹ luyện ngủ theo phương pháp cry it out with check.

Những ngày tiếp theo: Phản kháng, chấp nhận dần dần

Đến ngày thứ 2 luyện ngủ, bé Min bắt đầu phản kháng dữ dội hơn. Mẹ vẫn thực hiện những trình tự đi ngủ cho bé như trong ngày đầu tiên, thế nhưng bé khóc nhiều hơn. Ngày thứ 2, mỗi 5 phút, chị Hà lại vào vỗ về con 1 phút và tăng thời gian chờ lên. Tuy nhiên, bé khóc trong giấc 1 mất 35 phút mới thiếp đi, giấc 2 khóc 50 phút rồi nín nhưng không ngủ lại nữa, giấc 3 khóc một chút rồi thiếp đi từ 14h50 phút đến 15h10 phút.

"Trong ngày thứ 2 này, giấc nào bé cũng khóc như mưa khiến mẹ xót xa vô cùng, nhiều lúc thương con quá chỉ muốn chạy lại bồng bế em luôn thôi. Ngồi chờ con khóc lại lo lắng không biết khóc nhiều có ảnh hưởng gì không, xót con lắm. Nhất là khi cường độ khóc ngày một tăng mà giấc ngủ vẫn còn nửa tiếng nữa mới hết thời gian. May là con khóc hết 40 phút rồi chìm vào giấc ngủ. Đến 16h30 phút, mẹ đón em dậy. Sau đó mẹ cho em ăn, đưa em đi chơi. Giấc đêm đến nhẹ nhàng hơn vào lúc 6h, sau khi mẹ đã thực hiện hết các trình tự".

Chỉ mất đúng 1 tuần, mẹ 9x đã thành công khi luyện con ngủ ngày đều đặn 2 tiếng/giấc   - Ảnh 6.

Việc ngủ sâu, đủ giấc sẽ tạo nền tảng cho các hoạt động khác như ăn, chơi tốt hơn.

Kết thúc 2 ngày luyện ngủ, chuyển sang ngày thứ 3, bé Min có dấu hiệu chấp nhận dần dần. Em chỉ khóc khoảng 5, 10 phút rồi tự thiếp đi và chuyển giấc nhanh chóng hơn trong cả 3 lần ngủ ngày. Điều này khiến chị Hà hy vọng rất nhiều vào kết quả luyện ngủ, vững tin con sẽ có giấc ngủ liền mạch, không ngắt quãng để khi thức dậy, bé có thể chơi thật vui vẻ.

Đến ngày thứ 4 tuy bé có dấu hiệu khóc nhiều hơn như trong ngày thứ 2 nhưng đều có thể tự chuyển giấc sau khi đã lăn qua lăn lại, khóc chán chê (trong khoảng 20 đến 30 phút giữa mỗi giấc). Đến ngày thứ 5, cường độ khóc đã giảm dần, có dấu hiệu chấp nhận việc luyện ngủ dễ dàng hơn. Và quả ngọt đến vào ngày thứ 6, thứ 7: Bé đã có thể ngủ liền mạch vào cả 3 giấc, mỗi giấc 2 tiếng, dậy chơi rất ngoan, tuân thủ nếp sinh hoạt ăn ngủ chơi rất tốt.

Vậy là sau khoảng 1 tuần kiên trì luyện ngủ cho con, đã có những lúc nghe tiếng con khóc xót xa đến mức muốn buông xuôi, chị Hà đã thành công.

Hiện tại, bé Min đã 7 tháng tuổi vẫn duy trì thói quen đi ngủ rất khoa học, chỉ khác là bé đã tự mình điều chỉnh thời gian ngủ đêm ít hơn theo nhu cầu phát triển của bản thân. Cụ thể giấc ngủ đêm đã thay đổi từ 8h tối đến 7h sáng (thay vì 6h tối đến 6h sáng như trước), đêm không còn dậy ti mẹ nữa. Nếp sinh hoạt khoa học như vậy của bé Min khiến vợ chồng chị Hà có rất nhiều thời gian để giải quyết các công việc khác và rất yên tâm khi để con ở nhà cho bà trông để đi làm vào ban ngày.

Chia sẻ