Từ vụ bé 3 tháng tuổi qua đời trong cũi: Chọn cũi cho trẻ phải lưu ý những điều này
Trẻ bị mắc kẹt, nghẹt thở, thậm chí là tử vong trong cũi..., những nguy cơ này khiến các bố mẹ hết sức lo lắng khi cho con nằm cũi.
Gần đây, thông tin về em bé 3 tháng tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) qua đời trong cũi khi mẹ nghe theo lời tư vấn của Trung tâm rèn trẻ tự ngủ là cho con nằm sấp và để mặc con khóc đã khiến nhiều bố mẹ sắp có con nhỏ vô cùng hoang mang.
Trên thực tế, cũi là vật dụng quen thuộc trong những gia đình có con nhỏ. Có người cho rằng cũi là đồ dùng khá đắt tiền, chiếm nhiều không gian trong nhà, trong khi đó thời gian sử dụng lại khá ít.
- Đừng mua cũi, nó không thiết thực chút nào!
- Con nhỏ thế, phải ngủ trên giường chứ!
- Ngày xưa có dùng cũi đâu mà giờ phải mua cũi cho con ngủ riêng!
Đây là quan điểm của những người không muốn cho con nằm cũi.
Ngược lại, nhiều bố mẹ lại cho rằng đây là vật cần thiết phải sắm để cho con ngủ riêng, bởi đã có trường hợp trẻ sơ sinh tử vong khi ngủ chung giường với bố mẹ... Những thông tin này khiến các mẹ bầu sắp sinh khá hoang mang không biết có nên mua cũi cho con hay không.
Việc lựa chọn và sử dụng cũi đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả bố mẹ và trẻ nhỏ. Các chuyên gia nhi khoa đã chỉ rõ bố mẹ không nên ngủ chung giường với trẻ sơ sinh bởi khi ngủ, bố mẹ có thể xoay người hay vô tình đặt tay, chân, chăn, gối vào mặt mũi, cơ thể trẻ... nguy cơ dễ gây ra tình trạng nghẹt thở. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh và nhiều tổ chức y tế uy tín khác luôn khuyến cáo bố mẹ nên ngủ chung phòng với con trong 6 tháng đầu đời, nhưng không chung giường mà nên đặt trẻ nằm ngủ trên nôi, cũi riêng. Vậy sử dụng cũi như thế nào mới đảm bảo an toàn cho trẻ?
Tất cả những đồ dùng cho bé đều cần lựa chọn cẩn thận và cũi không phải ngoại lệ. Trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại cũi khác nhau, chất lượng và giá thành cũng không đồng đều.
1. Nên chọn cũi bằng gỗ
Gỗ, tre, nhựa... là những vật liệu làm cũi phổ biến. Tốt nhất bố mẹ nên chọn cũi làm bằng gỗ thông hoặc gỗ sồi, hạn chế những loại cũi làm bằng gỗ dễ nứt. Gỗ sồi có độ cứng cao, không dễ biến dạng nên chọn cũi làm bằng gỗ sồi là an toàn hơn cả.
2. Sơn bề mặt không độc hại
Các loại cũi gỗ trên thị trường hiện nay hầu hết đều được sơn cho bắt mắt và để chống ẩm. Cha mẹ nên xem xét kĩ chất lượng sơn cũi có chứa thành phần độc hại như kim loại nặng hay formaldehyd hay không. Ngoài ra, có thể xem xét xem mùi sơn có hăng không, đó là loại không đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
3. Thiết kế cũi phải an toàn cho trẻ
Hiệp hội tiêu dùng Nhật Bản đã sản xuất 1 video cảnh báo về thiết kế không hợp lý của 1 loại cũi có thể khiến trẻ bị mắc kẹt dẫn đến tử vong. Điều này cho thấy thiết kế cũi rất quan trọng, phải đảm bảo những điều sau:
- Cánh cửa cũi phải được cố định bằng bản lề chắc chắn, đảm bảo em bé không thể bị mắc kẹt hoặc không tự mở được ra.
- Khe giữa các thành cũi, cạnh bên của cũi không lớn hơn 6cm, nếu rộng hơn, trẻ có thể bị mắc kẹt chân tay hay đầu vào đó.
- Cũi phải cao ít nhất 66cm tính từ mặt nệm để đảm bảo trẻ không thể bị lật rơi ra ngoài. Nếu bé biết đứng, cũi phải được hạ thấp chiều cao mặt đáy xuống để trẻ không thể trèo ra ngoài.
- Chọn nệm cho cũi không quá mềm, thật vừa vặn với cũi, không có khoảng trống giữa nệm và thành cũi. Đảm bảo chiếc nệm có độ cứng vừa phải, sao cho bé nằm lên trên, nệm chỉ lún xuống khoảng 1cm là phù hợp và an toàn.
4. Kiểu dáng cũi đơn giản
Hình thức cầu kì, nhiều chi tiết có thể bắt mắt bố mẹ nhưng nó lại dễ làm tổn thương trẻ như mắc kẹt quần áo, tay chân trẻ vào cũi, vì thế nên chọn cũi có kiểu dáng đơn giản, bề mặt mịn, ít chi tiết.