Không tốn một giọt nước mắt, mẹ 9X luyện con ngủ xuyên đêm từ 3 tháng tuổi
Thành công và những kinh nghiệm đắt giá của bà mẹ này trong việc luyện con ngủ xuyên đêm chắc chắn sẽ tạo rất nhiều động lực cho các mẹ khác.
Hồ hởi bước vào công cuộc luyện con ngủ xuyên đêm hẳn người mẹ nào cũng mong muốn "một phát ăn ngay", rằng con có thể ngủ xuyên đêm để mẹ nhàn hạ tận hưởng khoảng thời gian của mình. Nhưng không phải ai cũng được hưởng quả ngọt đó, bởi nhiều mẹ khi nghe tiếng con khóc, thấy con phản kháng dữ dội đã không đành lòng và buộc phải từ bỏ ý định luyện ngủ trước đó.
Chị Ngọc Hân (27 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) cũng đã từng vấp phải khó khăn này khi luyện ngủ cho cô con gái An Hạ (hiện mới được 3,5 tháng tuổi). Đã có lúc tưởng như phải bỏ cuộc nhưng chị Hân đã bình tĩnh lại, tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp luyện ngủ, lắng nghe bản năng của người mẹ và tâm lý của con để cuối cùng thành công vượt mong đợi. Bé An Hạ đã có thể ngủ xuyên đêm (từ 7h30 tối đến 7h sáng hôm sau) từ khi 3 tháng tuổi.
Bé An Hạ hiện được 3 tháng rưỡi, có nếp sinh hoạt rất tốt.
Xác định luyện con ngủ xuyên đêm bằng phương pháp 5S
Kể lại những ngày đầu bắt tay vào luyện ngủ cho con, chị Hân cho biết: "Bé nhà mình xuất phát điểm khá kém so với các bé khác. Khi được hơn 1 tháng tuổi, bé chỉ nằm ngủ trên tay và ngậm ti mẹ để ngủ, đặt xuống 5-10 phút là khóc, rất khó dỗ ngủ lại. Con lại là một đứa trẻ nhạy cảm, khi bắt đầu hành trình luyện ngủ cho con, mình đã lựa chọn phương pháp luyện ngủ 5S, bao gồm các trình tự: quấn bé – bật tiếng ồn trắng - đặt nằm nghiêng - ti giả - vỗ shhh (tay mẹ vỗ bé đồng thời kêu khẽ "shhhh"). Tuy nhiên bé hơn 2 tháng nên phản kháng lại việc quấn, cứ quấn là nôn trớ ướt đẫm nên có lúc mình gần như bất lực".
Thời gian đầu, bé An Hạ chỉ ngủ khi được bế trên tay.
Thời điểm ấy, chị Hân đã phải bình tĩnh tìm hiểu lại vấn đề, nghiền ngẫm kỹ lại các cuốn sách nuôi dạy con và bắt đầu có những nền tảng nhất định về tâm lý của con. Phương châm của chị khi luyện ngủ vẫn là không để con khóc và cảm thấy cô đơn, mục đích là tạo cho con cảm giác dễ chịu khi được đi ngủ, tự ngủ với sự hỗ trợ ít dần của mẹ. Chị cũng chia sẻ quan điểm rằng: "Mình không bài xích các phương pháp Cry It Out hay Cry It Out with check vì thực sự có những bé rất hợp. Nhưng mình tin mình có thể hướng dẫn con tự ngủ được thay vì bẻ gập ý chí của con và để con tự chấp nhận đi ngủ sẽ không có mẹ dỗ dành nữa".
Công cuộc luyện ngủ không nước mắt khi này mới thực sự bắt đầu. Chị vẫn lựa chọn tuân thủ phương pháp 5S. Bé An Hạ vốn không thích quấn nhưng chị vẫn quyết định sẽ quấn bé vì mục đích tạm thời là đợi cho con qua giai đoạn phản xạ moro (phản xạ do giật mình), giúp con ngủ ngon hơn và tuân thủ một trong những trình tự đi ngủ chị thiết lập để con có cảm giác an toàn khi đi ngủ. Mặt khác, chị cũng dựa vào các biểu hiện của con để có những điều chỉnh thích hợp.
Sau gần 1 tháng được mẹ kiên trì luyện ngủ, bé An Hạ đã có thể ngủ xuyên đêm.
Trình tự mà chị lặp lại trên mọi giấc ngủ cho con: Bé ngáp – mẹ nhanh chóng hết sức chuẩn bị môi trường ngủ cho bé (quấn bé, đọc bài thơ "Giờ đi ngủ", bế bé vào phòng ngủ đã bật sẵn điều hòa, bật tiếng ồn trắng) và đặt bé xuống giường ngủ. Để tránh bé khóc, chị sẽ đung đưa trấn an bé thật kỹ trước khi đặt bé xuống nhưng cố gắng làm sao không để bé ngủ trên tay mẹ, mà chỉ hơi buồn ngủ rồi đặt bé xuống và vỗ.
Chị đặt bé nằm nghiêng, vỗ vào giữa lưng theo nhịp điệu chậm như kim đồng hồ và kêu khẽ tiếng "shhh, shhh...". Bé sẽ từ từ chìm vào giấc ngủ rất nhanh.
(Lưu ý nhỏ bài thơ "Giờ đi ngủ" mà chị Hân đọc cho con nghe: "Giờ đi ngủ/Em lên giường/Nằm lặng im/Hai mắt nhắm/Ngủ cho ngoan/Chiều nay mẹ đón sớm". Chị sẽ vừa quấn vừa đọc bài thơ đó một cách nhẹ nhàng dịu êm, trầm ấm khoảng 3-4 lần như một lời hát ru, dặn dò, trấn an con trước khi ngủ.)
Chị Ngọc Hân là một bà mẹ rất chịu khó tìm hiểu kiến thức nuôi con.
Cai dần sự dỗ dành và các tác động của mẹ
Sau khi con gái đã quen với việc nằm luôn xuống cũi và ngủ được một tuần với trình tự như trên, chị Hân bắt đầu giảm dần các tác động của mẹ. Ví dụ ngày hôm trước chị vỗ về trong 20 phút thì hôm sau chỉ vỗ 15 phút, cứ thế giảm dần, giảm dần. Đến cuối cùng, khi bé đi ngủ, chị chỉ đặt một tay lên lưng con là con đã có thể tự ngủ.
Chị Hân bắt đầu việc luyện ngủ cho con từ khoảng 2 tháng 3 ngày và đến khi 3 tháng, bé An Hạ đã quen với cũi và tự ngủ. Tuy nhiên, bé vẫn còn một vấn đề là không ngậm ti giả để ngủ nữa mà đột nhiên đòi ngậm ti mẹ. Chị Hân lại cố gắng cai cho con bằng cách khi con ngậm ti mẹ, cứ thấy con nhắm mắt là chị rút ra ngay lập tức. Nếu bé khóc, chị sẽ cố vỗ để bé ngủ. Còn nếu khóc quá, mẹ lại cho bé ngậm ti, nín khóc lại rút. Dần dần bé sẽ hiểu ti mẹ không được ngậm. Và khi con ngà ngà say ngủ, mẹ sẽ thay bằng ti giả để trấn an giúp bé dễ ngủ hơn.
Bé An Hạ được mẹ cai dần các tác động bên ngoài sau khi đã tự ngủ thành công.
Còn việc cai quấn cho con, chị Hân bắt đầu thực hiện khi thấy con có biểu hiện biết mút tay. Thay vì quấn con như trước, chị sẽ dùng cách trấn an bằng giọng nói. Trước giờ đi ngủ của con khoảng 30 phút, chị sẽ bế con vào phòng, nằm chơi, nói chuyện với con, đọc sách cho con nghe. Chị thủ thỉ với con rất nhiều điều như: "Mẹ mong em ăn ngoan ngủ ngoan, tự ngủ không khóc nhè nữa", "Mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh em hết", "Em cần thì gọi mẹ, nhưng đến giờ đi ngủ thì em tự ngủ thôi. Dễ mà, nhắm mắt vào là đi ngủ"...
Chị cũng chia sẻ việc trấn an con trước giờ đi ngủ bằng giọng nói như thế khá hiệu quả. Rồi khi bé ngáp, chị sẽ bế đặt vào cũi, tắt đèn, tạo môi trường ngủ cho con là con giữ ti giả, mút rồi ngủ. Dần dần, chị nhận thấy con đã tự loại tất cả những vật cần hỗ trợ khi ngủ như ti giả, vỗ lưng... Hiện tại, cứ đặt xuống rồi mẹ hôn trán, tạm biệt bé là bé xoay lưng đi ngủ mà không còn quan tâm lắm đến việc có mẹ ở bên hay không. Bé dậy sau khi đã ngủ đủ sẽ cười tươi, rất dễ chịu. "Đến giờ con ngáp buồn ngủ, mẹ lại lặp lại tất cả các trình tự, đọc bài thơ "Giờ đi ngủ". Dù cho con đang gắt ngủ mà nghe mẹ đọc bài thơ đó là nín ngay và chờ đợi mẹ cho đi ngủ".
Như vậy là chỉ chưa đầy một tháng luyện ngủ cho con, kết quả của hai mẹ con chị Hân rất đáng ngưỡng mộ. Em bé mới hơn 3 tháng tuổi đã có thể ngủ xuyên đêm mà không dậy ti mẹ, các giấc ngày cũng trọn vẹn liền mạch. Lịch sinh hoạt của bé tuân thủ đều đặn mỗi ngày: Sáng khoảng 7h bé dậy, 8h ăn 200ml sữa mẹ, 9h sáng đi ngủ, 11h trưa dậy. Đến 12h bé ăn 200ml sữa mẹ, 1h đi ngủ, 3h dậy, 4h đi tắm xong ăn 200ml, 5h bé đi ngủ giấc ngắn 30 phút hoặc 45 phút. Đến 7h30 bé ăn 200ml sữa mẹ và ngủ đến 7h sáng hôm sau. Thành công và kinh nghiệm của chị Hân chắc chắn sẽ tạo rất nhiều động lực cho các mẹ khác trên con đường luyện ngủ cho bé yêu nhà mình.