Không làm điều này trước khi mang thai, nhiều mẹ hối hận vì con bị dị tật bẩm sinh, thậm chí có thể tử vong khi vừa chào đời
Không quá tốn kém hay mất nhiều thời gian, mẹ hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ em bé của mình.
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của mẹ bầu sẽ suy giảm, đồng nghĩa với việc cơ thể dễ bị tấn công bởi những bệnh truyền nhiễm như: Rubella, cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B...
Những bệnh này đều rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhi, đặc biệt là có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng với em bé trong bụng.
Hậu quả của việc mẹ bầu bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
- Mẹ bầu bị nhiễm Rubella: Trong thời kỳ đầu mang thai, mẹ bị nhiễm Rubella có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. 70-90% trẻ được sinh ra từ người mẹ bị Rubella cũng dễ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với những dị tật nghiêm trọng như: Dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, bệnh đầu nhỏ, bại não, dị dạng về xương,... Thậm chí một số trẻ bị tử vong.
- Mẹ bầu bị cúm: Trong 13 tuần đầu thai kỳ, virus cúm có nguy cơ khiến thai nhi bị dị tật như: Tim bẩm sinh, hở hàm ếch, rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ... Không chỉ vậy, khi mẹ bị sốt cao, kết hợp với độc tính của virus có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non.
- Mẹ bầu bị sởi: Sởi không gây dị tật ở thai nhi, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thai phụ bị nhiễm sởi có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với phụ nữ không mang thai. Mẹ bầu bị sởi cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ nhẹ cân hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.
- Mẹ bầu bị thủy đậu: Người mẹ mang thai bị nhiễm thủy đậu trong giai đoạn sớm của thai kỳ thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Tuy nhiên, nếu mẹ bị thủy đậu ở giai đoạn 3 tháng giữa, nguy cơ này sẽ tăng lên là 2%. Biểu hiện thường gặp của hội chứng này là những bóng nước vỡ để lại sẹo ở da. Ngoài ra còn có những bất thường khác như: Chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, đầu nhỏ, teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, teo liệt tứ chi....
Trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh có tỷ lệ tử vong lên đến 30% trong những năm tháng đầu đời và 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona trong 4 năm đầu đời.
Nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước sinh hoặc 2 ngày sau sinh thì bé dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa và thủy đậu sơ sinh. Tỷ lệ tử vong của bé lúc này là 25-30% số trường hợp bị nhiễm.
- Mẹ bầu bị quai bị: Thai phụ bị quai bị nếu được phát hiện sớm và điều trị, kiêng cữ đúng cách thì bệnh cũng không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong 3 tháng đầu với những nguy cơ như: Dị dạng thai nhi, sảy thai... Mắc quai bị trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai bị chết lưu, sinh non...
- Mẹ bầu bị bạch hầu - ho gà - uốn ván: Phụ nữ mang thai mắc bệnh bạch hầu, ho gà sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho thai nhi. Trong khi đó, bệnh uốn ván có thể xâm nhập trong lúc mẹ bầu sinh nở theo đường âm đạo và gây uốn ván tử cung.
Còn với trẻ sơ sinh, bé rất dễ mắc uốn ván nếu trong quá trình mang thai mẹ không được tiêm chủng ngừa bệnh. Vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn của bé, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh. Khi vi khuẩn tấn công cơ thể bé sẽ sản xuất ra một loại độc tố khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Vì vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ được chỉ định tiêm mũi đầu tiên vào thời điểm trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lúc bé 18 tháng tuổi. Sau khi tiêm xong, bé cần 3-4 tuần để cơ thể sản sinh kháng thể. Vì vậy, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa có miễn dịch bảo vệ đầy đủ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, ho gà cao hơn và dễ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Do đó mẹ bầu cần tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván trước khi sinh bé để bảo vệ con ngay từ lúc chào đời.
- Mẹ bầu bị viêm gan B: Nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B trong quá trình mang thai, virus viêm gan B có thể được truyền cho thai nhi, trẻ có nguy cơ cao trở thành người mang mầm bệnh. Khi trưởng thành trẻ có thể bị suy gan, ung thư gan...
Không có cách nào để phòng những căn bệnh nói trên ở phụ nữ mang thai tốt hơn việc tiêm vắc xin đầy đủ. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ và quá trình sinh nở. Vì vậy, các mẹ hãy chủ động sắp xếp thời gian để tiêm vắc xin trước khi chuẩn bị có dự định sinh con.
Các mũi vắc xin cần tiêm trước khi mang thai và lưu ý
STT | Vắc xin phòng bệnh | Thời gian tiêm | Lưu ý |
---|---|---|---|
1 | Cúm | Trước khi mang thai ít nhất 1 tháng | |
2 | Thủy đậu | Trước khi mang thai ít nhất 3 tháng | Không được tiêm nếu biết mình có thai |
3 | Vắc xin 3in1: Sởi - Quai bị - Rubella | Trước khi mang thai ít nhất 3 tháng | Không được tiêm nếu biết mình có thai |
4 | Vắc xin 3in1: Ho gà - Bạch hầu - Uốn ván | Trước khi mang thai ít nhất 3 tháng | |
5 | Viêm gan B | Trước khi mang thai ít nhất từ 1-3 tháng | Cần xét nghiệm trước khi tiêm, nếu dương tính với virus thì vắc xin không có tác dụng |