Trẻ vừa sinh ra cần được tiêm ngay vắc xin này phòng bệnh nguy hiểm, nếu để sau 7 ngày sẽ hoàn toàn vô tác dụng
Hiệu quả phòng ngừa bệnh sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Bệnh viêm gan B là gì?
Bệnh viêm gan siêu vi B (gọi tắt là viêm gan B) là một dạng bệnh gan do virus viêm gan siêu vi B (HBV – Hepatitis B virus) gây ra. Biểu hiện của bệnh viêm gan B là vàng da, cơ thể mệt mỏi, rối loạn hệ thống tiêu hóa, sốt nhẹ. Viêm gan B mạn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, trung bình cứ 100.000 người Việt Nam thì có 23,2 người bị ung thư gan. Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao trong khu vực (khoảng 15% dân số mắc viêm gan B. Trong đó phần lớn là phụ nữ có thai (>10%) và trẻ nhỏ (2-5%).
Virus viêm gan B lây qua 3 con đường: Máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ. Hiện tại, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm gan B. Tiêm vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất.
Trẻ sơ sinh tiêm viêm vắc xin viêm gan B vào thời điểm nào là tốt nhất?
Vì virus viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ nên việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh được thực hiện sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh từ mẹ.
Việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao. Hiệu quả phòng ngừa bệnh sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Trường hợp trẻ có mẹ bị nhiễm viêm gan B
Ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác, bé cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay khoảng 12 - 24 giờ đầu sau sinh.
Những trẻ có mẹ bị viêm gan B sẽ được tiêm theo phác đồ 0-1-2-12 nghĩa là, mũi đầu tiên ngay tại phòng sinh, mũi thứ 2 khi được 1 tháng tuổi, mũi thứ 3 khi được 2 tháng tuổi và nhắc lại lúc 12 tháng tuổi.
Khi trẻ được 15-18 tháng tuổi cần được xét nghiệm kiểm tra HBsAg và Anti Hbs lại để chắc chắn là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
Trường hợp mẹ không bị nhiễm viêm gan B
Trẻ sơ sinh mẹ không bị viêm gan B thì mũi đầu tiên sẽ được tiêm trong vòng 24 giờ từ khi lọt lòng. Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm 3 liều tiếp theo với vaccine phối hợp có chứa thành phần virus viêm gan B như vắc xin 6in1 hay 5in1. Khoảng cách tối thiểu giữa hai lần chích ngừa viêm gan B là 1 tháng.
Chỉ sử dụng vắc xin ngừa viêm gan B đơn giá để tiêm liều sơ sinh và có thể tiêm chủng đồng thời cùng với vắc xin phòng lao BCG ở 2 vị trí tiêm khác nhau.
Các loại vắc xin viêm gan B
Loại đơn:
Đối tượng | Tên vắc xin | Nước sản xuất | Giá (VND) |
---|---|---|---|
Tất cả lứa tuổi | Engerix B 10mcg/0,5ml | Bỉ | 185.000 |
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến dưới 16 tuổi | Euvax 10mcg/0,5ml | Hàn Quốc | 135.000 |
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến dưới 10 tuổi | Hepavax Gene 0.5 ml | Hàn Quốc | 145.000 |
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đến dưới 10 tuổi | Heberbiovac HB 10mcg/0.5ml | Cuba | 130.000 |
Loại phối hợp:
Đối tượng | Tên vaccine | Nước sản xuất | Giá (VND) |
---|---|---|---|
Trẻ 1 tuổi trở lên, thanh thiếu niên, người lớn (phòng ngừa viêm gan A + B) | Twinrix | Bỉ | 550.000 |
Tiêm 3 liều cơ bản cho trẻ từ 2 tháng tuổi, cách nhau tối thiểu 1 tháng và nhắc lại khi 18 tháng tuổi (phòng ngừa Bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - Hib - viêm gan B) | Infanrix hexa 0,5ml | Bỉ | 950.000 |
Tiêm 3 liều cơ bản cho trẻ từ 2 tháng tuổi, cách nhau tối thiểu 1 tháng và nhắc lại khi 18 tháng tuổi (phòng ngừa Bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - Hib - viêm gan B) | Hexaxim 0.5ml | Pháp | 1.014.000 |
Tiêm 3 liều cơ bản cho trẻ từ 2 tháng tuổi, cách nhau tối thiểu 1 tháng và nhắc lại khi 18 tháng tuổi (phòng ngừa Bạch hầu - uốn ván - ho gà - Hib - viêm gan B) | ComBE Five | Ấn Độ | Miễn phí |
Những lưu ý sau khi cho trẻ tiêm vắc xin viêm gan B
Trong vòng 24-48 giờ sau khi tiêm, trẻ sơ sinh cần được theo dõi. Mặc dù vắc xin viêm gan B được đánh giá là rất an toàn cho trẻ nhưng tùy theo cơ địa của mỗi bé sẽ có một số những phản ứng như: Quấy khóc, đau vết tiêm, vết tiêm tấy đỏ, sốt nhẹ... Những phản ứng này là rất thấp nhưng cần tuân thủ và theo dõi bé cẩn thận.