Con gái ngủ ở phòng riêng cứ kêu giường chật quá, xem xong camera người mẹ không khỏi lặng người
Quả thật đã có người vào phòng ngủ cùng với con gái cô, cho nên bé mới nói giường chật chội không thoải mái.
Trẻ nhỏ ngay từ khi lọt lòng đã gần như "dính chặt" lấy mẹ. Nhưng tới một độ tuổi nhất định bé nên được ngủ riêng phòng để tạo cho trẻ tính tự lập. Thường độ tuổi "ra riêng" của trẻ là từ 3-4 tuổi. Và chắc chắn trong những ngày đầu con mới ngủ riêng phòng thì cả cha mẹ lẫn trẻ đều phải đấu tranh khá nhiều để tập thích nghi với "cuộc sống" mới.
Một bà mẹ ở Trung Quốc đã gửi tâm sự của mình lên trang web Zhihu.com nói về việc cô cho con gái 4 tuổi ngủ riêng phòng. Sẽ chẳng có gì nếu như con gái cô không than vãn với mẹ rằng bé không thích ngủ ở phòng mới. Khi người mẹ hỏi lý do thì cô bé nói rằng giường rất chật, cô bé không cựa quậy được thoải mái, vì thế mà ngủ không ngon.
Người mẹ cho rằng con không chịu ngủ riêng nên viện bừa 1 cái cớ như vậy. Bởi lẽ chỉ mình con bé ngủ 1 giường thì làm sao mà chật được. Người mẹ rất giận, nghiêm khắc nhắc nhở con rằng nói dối là rất xấu. Đồng thời cũng nhấn mạnh lại với con gái việc con phải ngủ riêng phòng khi đã lớn là điều nên làm. Thế nhưng những ngày sau con gái cô vẫn khóc lóc và không chịu ngủ ở phòng riêng.
Lúc này người mẹ mới thật sự lưu tâm. Trong lòng cô hoảng loạn với những suy nghĩ kiểu "trẻ con có thể nhìn thấy những thứ người lớn không thấy được". Cuối cùng, cô quyết định lắp camera theo dõi ở phòng con. Để rồi sau khi xem những hình cảnh mà camera ghi lại cô không khỏi lặng người.
Quả thật đã có người vào phòng ngủ cùng với con gái cô, cho nên bé mới nói giường chật chội, đông người ngủ không thoải mái. Người đó không ai khác là bà nội của bé. Bà nội bé mắc hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer gần như chẳng nhớ được điều gì. Có lẽ từ tận sâu trong tiềm thức của bà luôn tồn tại tình yêu dành cho cháu gái, vì thế hàng đêm bà mới vào phòng ôm cháu gái ngủ một lúc rồi lại rời đi.
Ông bà nào cũng yêu quý cháu của mình nhưng lũ trẻ hiếu động và ham vui dường như chỉ mải mê với những trò chơi của chúng chẳng buồn để ý tới ông bà. Nhất là những đứa trẻ không sống cùng ông bà hoặc ông bà đã già yếu không thể chơi đùa cùng chúng thì tình cảm mà trẻ dành cho ông bà dễ trở nên nhạt nhòa.
Trước tình hình ấy, cha mẹ phải là những người nhẹ nhàng hướng dẫn và bồi đắp tình cảm của con với ông bà. Cha mẹ hãy dẫn trẻ tới thăm ông bà nhiều hơn và đặc biệt không được nói xấu ông bà với con cái. Trẻ em rất gần gũi với cha mẹ cũng như đặc biệt nhạy cảm, một khi trẻ phát hiện cha mẹ mình không thích ông bà thì trong lòng chúng cũng dần nảy sinh sự bài xích tương tự.
Để dạy trẻ tôn trọng ông bà thì chính cha mẹ là người phải làm gương cho con. Chẳng có sự dạy dỗ nào hiệu quả bằng việc làm mẫu rồi để trẻ bắt chước theo. Khi cha mẹ chăm sóc cho ông bà hãy rủ trẻ cùng tham gia, khen ngợi chân thành và cổ vũ trẻ khi trẻ làm được điều gì đó khiến ông bà vui.
Xây dựng cho trẻ mối quan hệ tốt với ông bà sẽ khiến những người già thấy hạnh phúc hơn. Ngoài ra còn giúp chính bản thân trẻ được trải qua một tuổi thơ ấm áp, chan chứa tình yêu thương từ gia đình.