Từng cho con ngủ chung nhưng khi sinh con thứ 2, bà mẹ này đã nhất quyết cho ngủ riêng

Lam Phương,
Chia sẻ

Cùng lắng nghe câu chuyện của bà mẹ này và bạn sẽ có thể tự tìm ra câu trả lời cho việc nên cho trẻ ngủ chung hay ngủ riêng.

Vấn đề có nên cho trẻ ngủ cùng không đến nay vẫn luôn là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi khi một số người nhất quyết ủng hộ trong khi một số khác lại chỉ trích và nêu ra những tác hại của nó. Là một bà mẹ hai con đã và vẫn đang ngủ cùng với con, nhà báo và cũng là một blogger nổi tiếng người Mỹ Rachel Sobel đã lên tiếng chia sẻ câu chuyện và quan điểm của mình về phương pháp này.

Từng cho con ngủ chung nhưng khi sinh con thứ 2, bà mẹ này đã nhất quyết cho ngủ riêng - Ảnh 1.

Có nên cho trẻ ngủ chung với bố mẹ vẫn luôn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa).

“Là một bà mẹ hai con, tôi có một quan điểm rất mạnh mẽ rằng bạn không nên cho con ngủ cùng. Trước khi bạn cảm thấy tức giận và phản đối, hãy để tôi nói rằng tôi biết mỗi gia đình là khác nhau và cách này có thể có hiệu quả đối với gia đình này, nhưng lại không đối với gia đình khác. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi muốn “cảnh báo” với mọi người về những gì tôi đã và bây giờ vẫn đang phải trải qua. Tôi có hai con, và tôi đã áp dụng phương pháp ngủ chung với cô con gái đầu và đến bây giờ, khi con đã 9 tuổi, tôi vẫn duy trì phương pháp đó. Và đó cũng chính là một trong những lý do chính vì sao tôi lại phản đối nó.

Tôi cũng là một người mẹ kiểu “sách vở”, có nghĩa là vì không có nhiều kinh nghiệm nên tôi cũng tìm đọc tất cả các cuốn sách và tìm hiểu khắp nơi về nuôi dạy con. Vì thế, khi tôi nói về vấn đề này, nó cũng là từ chính ngân hàng kiến thức của tôi.

Từng cho con ngủ chung nhưng khi sinh con thứ 2, bà mẹ này đã nhất quyết cho ngủ riêng - Ảnh 2.

Cho con ngủ chung giường có thể trở thành một thói quen vô cùng khó bỏ cho trẻ (Ảnh minh họa).

Tôi tin vào hiệu quả của việc âu yếm con và bế con mỗi khi con khóc. Với con đầu, tôi hầu như lúc nào cũng ngủ với con. Mỗi lần con khóc hay khó chịu, tôi sẽ đặt con nằm cạnh mình và ngay lúc con cảm nhận được da của tôi, con bé sẽ ngủ ngay lập tức. Và tôi không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Vào giai đoạn con được 4-5 tháng tuổi, khi bác sĩ nói với tôi rằng con đã có thể tự ngủ một mình, tôi đã thử áp dụng phương pháp “cry-it-out” (mặc cho con khóc) và nó giống như là tra tấn vậy. Tôi cảm thấy mình phải mặc định việc quay trở lại ngủ chung bởi đó là cách duy nhất để mọi người trong nhà có thể ngủ. Tôi đã vô cùng tuyệt vọng.

Đến bây giờ, con vẫn không thể ngủ mà không có tôi nằm cạnh. Và mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Thậm chí dù tôi cố lẻn dậy như ninja và bò về phòng ngủ của mình thì ngay giây phút con phát hiện ra sự vắng mặt của tôi, con bé sẽ đứng ngay bên giường rên rỉ đòi tôi quay lại. Đó là một vòng luẩn quẩn mà tôi không thể nào phá vỡ được, và tin tôi đi, tôi đã cố hết sức. Tôi hối lộ con với đồ chơi, ti vi hay tiền, nhưng con vẫn không quan tâm. Con bé chỉ muốn mẹ ngủ cạnh nó. Tôi cứ đợi con lớn lên và chán với phương pháp này và tự nói với bản thân “Nốt năm nay nữa thôi”. Và đến giờ tôi vẫn đợi.

Từng cho con ngủ chung nhưng khi sinh con thứ 2, bà mẹ này đã nhất quyết cho ngủ riêng - Ảnh 3.

Ngủ cùng con có thẻ cướp đi khoảng tời gian riêng tư ít ỏi mà chúng ta có (Ảnh minh họ).

Gần đây tôi có thêm một bé gái nữa. Tôi tự hứa sẽ làm mọi thứ khác đi. Tôi đặt ra quy định không ngủ cùng với con và chúng tôi vẫn đang làm tốt sau 10 tháng. Con tự ngủ trong cũi mỗi đêm và thậm chí khi trải qua những giai đoạn khó khăn khiến con khó ngủ hơn, tôi sẽ ru và nằm với con trong phòng của con cho đến khi con ngủ và tôi có thể cho con vào cũi nằm.

Con cái chiếm lấy hầu hết thời gian của chúng ta. Tuy đó là trách nhiệm của những ông bố bà mẹ chúng ta, nhưng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta cũng cần phải có thời gian dành riêng cho bản thân. Và thời gian đấy hầu như chỉ có được sau khi con đi ngủ. Nếu chúng ta ngủ cùng với con, thì khoảng thời gian riêng tư vàng bạc đấy cũng sẽ mất.

Chúng ta cần phải vạch ra những ranh giới rõ ràng và phòng ngủ của chúng ta cũng phải nằm trong ranh giới đấy. Đó là không gian riêng tư của chúng ta. Đứng giữa 2 bên trong cuộc tranh cãi về vấn đề ngủ chung, tôi có thể dám chắc 100% rằng ban đầu nó có vẻ là một lựa chọn dễ dàng nhưng sau đó nó sẽ trở thành 1 thói quen cực kì khó bỏ. Tôi không hối hận gì về quyết định cho con thứ hai ngủ riêng, con là đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc và không bị ảnh hưởng gì từ việc không được ngủ chung với bố mẹ…”

Nguồn: popsugar

Chia sẻ