Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm chứ không phải để... ngủ xuyên đêm

H.Thanh,
Chia sẻ

"Sao con em chẳng ngủ thẳng giấc? Con chị đã ngủ xuyên đêm chưa? Vì sao em bé của người khác lại ngủ tốt hơn em bé của bạn?"...

Trong khi các mẹ thời nay lùng sục tìm cách luyện con ngủ xuyên đêm từ khá sớm thì cũng có những mẹ vẫn đang vật vã với cảnh con "ngủ ngày cày đêm" hay con quấy khóc phải bế suốt ngày. Tuy nhiên, quan điểm dưới đây của parent coach Linh Phan có thể cho các mẹ thấy được một góc nhìn khác về giấc ngủ của trẻ sơ sinh.

Đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi một trong câu hỏi này? Muốn trả lời được trước tiên bạn cần hiểu câu hỏi một cách đầy đủ.

Định nghĩa y khoa về giấc ngủ thẳng của trẻ là giấc ngủ kéo dài 5 giờ đồng hồ. 5 GIỜ - chứ không phải là 8 giờ, 10 giờ hay 12 giờ như nhiều người mong muốn. Hầu hết các bé sẽ vẫn thức dậy khoảng 2-3 lần mỗi đêm cho tới 6 tháng tuổi và 1-2 lần một đêm cho tới 1 tuổi. Một em bé được coi là ngủ thẳng giấc khi con có thể ngủ 5 giờ liên tục mà không thức dậy để bú.

Mặc dù thông tin trên có thể không phải định nghĩa mà bạn mong muốn về việc ngủ qua đêm của trẻ, nhưng đó thực sự là thước đo hợp lý để đánh giá giấc ngủ của các em bé. Và tất nhiên, có một số em bé có được giấc ngủ này muộn hơn nhiều so với những em bé khác. Nhưng cuối cùng, em bé nào cũng sẽ có được giấc ngủ đó.

Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm chứ không phải để... ngủ xuyên đêm - Ảnh 1.

Hầu hết trẻ em không ngủ qua đêm vì… trời sinh ra thế. Những quan niệm hiện đại kiểu "để con khóc, bế con lên làm hư con…" dường như đang làm suy yếu những nỗ lực làm cha mẹ tích cực của chúng ta. Văn hóa ngày nay hình như khuyến khích sự độc lập của trẻ từ khi còn quá nhỏ và nhiều người nói rằng những em bé ngoan là không nên được bế bồng ôm ấp liên tục hay nên ngủ một mình.

Về mặt sinh học, nhân chủng học và tâm lý, những em bé sơ sinh không có ý định ngủ một mình. Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm. Trẻ sơ sinh lại càng không nên ngủ qua đêm.

Giấc ngủ bình thường ở trẻ nhỏ

Chúng ta dành quá nhiều thời gian để kỳ vọng vào con nhưng lại dành rất ít thời gian để tìm hiểu và nhận ra những điều đó thực sự là gì.

Nếu bạn đã từng thấy những con voi con và ngựa con có thể làm gì ngay sau khi sinh (chúng có thể đi bộ và chạy ngay sau đó) và thấy em bé không thể làm gì ngay sau sinh - bạn sẽ hiểu được phần nào lí do vì sao em bé dễ bị tổn thương và luôn cần cha mẹ ở bên. Em bé cần đợi cho tới khi não đủ trưởng thành để có thể bước đi, đầu của em quá to để có thể đứng lên một cách an toàn. Con người cũng không cần phải chạy để giữ an toàn như ngựa hay voi.

Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm chứ không phải để... ngủ xuyên đêm - Ảnh 3.

Con người khi sinh ra là ít trưởng thành nhất về mặt thần kinh, bởi vậy rất cần người chăm sóc trong một thời gian dài. Em bé không thể tự giữ ấm, lấy thức ăn, đi đứng, nói chuyện hoặc là tính toán. Con cũng không thể thao túng được bố mẹ và con càng không thể có ý thức hay cố tình khiến bố mẹ trở thành những phụ huynh tồi.

Trẻ bình thường ngủ vào ban ngày và thức dậy vài lần vào ban đêm, ít nhất là trong vài tuần đầu tiên (6-8 tuần). Đó là điều bình thường và chúng ta không nên cố làm gì để thay đổi điều đó. Điều đó cũng có nghĩa là nếu có thể thì bố mẹ nên tranh thủ ngủ khi con ngủ để tránh bị thiếu ngủ. Trẻ lớn thức dậy vào ban đêm, nhưng ít thường xuyên hơn và điều đó cũng là bình thường.

Chúng ta có thực sự cần một em bé 2 tháng tuổi phải độc lập không? Tại sao con phải tự làm điều đó? Con có thể lên tiếng nếu cần gì đó không? Có thể tự tìm thức ăn hay tự xoa dịu bản thân không? Không, nếu muốn rèn sự độc lập, thì cũng không phải là thời gian này.

Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm chứ không phải để... ngủ xuyên đêm - Ảnh 5.

Vì sao em bé của người khác lại ngủ tốt hơn em bé của bạn?

Mọi diễn đàn hội nhóm đều có chỗ thảo luận về giấc ngủ, và bạn có thể không khó để thấy những gương mặt thiếu ngủ của rất nhiều những ông bố bà mẹ. Xã hội hiện đại giờ đây ngập tràn những yêu cầu và phán xét, rằng một em bé cần phải ngủ xuyên đêm mới là ngủ tốt. Nhưng nếu con bạn không ngủ thẳng giấc, thì đó không phải là lỗi của bạn. Có quá nhiều áp lực bắt chúng ta phải chứng minh mình là cha mẹ tốt hay làm điều đúng đắn liên quan tới giấc ngủ khiến các bậc phụ huynh che giấu sự thật với bạn bè, người thân hay thậm chí cả những bác sĩ.

Trang web Netmums đã làm khảo sát với 11.000 ông bố bà mẹ về các vấn đề giấc ngủ. Và kết quả cho thấy áp lực để trở thành những phụ huynh hoàn hảo quá lớn đến nỗi 1/3 đã thừa nhận họ NÓI DỐI về thói quen ngủ của con họ.

Con được sinh ra để bế bồng, ủ ấm chứ không phải để... ngủ xuyên đêm - Ảnh 6.

Nếu có thể thì bố mẹ nên tranh thủ ngủ khi con ngủ để tránh bị thiếu ngủ. (Ảnh minh họa)

Và còn bao nhiêu lời nói dối nữa từ những vị phụ huynh khác nhưng không chịu thừa nhận?

Nếu bạn biết rằng giấc ngủ ở trẻ hoạt động như thế nào, bạn sẽ có thể thư giãn và tận hưởng thời gian chăm em bé tốt hơn. Những kỳ vọng sẽ được giảm bớt, áp lực cũng giảm bớt và bạn có thể mạnh mẽ chống lại bất kỳ lời khuyên vô lý nào khiến bạn cảm thấy suy sụp trước đó.

Vài con số khác về giấc ngủ có thể sẽ giúp bố mẹ yên tâm hơn:

- Chỉ có 16% trẻ ngủ thẳng giấc trước 6 tháng tuổi - 84% không ngủ thẳng giấc trước 6 tháng.

- 17% trẻ thức dậy nhiều hơn 1 lần mỗi đêm, thường là từ 2 đến 8 lần.

- 5% trẻ thức dậy 1 lần mỗi đêm.

- 50% thỉnh thoảng tỉnh dậy giữa đêm.

Một nghiên cứu được thực hiện với 3269 phụ huynh liên quan tới thói quen ngủ của trẻ (ở Úc) đã cho thấy:

- Nhịp sinh học ở trẻ thường không được thiết lập tốt và đều đặn trước 4 tháng tuổi.

- Khi càng lớn, giấc ngủ ban ngày càng trở nên ít và đều đặn hơn, giảm rõ rệt nhất là sau thời điểm 3 tháng tuổi.

- 11% trẻ dưới 3 tháng thậm chí không có giấc ngủ ngày.

- Thức dậy thường xuyên giữa đêm (từ 4-12 lần) là phổ biến.

- Ngủ thẳng giấc: 71,4% đã ngủ thẳng giấc ít nhất 1 lần trong 3 tháng đầu nhưng sau đó lại thường xuyên thức dậy khi 4-12 tháng. Phải sau 24 tháng việc thức dậy giữa đêm và đòi bố/mẹ mới ít phổ biến.

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một Parent coach chuyên nghiệp, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích và hoàn toàn miễn phí cho bố mẹ có con từ 0-6 tuổi. Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Chia sẻ