Chuyên gia sữa mẹ: Trẻ sơ sinh không nhất thiết phải ngủ xuyên đêm

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Quá nhiều người kỳ vọng trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhũ nhi có thể ngủ xuyên đêm. Nhưng thực tế đối với một bà mẹ cho con bú, bé thức giấc để ti là chuyện hoàn toàn bình thường.

Tình trạng thiếu ngủ không thể tránh khỏi khi bạn bắt đầu làm mẹ. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Có con nhỏ và việc thường xuyên phải thức đêm sẽ ngốn hết quỹ thời gian của bạn. Nhưng đó là cách mọi chuyện phải diễn ra và cho dù bạn có mất bao lâu đi nữa mới tìm lại được cảm giác “làm người” – hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm - bạn vẫn sẽ cảm thấy “Cũng đáng thôi” vì thiên thần bé nhỏ bạn đang ôm ấp trên tay. 

Nhưng có vẻ như thói quen ngủ của thiên thần tí hon ấy khiến vô số phụ nữ lần đầu làm mẹ cảm thấy hoang mang và chịu nhiều áp lực, nhất là khi con họ không thực hiện được như những gì mà các bà mẹ khác/sách báo/chuyên gia y tế cho rằng, trẻ ở độ tuổi nên làm. 

Ngủ xuyên đêm
Trẻ sơ sinh tỉnh dậy trong đêm đều có lý do.

Meg Nagle, chuyên gia tư vấn về sữa mẹ, blogger và mẹ của 3 đứa trẻ, cho biết, quá nhiều áp lực đè lên vai người mẹ trong việc phải cho con ngủ xuyên đêm, mặc dù đó không được xếp vào danh mục “những rắc rối liên quan tới giấc ngủ của trẻ”. 

Cô chia sẻ: “Quá nhiều người kỳ vọng trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhũ nhi có thể ngủ xuyên đêm. Nhưng thực tế đối với một bà mẹ cho con bú, bé thức giấc để ti là chuyện hoàn toàn bình thường. Thậm chí, đây chính là một tiêu chuẩn về sinh lý. Không phải rắc rối về giấc ngủ cần điều trị. Trẻ tỉnh dậy trong đêm là có lý do”.

Trong cuốn sách “Boobin’ all day… boobin’ all night: A gentle approach to sleep for breastfeeding families” (Cho con bú suốt ngày, suốt đêm: Hướng tiếp cận nhẹ nhàng với giấc ngủ dành cho những gia đình có con nhỏ), Meg Nagle viết: “Thật không may điều mà nhiều bà mẹ thường nghĩ con họ nên ngủ xuyên đêm và trẻ sơ sinh cần học cách ngủ lâu hơn, đi ngủ mà không cần ngậm ti mẹ hay khóc lóc. Thực tế, thái độ phản đối của trẻ trong quá trình luyện ngủ là điều chắc chắn sẽ diễn ra”.

Xung quan quan điểm này, đã xuất hiện tranh cãi kịch liệt khi một bà mẹ ở Florida (Mỹ), Karren Kirsner, sáng tạo ra chiến lược luyện ngủ cho con - kết hợp của nhiều phương pháp luyện ngủ nổi tiếng, nhằm mục đích giúp trẻ sơ sinh ngủ liền một giấc 8 tiếng đồng hồ. Theo cuốn sách “The baby ‘fast to sleep’ formula” (tạm dịch: Công thức giúp bé ngủ nhanh) của Karen Kirsner, cô đã xoay sở giúp con trai lớn Sammy, ngủ xuyên đêm khi mới 7 tuần tuổi và con trai út Sonny ngủ xuyên đêm khi mới 6 tuần tuổi.

Nhưng lý thuyết của Meg Nagle hoàn toàn khác. Cô bày tỏ: “Tôi xuất phát từ triết lý lắng nghe con mình và bản năng của mình trong lúc chia sẻ, bàn luận về những điều mà các nghiên cứu dựa trên bằng chứng xác thực thể hiện xét trên khía cạnh thói quen ngủ của bé và thứ gì được cho là bình thường. Con bạn không phải đang gặp rắc rối về giấc ngủ bởi vì trẻ không tự vỗ về mình hay không tự đưa mình vào giấc ngủ được. Sữa mẹ, về nghĩa đen, có tác dụng giúp trẻ ngủ trong lúc bú. Đó là cách cơ thể chúng ta được thiết kế để thực hiện. Cách duy nhất một bé sơ sinh có thể giao tiếp là thông qua tiếng khóc”.

Ngủ xuyên đêm
Cách duy nhất một bé sơ sinh có thể giao tiếp là thông qua tiếng khóc.

Chuyên gia tư vấn giấc ngủ Heidi Holvoet cũng khẳng định, cữ bú đêm thực sự cần thiết và là điều không thể tránh khỏi đối với trẻ sơ sinh. “Một bé mới chào đời không nên thiếu cữ bú lâu hơn 3-4 tiếng. Từ 4 tháng đến 6 tháng hoặc 12 tháng, cữ bú đêm sẽ không còn thực sự cần thiết nữa. Bé chính là người quyết định sẽ tiếp tục thức giấc trong đêm để bú theo thói quen hay chỉ đơn giản là bé cần một sự trấn an nào đó”.

Theo Meg, các bà mẹ nên nhớ rằng thức giấc giữa đêm để cho con bú là “việc mà hàng triệu phụ nữ vẫn làm hàng đêm trên khắp thế giới này”. Cô nhấn mạnh: “Hãy tin vào bản năng của bạn và đi theo sự dẫn đường của bé. Không bà mẹ nào nhìn lại mà cảm thấy tội lỗi vì đã ôm ấp, vỗ về và cho con bú quá thường xuyên. Bạn không thể làm hư một em bé. Ôm ấp con, cho con bú và yêu con, chẳng bao giờ là quá nhiều”.
Chia sẻ