Bà mẹ trẻ chia sẻ tuyệt chiêu giúp con từ rất ghét ăn rau cho đến món rau nào cũng ăn ngoan thun thút
Có con lười ăn rau và hay bị táo bón là nỗi "khổ tâm" của nhiều bà mẹ, trong đó có chị Mai Ngọc.
Bé Turbo và bài học nhớ đời khi lười ăn rau
Trong chuyện nuôi dạy con, làm gương chiếm vai trò quan trọng nhất. Nếu con bạn nhìn thấy bạn ăn thực phẩm dinh dưỡng, lành mạnh mỗi ngày thì con cũng vô thức học và làm theo như bạn.
Mẹ nào có con nhỏ chắc cũng có cảm giác giống mình, mỗi ngày mà con đều đi ngoài được là một niềm vui khó tả, mừng rỡ khôn lường. Thật không có nghề nào như nghề làm mẹ mà cho dù bạn quay cuồng nấu nướng, hỗ trợ con ăn rồi khi bạn mới ngồi vào bàn thì 2 đứa cùng chạy đến vào bảo: "Mẹ ơi, con buồn đi ngoài". Đứa lớn ngồi toilet, đứa nhỏ ngồi bô và khi bạn thấy hai đứa “đi ngoài tốt” bạn sẽ vui vẻ khen con: “Con giỏi lắm. Minh dọn bạn phân xinh đi nhé". Lúc này bạn sẽ không còn thấy phiền việc hai đứa cùng lúc đi ngoài và bạn phải dọn dẹp nhiều hơn.
Turbo nhà mình là một em bé ăn uống rất tốt, rất thích ăn cơm, thịt nhưng em lại đặc biệt lười ăn rau. Điều này chắc rất nhiều mẹ thấy giống mình, nhưng mình hiểu tầm quan trọng của chất xơ đối với cơ thể, các loại rau củ, trái cây là khẩu phần không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ. Mình tập cho Turbo ăn từng loại rau một, từ từ một chút một, dần dà bạn đã có thể ăn các loại bầu bí và một số loại rau xanh, trái cây.
Có một lần mình ra Hà Nội công tác, mình gửi con ở nhà bà nội trông con vài ngày. Khi đi làm, mình dặn bà nội là mỗi bữa nhớ luộc bầu, bí hay rau gì cũng được để Turbo ăn. Bà nội thương cháu, thấy cháu mê ăn thịt thế là cứ thế 2 ngày liền cho Turbo ăn toàn thịt là thịt. Đến ngày thứ hai, buổi chiều đi làm về, mình vừa vào nhà thì thấy Turbo mặt mũi nhăn nhó, mẹ chồng mình chạy ra ngay và bảo: “Con ơi, con xem cháu sao đi. Mẹ đang nhờ người đi mua thuốc cho cháu rồi. Nó đau bụng từ trưa đến giờ mà không đi ngoài được con ạ?”.
Mình đã dự đoán trước điều này nhưng không nghĩ con bị nặng thế. Suốt từ sau bữa cơm trưa đến 6h tối, cứ 30 phút - 1 tiếng Turbo lại kêu đau bụng và chạy vào toilet nhưng ngồi đó không đi được, con đau quá nên cứ khóc. Cứ kéo dài như thế đến khi mình về, mình nhẹ nhàng ôm con rồi dắt bé vào toilet để “xử lý”. Hai mẹ con vật lộn nhau trong toilet hơn 1 tiếng đồng hồ. Toilet phố cổ bé tí xíu, trời thì nóng nên bà nội phải cung cấp riêng 1 cái quạt để phục vụ hai mẹ con, con thì khóc và mẹ thì cứ cặm cụi dùng thuốc bôi trơn và cố gắng xử lý cái em bé cứng như đá trong bụng con không chịu đi ra. Mẹ cũng cố gắng không bực bội la lối con vì mẹ biết mình bình tĩnh thì mới giúp con bĩnh tĩnh theo để làm theo hướng dẫn của mẹ được.
Xong ngày hôm đó, Turbo học được một bài học to lớn về hậu quả của việc không ăn rau. Mình tận dụng ngay cơ hội, nói chuyện với em về tầm quan trọng của rau và sự tự ý thức của em trong việc em chăm sóc bản thân mình. Còn mẹ chồng mình thì sau đó cứ đến bữa ăn là cho cháu ăn nào là nguyên bí, bầu luộc, sữa chua, trái cây mỗi ngày.
Tập cho con ăn rau dần dần, mỗi ngày từng chút một
Mình có 3 nguyên tắc trong việc dạy con ăn một loại thức ăn mới mà con không thích":
- Kiên trì trình bày, trò chuyện, thuyết phục, tôn trọng con.
- Cho con thấy hiệu quả và hậu quả của thức ăn lên cơ thể.
- Nguyên tắc trò chơi 1 - 3 - 5.
Đầu tiên mình luôn nói với con tại sao con cần ăn thứ này và nó giúp ích cho con như thế nào, một cách rất đơn giản và cơ bản thôi. Và mình trao đổi với con và thuyết phục con đồng ý “thử một miếng”. Trước đây khi mình tập cho con ăn rau, mình sẽ bắt đầu bằng cách:
- Mẹ: “Đố Turbo biết đây là món gì?”
Con sẽ không biết và tò mò.
- Mình lại tiếp : "Con thử 1 miếng đi rồi thử đoán xem rau gì?.”
Con bạn sẽ nếm và thấy vị lạ không thích thì sẽ nhả ra.
- Rồi mình sẽ nói: “Đây là cải bó xôi. Rất tốt cho sức khỏe, có nhiều canxi giúp xương, răng con chắc khỏe, và chất xơ giúp con ị rất dễ".
Rồi mình lại kiên trì trình bày thêm vài lần mỗi lần mình chỉ cần con đồng ý ăn 1 miếng. Dù con nhổ ra, hay nuốt luôn mình đều khen con giỏi, đồng ý thử món mới và biết chọn thức ăn tốt cho sức khoẻ. Rồi khi đã thấy em ăn 1 miếng không ý kiến, mình lại thuyết phục em ăn 3 miếng rồi 5 miếng. Khi con ăn được 5 miếng một loại rau hay thức ăn mới, mình chúc mừng bé đã ăn rất giỏi loại rau này và cho con xem bài hát “Eat a rainbow”. Mình cho Turbo ăn nhiều loại rau củ quả có màu sắc khác nhau trong ngày để đảm bảo con ăn được 7 sắc cầu vòng.
Bây giờ Turbo sắp đến 6 tuổi, con đã có thể ăn được rất nhiều loại rau, củ, quả, trái cây bên cạnh thịt, cá, hải sản, cơm… Mình làm việc này một cách đơn giản, kiên trì, chấp nhận việc con sẽ ghét hoặc thích, nhưng dần dần con sẽ tự hiểu về lợi ích của việc ăn rau, củ, quả. Điều này sẽ giúp con thích ăn nhiều hơn.
Bản thân mình là một người không thể sống thiếu rau, nhưng nếu các mẹ đã có một chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thiếu nước thì phải thay đổi cả cách ăn uống của mình trước nếu muốn dạy con ăn rau.
Đừng áp lực, hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Bạn và con có thể cùng con thử 1 miếng và thử chế biến nhiều kiểu khác nhau cho món ăn ngon hơn. Chỉ cần bạn bắt đầu từ mỗi bữa ăn cùng nhau đều có 1 loại rau xanh và từ từ tăng lên. Bởi vậy, làm mẹ là một công việc không những rất thiêng liêng với tình yêu vô điều kiện mà còn rất khó khăn vì bạn phải thay đổi và học hỏi rất nhiều. Bạn hoàn thiện bản thân và lớn lên cùng con. Chắc chắn sẽ rất khó khăn nhưng cũng đầy cảm hứng và thành quả cho sự kiên trì, sáng suốt của mẹ là một em bé ăn uống lành mạnh, phong phú, đa dạng và khoẻ mạnh mỗi ngày.
Ăn ít rau và trái cây được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số trường hợp tử vong trên thế giới. Đây còn được ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ” – theo Viện dinh dưỡng Quốc gia.
Vài nét về tác giả:
Mai Phùng là một dược sỹ, tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; là người đồng sáng lập EQ Cup - nơi cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học thần kinh và EQ dành cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.
Bên cạnh đó, chị Mai Phùng còn là tác giả của cuốn sách "Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ". Đây là cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách nâng niu cảm xúc, tâm lý của trẻ trước, trong và sau mỗi bữa ăn, mở ra cho các bà mẹ một con đường nhẹ nhàng, hiệu quả để rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi.
Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết của chị Mai Phùng TẠI ĐÂY.