Với 4 kỹ thuật đơn giản, con sẽ đi vào giấc ngủ sau vài giây mà bố mẹ không cần mất công dỗ dành
Một số kỹ thuật dỗ con ngủ dưới đây sẽ giúp bố mẹ đang stress vì giấc ngủ của con tìm thấy "chìa khóa" để hồi sinh năng lượng cho chính mình.
Như chúng ta đã biết, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Cụ thể, cơ thể trẻ em sản xuất hóc-môn tăng trưởng khi trẻ ngủ và hệ miễn dịch cũng được thúc đẩy hoạt động để hoàn thiện hơn trong thời gian này, vì vậy trẻ em thường cần ngủ nhiều hơn vào thời kỳ trẻ tăng trưởng nhanh. Còn về trí tuệ, thời gian ngủ là thời gian não của trẻ được điều chỉnh lại để tăng thêm năng lượng, giúp trẻ học và ghi nhớ mọi thứ, giúp phát triển toàn diện về tinh thần.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất từ Viện Nghiên cứu giấc ngủ trẻ em The Cologne Children's Sleep Study (Mỹ), có tới 30-40% trẻ nhỏ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Để trẻ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ có thể khiến các bố mẹ gặp phải khá nhiều rắc rối vì đồng hồ sinh học của trẻ không bắt đầu phát triển cho đến khi trẻ được 3 tháng tuổi.
Hãy tham khảo 4 kĩ thuật dỗ con ngủ đơn giản dưới đây để giúp con bạn đi vào giấc ngủ nhanh chóng:
1. Cố gắng để em bé tập trung vào duy nhất một điểm
Kỹ thuật này rất đơn giản nhưng lại đem đến hiệu quả tích cực. Thế nhưng, có một điều cha mẹ cần hiểu là, trẻ sơ sinh thường rất tò mò, đôi mắt của chúng luôn chuyển động khắp nơi vì chúng muốn nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Do đó, nếu bạn có thể khiến mắt trẻ tập trung vào một vật cụ thể, đặc biệt là nếu vật đó nằm ngang tầm mắt của chúng, mắt chúng sẽ nhanh chóng bị mỏi và cuối cùng chúng sẽ nhắm lại.
Đó chính là lý do kỹ thuật này được phát hiện và khuyến khích các bố mẹ áp dụng.
2. Đưa tay nhẹ nhàng qua mặt bé để xoa dịu và khiến chúng buồn ngủ
Kỹ thuật thứ hai cũng dễ thực hiện và nó thậm chí còn hiệu quả hơn nếu con bạn đã bắt đầu có cảm giác buồn ngủ.
Với kỹ thuật này, các bố mẹ hãy dùng tay đưa qua đưa lại nhẹ nhàng ở trước tầm mắt của trẻ, lưu ý không chạm vào mặt em bé. Tiếp tục di chuyển bàn tay theo hướng vòng tròn, không lùi lại và điều chỉnh chậm dần. Thực hiện như vậy nhiều lần cho đến khi chúng chìm vào giấc ngủ.
3. Lắc lư nhẹ nhàng trong vòng tay của bạn
Giống như việc đặt trẻ vào trong một cái nôi, kỹ thuật này cũng tạo ra cảm giác mất phương hướng ở trẻ, giúp cơn buồn ngủ ở trẻ dễ dàng xuất hiện.
Bạn có thể thực hiện kỹ thuật này như sau: Đặt bàn tay của bạn lên mông em bé và nhẹ nhàng đung đưa qua lại. Ban đầu, trẻ có thể hơi ngọ nguậy nhưng hãy cứ giữ yên một lúc, trẻ sẽ quen dần và chìm vào giấc ngủ sâu hơn.
Kỹ thuật này còn tạo ra sự kết nối về mặt cảm xúc giữa bố mẹ và em bé và hơi ấm được lan truyền sang cũng khiến trẻ ngủ ngon hơn.
4. Kết hợp tất cả các kỹ thuật lại với nhau để có kết quả tốt nhất
Với kỹ thuật này, các bố mẹ sẽ thực hiện lần lượt tất cả những điều trên. Một điều quan trọng cần lưu ý là tốc độ thực hiện các kỹ thuật. Bước đầu các bố mẹ có thể thực hiện nhanh hơn một chút và sau đó làm chậm dần lại theo thời gian, một cách từ từ cho đến khi em bé ngủ say.
Bố mẹ cần biết rằng, một giấc ngủ lành mạnh đòi hỏi 4 yếu tố: ngủ đầy đủ, giấc ngủ không bị gián đoạn, thời gian ngủ phù hợp với lứa tuổi và lịch trình ngủ đồng bộ với nhịp sinh học tự nhiên của trẻ. Hầu hết trẻ em sẽ tự thức dậy vào buổi sáng nếu chúng được ngủ đầy đủ và ngủ ngon. Tuy nhiên hãy cố gắng thiết lập thói quen ngủ khoa học cho con một cách từ từ để trẻ quen dần.
Hy vọng với các kỹ thuật trên đây có thể giúp các bé ngủ ngon hơn, đồng thời các bố mẹ đang có con nhỏ cũng không còn cảm thấy áp lực khi đồng hồ sinh học của con bị xáo trộn và có thể có được những giấc ngủ ngon để phục hồi cơ thể, nạp năng lượng cho một ngày mới bắt đầu!