Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm

Ocean,
Chia sẻ

Bí quyết luyện ngủ cho con thành công của mẹ Việt ở Ireland dưới đây đặc biệt phù hợp với những bé ngủ siêu kém và có thể áp dụng ngay cả khi con đã ngoài 6 tháng tuổi.

Chị Nguyễn Mai Phương (30 tuổi, hiện đang sống tại Ireland) bắt đầu tìm hiểu việc luyện ngủ cho con gái sau khi phải trải nghiệm nỗi vất vả từ chứng khó ngủ của con. Chị tâm sự: "Mình trông con một mình, giấc ngủ của con rất kém. Buổi ngày, cứ ngủ 30 phút con lại dậy một lần, phải bế ru, đung đưa, hát rất lâu. Ngủ đêm cũng dậy rất nhiều lần, kỷ lục có lần dậy 20-30 lần/đêm (tức khoảng 10-20 phút/lần). Mình rơi vào trạng thái stress và sức khỏe xuống dốc. Bên cạnh đó, con cũng ngủ không ngon nên rất hay cáu gắt và khó chịu nên mình đã quyết định luyện ngủ cho con".

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 1.

Chị Mai Phương và con gái Abby ở Ireland.

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 2.

Cô bé Abby trộm vía xinh xắn, bụ bẫm.

Khi ấy, cô bé Abby mới được 9 tháng tuổi. Sau khoảng 1 tháng luyện ngủ, Abby đã có nếp ngủ tốt, tự ngủ hoàn toàn và có thể tự ngủ lại khi tỉnh giấc. Hiện nay, Abby được 17,5 tháng tuổi, có thể ngủ xuyên đêm khoảng 11 tiếng và ngủ giấc ngày từ 1,5 – 2 tiếng mà không bị tỉnh giữa chừng.

Quá trình bắt tay vào việc luyện ngủ cho con của vợ chồng chị Phương không được thuận lợi khi "nhắm mắt đưa chân" chọn phương pháp "để mặc con khóc" (cry it out). Thế nhưng ngày đầu tiên, dù có bố trong phòng, bé Abby vẫn gào khóc hơn 1 tiếng không dứt. Sau đó khi được mẹ bế, dỗ dành, bé vẫn khóc tiếp 1 tiếng nữa và đêm hôm đấy cứ ngủ được 20 phút, bé lại tỉnh, khóc. Những ngày sau bé ngủ kém rõ rệt, thường khóc vì sợ hãi, ấm ức. Chị Phương vì xót con, đã quyết định dừng phương pháp này, chuẩn bị kỹ càng hơn.

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 3.

Ban đầu, Abby đã phản kháng dữ dội khi được luyện ngủ theo phương pháp "để mặc con khóc".

Sau đó chị cho rằng, với những em bé trên 6 tháng tuổi, không nên luyện ngủ theo phương pháp cry it out hay cry it out with check. Bởi các bé đã lớn, kỹ năng tư duy của bé đã phát triển đủ để hiểu rằng "khi ngủ là phải có mẹ ru" nên sẽ khóc chống đối cho đến khi kiệt sức nếu bị bỏ mặc.

Chị Phương bắt tay vào việc đọc nhiều sách nhất có thể từ sách nuôi dạy con của nước ngoài cho đến Việt Nam. Chị cũng lân la khắp các diễn đàn để tìm hiểu, sau đó hỏi kinh nghiệm từ các mẹ đi trước. Thêm vào đó, chị cũng xin tư vấn chuyên gia và khám tổng quát cho Abby. Và bước cuối cùng, chị quyết tâm cắt ăn đêm cho Abby: "Mình quyết định cắt hẳn ăn đêm, con dậy mình sẽ bế ru chứ không cho ăn nữa. Sau khi mình cắt ăn đêm, bữa ăn sữa ngày của con cũng cải thiện rõ rệt, tăng gần gấp đôi".

Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị chu tất như trên, chị Phương mới bắt tay vào việc luyện ngủ cho con. Phương pháp chị lựa chọn là bế lên - đặt xuống, kết hợp đào tạo con tự chuyển giấc. Chị tin rằng, điều quan trọng nhất khi luyện ngủ cho con là mẹ phải hiểu con mình và hiểu kỹ phương pháp luyện ngủ mình sắp thực hiện. Chỉ cần điều chỉnh một chút theo phản ứng của con, mẹ sẽ thành công.

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 4.

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 5.

Chỉ cần có kiến thức và tin vào con, mẹ sẽ thành công.

Việc thứ nhất khi luyện ngủ mà chị Phương thực hiện là tạo môi trường ngủ cho con. "Mình cho Abby nghe white noise (tiếng ồn trắng) dù con đã khá lớn để nghe nhưng mình vẫn cho rằng khi con nghe sẽ cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Phòng phải tối, không cần quá tối nhưng nhất định phải tối để con biết giờ ngủ tới rồi. Cất hết đồ chơi và những thứ liên quan đến sự chú ý, trải chăn gối ra, như Abby sẽ có 2 gối ôm và 1 gối chặn đầu".

Việc thứ 2 chị Phương làm là dặn dò con: "Nghe thì hơi buồn cười nhưng thực sự là mình đã nhìn vào đôi mắt tròn vo ấy liên tục và nói: "Đến giờ ngủ rồi, hôm nay mẹ sẽ bế Abby một chút. Khi nào con ngủ một tí là mẹ sẽ đặt xuống nhé, rồi con cứ nhắm mắt ngủ thôi, dễ mà đúng không". Ngày nào cũng ra rả câu này trước khi ngủ vài lần".

Trong ngày đầu tiên, chị Phương vẫn bế ru, hát ru à ơi, sau 45 phút thì bé Abby ngủ say. Nếu trước đó sẽ phải đặt con xuống giường nhẹ nhàng hết sức có thể thì lần này, chị đặt bình thường chứ không rón rén nữa. Bé dậy khóc, chị sẽ bế con lên, thì thầm bảo con ngủ tiếp. Khi con lơ mơ ngủ, chị lại đặt xuống. Cứ như thế, trong ngày đầu tiên, việc bế lên đặt xuống lặp lại 86 lần, Abby mới chịu ngủ hẳn.

Sau khi luyện ngủ thành công, bé Abby đã có thể tự ngủ, tự chuyển giấc.

Sau khi con ngủ rồi, chị Phương ngồi lại hát ru và vỗ thêm tối thiểu 15 phút nữa mới đứng dậy, "vì vòng tuần hoàn ngủ của trẻ kéo dài 45-50 phút và 10 phút đầu tiên, trẻ vẫn đang ở trạng thái ngủ nông nên cần để con yên tâm trong những ngày đầu".

Ngày thứ 2 và những ngày sau đó, ở tất cả các giấc ngày và giấc đêm, chị Phương vẫn duy trì việc bế lên - đặt xuống, dỗ dành con như ngày đầu tiên. Bé Abby có sự chuyển hướng tích cực, từ 86 lần bế lên - đặt xuống ban đầu giảm dần xuống còn 50 lần, 30 lần và dưới 20 lần trong các ngày sau đó.

Qua tuần đầu tiên, Abby đã dần quen với việc lơ mơ ngủ là bị đặt xuống nên chị Phương giảm bớt tác động của mẹ hơn. Khi thấy con buồn ngủ vừa nhắm mắt là mẹ đặt xuống giường. Ở tuần thứ 2 này, Abby muốn ngủ và đã quen với quy trình nên đồng ý mẹ vỗ trên giường để ngủ. Nếu vỗ và hát mãi con không ngủ, ngóc dậy, mẹ sẽ lặp lại các bước trước.

"Cuối tuần thứ 2 thì trái ngọt đến khi lần đầu con ngủ được 1 mạch 6 tiếng, sau đó là 3 tiếng, 2 tiếng và chỉ dậy 3 lần trong 1 đêm. Tính đến lúc này Abby vẫn chưa tự ngủ được mà chỉ cải thiện giấc ngủ thôi. Khi con dậy, mình vẫn phải bế lên ru 1 chút rồi đặt xuống vỗ và hát, khoảng nửa tiếng sau con mới ngủ lại".

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 7.

Ngày đầu tiên luyện ngủ, mẹ phải bế lên đặt xuống 86 lần.

Sang tuần thứ 3, Abby vừa buồn ngủ, mẹ đặt ngay xuống giường, ru lúc con đang thức. Sau khi mẹ vừa vỗ vừa hát khoảng 20 - 25 phút, con từ từ chìm vào giấc ngủ. Đến cuối tuần, hai mẹ con đạt được mốc mới là chỉ cần vỗ 1 chút, rồi mẹ đặt tay lên lưng con và hát là Abby ngủ được. Cũng thời điểm này, lần đầu tiên Abby ngủ đêm được 9 tiếng liên tục và chỉ dậy 2 lần/đêm.

Từ 1 em bé thức dậy 20 - 30 lần/đêm, chỉ sau 1 tháng, mẹ đã luyện ngủ cho con thành công, giúp bé ngủ xuyên đêm - Ảnh 8.

Abby hiện tại trộm vía rất chững chạc và tự lập.

Khó khăn đến khi quá trình luyện ngủ bước vào tuần thứ 4, cũng là wonder week của Abby. Bé không chịu nằm để mẹ ru, bắt bế, mỗi đêm dậy liên tục 5-6 lần. Tuy nhiên, chị Phương vẫn bình tĩnh vượt qua. Chị chấp nhận bế con và luyện lại từ đầu. Hễ con lim dim ngủ, mẹ lại đặt xuống. Nếu con khó chịu khóc quá, mẹ sẽ thủ thỉ nói chuyện rồi hát, con lim dim lại đặt xuống. Hết tuần thứ 4 này, Abby vượt trội hẳn về mặt ngủ. Giấc đêm bắt đầu từ khoảng 7h30-8h tối cho đến 2 giờ đêm dậy chơi, sau đó quan sát xung quanh một lúc lại ập người xuống gối, tự chuyển giấc ngủ tiếp.

Dần dần sau đó, giấc đêm của Abby được kéo dài hơn qua các ngày, cho đến hiện tại là đã có thể ngủ một mạch đến sáng. Luyện ngủ cho con thành công được coi như là một trong những bước ngoặt của vợ chồng chị Phương, khiến việc nuôi con trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chia sẻ lại kinh nghiệm của mình, chị Phương hy vọng phần nào có thể giúp các bà mẹ khác, với những em bé hơn 6 tháng tuổi, tìm thấy niềm tin, động lực để luyện ngủ cho con giúp hành trình làm mẹ bớt áp lực hơn.

Chia sẻ