Thời gian biểu cho trẻ đi ngủ theo độ tuổi khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa
Một bài đăng gần đây của một tạp chí đưa ra thời gian khuyến nghị cho trẻ đi ngủ tùy theo độ tuổi đã gây nên rất nhiều tranh cãi giữa các ông bố bà mẹ.
Trang Facebook của tạp chí Creative Child mới đây đã đăng một bức ảnh cho thấy bảng thời gian biểu đi ngủ cho trẻ từ 2 tuổi đến 18 tuổi. Theo bảng thời gian biểu này, trẻ 2 tuổi sẽ phải đi ngủ lúc 7 giờ tối, và cứ thế tăng thêm 1 tuổi thì thời gian đi ngủ sẽ muộn thêm 15 phút, đến lúc 18 tuổi thì 11 giờ là lúc con phải đi ngủ. Được biết đây là khuyến nghị đến từ một blog có tên Mommy Moment.
Thời gian biểu giờ ngủ khuyến nghị cho trẻ gây tranh cãi trên Facebook.
Tất nhiên không phải ai cũng đồng tình với thời gian biểu này. Một phụ huynh phản bác: “Tôi nghĩ thời gian biểu này thật nực cười. 11 giờ tối không phải là thời gian đi ngủ thích hợp cho bất kì ai ở bất kì lứa tuổi nào. Thời gian đi ngủ muộn nhất mà tôi thấy phù hợp (cho những ngày thường, không phải dịp nghỉ lễ hay những ngày/đêm đặc biệt) nên là 9 giờ 30 phút tối.”
Trong khi có vẻ như thời gian đi ngủ càng sớm thì càng tốt đối với hầu hết chúng ta, một số người khác lại cho rằng những khuyến nghị này là hoàn toàn phi thực tiễn nếu xét về tổng thời gian trẻ ngủ mỗi đêm. Một người mẹ chia sẻ: “Không phải như thế. Con tôi năm nay 4 tuổi, sắp lên 5 và con bé đi ngủ lúc 9 rưỡi. Con rất thích ngủ nhưng con sẽ không ngủ đủ giấc. Nếu tôi muốn dậy muộn hơn 6 giờ sáng, thì con bé phải đi ngủ lúc 9 giờ tối.”
Ngoài ra, cũng rất nhiều ý kiến cho rằng bảng giờ đi ngủ này thiếu chuẩn xác khi không đưa ra thời gian thức dậy tương ứng vào sáng hôm sau. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trẻ cần có thời gian làm bài tập về nhà (với trẻ từ 6 tuổi trở lên), thời gian chơi vào buổi tối. Khoảng 7 - 8 giờ cũng là thời gian ăn tối phổ biến của các gia đình. Vì vậy, không thể cho trẻ lên giường đi ngủ như thời gian khuyến nghị.
Năm 2015, bảng giờ đi ngủ chuẩn cho trẻ được Trường tiểu học Wilson ở Kenosha, Wisconsin (Mỹ) đưa lên facebook (căn cứ vào giờ trẻ phải thực dậy vào buổi sáng) cũng từng khiến nhiều phụ huynh giật mình. Hàng ngàn bình luận về bảng giờ đi ngủ này cho thấy nó không khả thi ở hầu hết các gia đình.
Xác định thời gian ngủ phù hợp cho trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Vậy các chuyên gia nói gì về khoảng thời gian tốt nhất để trẻ đi ngủ? Đa số các khuyến cáo cho rằng điều đó phụ vào rất nhiều yếu tố, không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi mà còn vào thời gian thức dậy. Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC), Viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) và Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đều đồng ý với những khuyến nghị về tổng thời gian ngủ mỗi ngày sau:
Trẻ sơ sinh (4-12 tháng): 12-16 tiếng (bao gồm cả các giấc ngắn ban ngày).
Trẻ từ 1-2 tuổi: 11-14 tiếng (bao gồm cả các giấc ngắn ban ngày).
Trẻ từ 3-5 tuổi: 10-13 tiếng (bao gồm cả ngủ trưa).
Trẻ từ 6-12 tuổi: 9-12 tiếng.
Trẻ từ 13-18 tuổi: 8-10 tiếng.
Điều này có nghĩa là nếu con bạn đang học cấp 3 và phải dậy lúc 6 giờ 30 sáng để đi học thì con phải đi ngủ muộn nhất lúc 10 giờ 30 phút tối. Đối với trẻ nhỏ thì bố mẹ nên cân đối thời gian ngủ trưa và ngủ tối, nếu buổi trưa ngủ nhiều thì có thể rút bớt thời gian ngủ buổi tối.
Ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ (Ảnh minh họa).
Nghe thì có vẻ tổng thời gian ngủ này khá nhiều nhưng các nghiên cứu khoa học đã chứng minh ngủ đủ giấc có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn đối với sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Theo như Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, thiếu ngủ không chỉ dẫn đến cáu kỉnh và tức giận mà còn gây nên mất tập trung, béo phì, đau đầu và căng thẳng. Trong khi đó, ngủ đủ giấc giúp sức đề kháng tốt hơn, kết quả học, hành vi, trí nhớ và sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Nếu bạn còn lo lắng làm sao để có thể cho con đi ngủ sớm thì Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã có một khuyến nghị giúp bạn, đó chính là làm theo thói quen: đánh răng – đọc sách – đi ngủ. Một lịch trình cố định cùng với nhiều hoạt động thể chất và ít thời gian tiếp xúc với điện thoại, TV hay Ipad hơn sẽ giúp trẻ buồn ngủ nhanh hơn, bố mẹ từ đó cũng có thể đi ngủ sớm hơn.
Nguồn: Redbookmag, Yahoo, Littlethings