Tâm sự xót lòng của những bà mẹ cai sữa sớm cho con để lao mình lên tiền tuyến chống dịch virus corona

Tú Cầu,
Chia sẻ

"Mẹ xin lỗi, mong con đừng trách mẹ. Mẹ cần hỗ trợ tiền tuyến bất cứ lúc nào và cùng các đồng nghiệp của mình chiến đấu...", đó là những lời dành cho đứa con bé bỏng được một bác sĩ sản khoa đăng lên trang cá nhân của mình.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát gây ra nhiều xáo trộn thậm chí cả đau thương lớn cho tất cả mọi người. Không chỉ bệnh nhân chẳng may nhiễm bệnh phải cách ly gia đình mà các y tá, bác sĩ trong vùng dịch cũng phải tạm rời xa người thân để chuyên tâm cống hiến cho công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Trong đội ngũ y bác sĩ và nhân viên công vụ ấy không thiếu những bà mẹ mới sinh con chưa lâu. Nhưng đứng trước nhiệm vụ công việc và trách nhiệm với cộng đồng, họ đã dứt khoát hi sinh lợi ích riêng của đứa con mới sinh, cai sữa con để chuyên tâm làm việc!

Cai sữa khi con mới 6 tháng tuổi

Vào ngày 21 tháng 1, nhiều cán bộ của Ủy ban Đoàn Thanh niên quận Hán Dương, thành phố Vũ Hán đã nhận được một tin nhắn: "Đồng chí đã được điều động đến tổ chuyên ban, mời buổi chiều cùng ngày tới báo danh". Ngay sau đó, họ đã được thuyên chuyển đến Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh quận Hán Dương để làm việc. Bà mẹ Hoàng Vĩ Linh, 28 tuổi, là một trong số đó.

Hoàng Vĩ Linh sau khi nhận được thông báo cũng không lấy làm lạ vì tình hình dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng. Nhưng điều khiến cô không yên tâm nhất là đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi vẫn đang bú mẹ của mình. Một bên là con trai bé bỏng chưa cai sữa, một bên là nhiệm vụ được giao phó, cô thật sự phải suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, sau khi bàn bạc với gia đình, Vĩ Linh quyết định cai sữa sớm cho con, rồi cô gửi con cho ông bà chăm sóc giúp vì lo lắng bé có thể bị lây nhiễm dịch bệnh.

"Mẹ xin lỗi, mong con đừng trách mẹ" - Lời tâm sự xót lòng của những bà mẹ y bác sĩ phải cai sữa con mới sinh để lao mình lên tiền tuyến chống dịch - Ảnh 1.

Hoàng Vĩ Linh ở vị trí công tác.

Sau đó Hoàng Vĩ Linh đã được chuyển đến làm công việc chuyên xác định thông tin của những bệnh nhân có biểu hiện sốt. Tiếp đến bố trí xe cứu thương đưa họ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị. Công việc căng thẳng, cô phải làm việc hơn 12 tiếng/ngày.

Trong 2,3 ngày đầu tiên, do sự thiếu hụt nhân viên và quy trình làm việc chưa được thiết lập, những nhân viên như Hoàng Vĩ Linh bận rộn tới mức không có cả thời gian vào toilet. Dù ngoài trời đang giữa mùa đông lạnh giá nhưng trên lưng những nhân viên công vụ ấy vẫn toát đầy mồ hôi, vì công việc quá tất bật và cả vì những lo lắng nữa.

Đối với Hoàng Vĩ Linh, phải đến 3 ngày sau khi cách ly con trai 6 tháng tuổi cô mới có thời gian gọi video về ngắm nhìn con. Rõ ràng việc cai sữa cho con quá sớm khi cả cô và em bé đều chưa có sự chuẩn bị khiến con cô rất khó khăn để chấp nhận. Nhất là biết con đang bị ho và ngủ không ngon, cô càng lo lắng hơn. Điều ước duy nhất của cô lúc này là dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt, để cô được trở về đoàn tụ với con trai nhỏ của mình.

Mẹ y tá hỏi về thuốc cai sữa cho con 5 tháng tuổi

Bà mẹ nào cũng muốn con mình có thể bú sữa mẹ được càng lâu càng tốt, nhất là những người làm trong ngành y tế, họ càng hiểu rõ hơn lợi ích của sữa mẹ. Nhưng tại bệnh viện Thiên Hựu trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, một bà mẹ y tá đã nhắn tin hỏi trong nhóm làm việc của mình rằng có thuốc nào làm mất sữa hay không.

"Mẹ xin lỗi, mong con đừng trách mẹ" - Lời tâm sự xót lòng của những bà mẹ y bác sĩ phải cai sữa con mới sinh để lao mình lên tiền tuyến chống dịch - Ảnh 2.

Y tá Tề Mộng Lị hỏi về thuốc làm mất sữa.

Tề Mộng Lị là một bà mẹ 2 con, làm việc trong phòng phẫu thuật. Khi thấy cuộc gọi từ phòng điều dưỡng, cô đã lập tức đăng kí với giám đốc khoa điều dưỡng của bệnh viện. Cô hi vọng mình có thể được tham gia cuộc chiến chống lại dịch bệnh này. Nhưng giám đốc khoa điều dưỡng Trần Thu Hà sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình cô đã không đồng ý. Song Mộng Lị nhấn mạnh rằng cô đã sắp xếp được việc ở nhà. Bố mẹ chồng và chồng cô sẽ chăm sóc lũ trẻ để cô có thể làm điều gì đó thiết thực khi dịch bệnh bùng phát.

"Tôi không sợ hãi, có điều có chút thương con phải cai sữa sớm", Mộng Lị nói. Đứa con lớn của cô năm nay 3 tuổi, đứa con thứ 2 mới được 5 tháng tuổi mà thôi. Gia đình đều ủng hộ vì thế cô quyết định cai sữa cho con. Trong lúc xa con, cô thậm chí còn không dám xem hình ảnh các con ở nhà vì sợ rằng mình sẽ khóc.

Bác sĩ sản khoa vắt cạn những giọt sữa cuối cùng cho con 8 tháng tuổi

"Vốn định cho con bú mẹ tới 1 tuổi. Nhưng bây giờ mẹ phải cai sữa khi con mới được 8 tháng. Mẹ xin lỗi, mong con đừng trách mẹ. Mẹ cần hỗ trợ tiền tuyến bất cứ lúc nào và cùng các đồng nghiệp của mình chiến đấu...", đó là những lời dành cho đứa con bé bỏng được một bác sĩ sản khoa chia sẻ trên weibo.

"Mẹ xin lỗi, mong con đừng trách mẹ" - Lời tâm sự xót lòng của những bà mẹ y bác sĩ phải cai sữa con mới sinh để lao mình lên tiền tuyến chống dịch - Ảnh 3.

Bác sĩ sản khoa Trương Lợi viết cho con gái bé bỏng.

Là một bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nhưng Trương Lợi, bác sĩ sản khoa công tác tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã dứt khoát cai sữa khi con cô được 8 tháng tuổi. Mục đích để cô có thể chuyên tâm cùng đồng nghiệp chống lại dịch bệnh. Ngày 24 tháng 1, sau khi vắt cạn những giọt sữa cuối cùng để lại nhà cho con, cô nhanh chóng đi đảm nhận công việc của mình.

"Là một bác sĩ sản khoa, tôi biết rằng thời gian cho con bú càng lâu sẽ càng tốt cho em bé. Nhưng trong giai đoạn đặc biệt này, các đồng nghiệp của tôi đang chiến đấu hết mình và tôi không thể lui về sau trốn tránh được", Trương Lợi nói lên quan điểm của bản thân. Thiết nghĩ đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều các y bác sĩ có cùng hoàn cảnh với cô - những con người đầy cao cả và nhiệt huyết nguyện cống hiến hết mình để đẩy lùi dịch bệnh.

Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại: https://lotus.vn/lachanviruscorona

Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.

Tâm sự xót lòng của những bà mẹ cưỡng chế cai sữa sớm cho con để lao mình lên tiền tuyến chống dịch virus corona - Ảnh 7.

Nguồn: Sohu, KKNews

Chia sẻ